In bài này

Người anh hùng chưa được vinh phong: Phạm Huy Thiệu - Ngồi buồn nghĩ cách cứu người

 Năm 1975, với công văn số 45/CV ngày 2.4 và công văn số 283/CN ngày 5.10, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã 2 lần đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho ông với thành tích bắn cháy 10 máy bay Mỹ và bắn bị thương 4 chiếc khác, diệt hơn 200 lính Mỹ (giấy chứng nhận dũng sĩ diệt máy bay, dũng sĩ diệt Mỹ, Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Kháng Chiến hạng Nhì và hàng tá các huân, huy chương khác). 

Năm 1992, ông được Bộ LĐTBXH tặng bằng khen vì thành tích thương binh sản xuất kinh doanh giỏi, cùng năm đó ông được TP.Hà Nội công nhận là “Công dân kiểu mẫu” cùng hàng chục bằng khen, giấy khen trải dài suốt cả hai thập niên 80-90 của thế kỷ XX. Ông là Phạm Duy Thiệu (ảnh). 

Nhưng éo le thay, chính quyền địa phương đã nhiều lần nhận xét không trung thực về ông, vì ông “can tội” dám đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng khiến 10 đảng viên thoái hóa biến chất bị khai trừ khỏi Đảng, trong đó có một chủ tịch xã, một bí thư đảng ủy xã kiêm huyện ủy viên Từ Liêm phải hầu tòa lãnh án. Do vậy, việc phong tặng danh hiệu anh hùng cho ông bị ách tắc đã gần hai chục năm và trong lúc chưa tìm ra cách để “tự cứu” mình, ông Thiệu đã lọ mọ tự học để tìm cách cứu người có nỗi đau giống mình.

Trận đánh cuối cùng

Ông bắt đầu câu chuyện với tôi bằng một câu chắc như đinh đóng cột: “Anh nào bảo đi đánh nhau mà không sợ chết thì chỉ là nói phét”. Đó là trận đánh xảy ra vào ngày 6.11.1967, tại cao điểm 69 (xã Sơn Long, Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Đơn vị ông có nhiệm vụ bảo vệ đường rút an toàn cho Tiểu đoàn phòng không duy nhất và là lực lượng dự trữ chiến lược cho chiến dịch Mậu Thân 1968 của Quân khu 5. Ngay sau loạt đạn pháo dọn bãi dài chừng nửa tiếng đồng hồ, khoảng năm chục chiếc trực thăng lao vào khu vực quần thảo và đổ quân. Người ông Thiệu run bắn lên, răng va vào nhau lập cập. Song, chỉ sau vài loạt điểm xạ ngắn, thấy lính Mỹ to kềnh càng đổ gục, ông mới bình tĩnh tự tin trở lại.

Tiêu diệt hết bọn rằn ri ở dưới đất, ông mới ngóc nòng khẩu 12 ly 7 lên trời bắn thẳng vào lũ trực thăng đang lăm le tiếp tục đổ quân. Một chiếc... hai chiếc... rồi ba chiếc bốc cháy ngùn ngụt lao cắm đầu vào núi.

Trực thăng dạt ra, pháo binh từ các căn cứ Quế Sơn, cầu Ông Triệu, đồi Núi Đất và cả ở tàu chiến ở ngoài biển lại cấp tập nã đạn vào trận địa lúc ấy chỉ còn lại mình ông Thiệu và khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Xuân.

Trận đánh ấy chỉ kết thúc khi ông đã tiêu diệt được 9 trực thăng, 1 B.57, bắn bị thương 4 chiếc khác, đúng vào lúc khẩu 12 ly 7 của ông không còn một viên đạn nào nữa. Ông được cấp cứu trong tình trạng thoi thóp, cơ thể nát bươm với 19 vết thương trầm trọng.

Tự cứu mình

Trở về đời thường vào năm 1969, anh thương binh 2/4 Phạm Duy Thiệu (với 9 mảnh đạn còn găm trong cơ thể, trong đó có một mảnh trong hộp sọ, một mảnh cận kề tâm thất tim) đã phải quăng quật với đủ thứ nghề để sinh sống, nhưng vợ con nheo nhóc vẫn hoàn nheo nhóc.

Một bữa áp Tết Nguyên đán- 1987, ông buột miệng hỏi đứa con lớn “Tết này con thích gì”. Đứa bé hồn nhiên “Con chỉ thích có một nồi cơm trắng và một bát thịt kho thật đầy thôi bố ạ”. Ước mơ giản dị của con trẻ làm ông đắng hết cả mồm. Và đó chính là động lực hối thúc ông một mình một tay nải tấn công ra bãi giữa sông Hồng tuyên chiến với cái nghèo. Làm bạn với ông lúc ấy là hai chú cún con, là cuốc, là xẻng, là rựa, là dao và hàng trăm chiếc bẫy chuột tự chế. Ngày vét ao thả cá, cuốc đất trồng rau. Đêm đặt bẫy chuột nuôi mình và nuôi lợn.

Ông kể: Chuột ở bãi giữa sông Hồng nhiều vô kể. Nhiều đêm, ông dậy gom chiến lợi phẩm, được đến cả yến thịt chuột. Chuột là món ăn khoái khẩu vô cùng. Người ăn ngon, lợn ăn càng ngon, lớn nhanh như thổi. Còn ngưu tất (một vị thuốc nam) rất dễ trồng, ít công chăm, cho lãi gấp 2- 3 lần rau xanh. Tất tật làm lụng, mỗi năm ông thu lãi cả chục cây vàng.

Chỉ với hai bàn tay trắng, sau 5 năm đổ mồ hôi sôi nước mắt ở bãi sông, ông Thiệu đã được báo chí vinh phong nhiều biệt danh độc đáo: “Vua bãi bồi”, “triệu phú sông Hồng”, “ông thương binh địa chủ”... Ông đã tự cứu mình, có của ăn của để, xây được cả một ngôi biệt thự to đẹp vào bậc nhất bãi Tứ Liên lúc ấy. Nhưng...

Thương người như thể thương thân

Nhưng ở giữa bãi sông Hồng mông quạnh, đơn độc, mỗi khi trời đổi tiết, vết thương cũ hành hạ, ông như người phát khùng muốn đập phá bất kể một thứ gì đó. Trong những ngày buồn nản quẫn bách vì không “tự cứu” được danh hiệu anh hùng, lại còn bị người hàng xóm câu kết với lũ người xấu thâm thù mưu sát (dùng liềm hòng giết ông với 25 mũi khâu trên đầu, 10 mũi khâu ở cổ và 15 mũi khâu nối gân tay- mất 34% sức khỏe) có đôi lúc bình tâm điềm tĩnh lại, ông tự nhủ: Những người bị bệnh hoạn hành hạ chắc cũng đau cũng khổ, cũng khốn nạn giống mình. Thế là ông hạ quyết tâm tự học nghề thầy lang để chữa bệnh cứu người.

Thầy dạy của ông là cuốn sách “Phác đồ chữa bệnh theo phản chiếu thần kinh đa hệ” của Hoàng Chu, viết về phương pháp diện chẩn của GS - lương y Bùi Quốc Châu- chuyên gia số một về diện chẩn của Việt Nam. Ông kể, chữa bệnh bằng phương pháp của GS Châu cũng gian nan không khác gì đánh giặc, cả giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Lúc đầu, ông thực hành bằng cách chữa bệnh cho người nhà. Sau đó mới dám hành nghề với thiên hạ.

Từ ngày làm thầy lang đến nay, ông đã mang lại niềm vui cho khối người. Xin được chép ra đây vài ba (trong số hàng trăm) lời cảm ơn để bạn đọc hiểu thêm cái tâm lẫn cái tài của ông lương y bất đắc dĩ này:

- “Ngày 12.4.2010. Tên tôi là Đỗ Kim Hạnh, mẹ của cháu Nguyễn Thanh Tùng, ở tại số 29 khu tập thể Rau quả ngõ 433 Kim Ngưu, Hà Nội. Chúng tôi vô cùng biết ơn bác Phạm Duy Thiệu, cụm 1 phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội. Bác đúng là thần y. Bác đã chữa khỏi bệnh gai gót chân cho con tôi. Trong suốt 6 năm liền bị đau gót chân, cháu đi lại rất khó khăn khổ sở. Chúng tôi đã cho cháu mổ một lần, vẫn không khỏi.

Nay nhờ bác Thiệu chữa bằng phương pháp diện chẩn của Giáo sư - lương y Bùi Quốc Châu: Day huyệt không phải uống thuốc. Một phương pháp đơn giản mà hiệu quả. Chỉ cần 25 lần day huyệt, gai gót chân đã teo. Con chúng tôi đã đi lại bình thường. Chúc bác luôn khỏe để có điều kiện cứu chữa được cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ghi chú: Chồng tôi là tiến sĩ y khoa Bệnh viện Mắt TƯ Nguyễn Trí Dũng”. 

- “Tôi vô cùng xúc động và cảm phục bác Phạm Duy Thiệu, vì bác đã chữa khỏi bệnh tâm thần (theo kết luận của BV Bạch Mai) cho con gái tôi là Vũ Thị Nhật Mỹ. Gia đình tôi đã chữa cho cháu ở nhiều bệnh viện, nhiều phương pháp, kể cả phương pháp tâm linh tốn rất nhiều tiền bạc, song không có chuyển biến. Nay bác Thiệu chỉ day huyệt 20 ngày, bệnh tình đã chuyển biến rõ rệt. Mọi sinh hoạt của cháu đã trở lại bình thường. Tôi thực sự cảm ơn bác Thiệu. Dị Sử (Mỹ Hào, Hưng Yên) ngày 16.4.2010. Bố của cháu Nhật Mỹ- Vũ Văn Trung. 

- “Ngày 21.8.2010. Tôi là Võ Thị Lan Anh, 37 tuổi trú tại 35 Mạc Thị Bưởi, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tôi bị bệnh co cứng nửa người bên phải, mặt bị bệnh kéo méo mồm. Tôi đã đi chữa ở nhiều nơi trong thời gian dài, tốn rất nhiều tiền mà không khỏi. Gặp may được bác Thiệu chữa cho, chỉ 8 ngày day huyệt đã trở lại bình thường. Chúc bác mạnh khỏe, sống lâu để cứu giúp được nhiều người giống cháu”. 

- “Ngày 16.4.2012. Tôi là Lê Thị Khuyến, 41 tuổi, trú tại số 3 ngõ 275, Âu Cơ, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội. Tôi bị mắc một số bệnh về máu và bị u thực quản, u gan bàn chân. Cơ thể rất yếu. Gia đình đã đưa đi chạy chữa ở khắp các bệnh viện đầu ngành, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Tôi đã tính phải đi nước ngoài để chữa. May gặp được bác Thiệu.

Tôi kiên trì theo bác gần 2 tháng. Nay chỉ số máu đã trở lại bình thường, các khối u tan biến mà không phải dùng đến một viên thuốc nào. Với tôi, đó là một giấc mơ rất kỳ diệu và thần thoại. Tôi rất xúc động viết những dòng cảm tạ gửi đến bác Thiệu và Giáo sư Bùi Quốc Châu đã sáng tạo ra phương pháp diện chẩn rất đơn giản mà cũng rất hiệu quả. Xin chân thành cảm ơn các bác”. 

Thưa bạn đọc đáng kính. Còn nhiều, rất nhiều những lời cảm ơn chân thành và mộc mạc như thế. Ai đó mắc bệnh hiểm nghèo và muốn hỗ trợ, xin gọi vào số máy 0947689909, bạn sẽ được ông Thiệu giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo.
 
(Nguồn http://laodong.com.vn/phong-su/ngoi-buon-nghi-cach-cuu-nguoi/99484.bld)