In bài này

Thể dục tự ý và các nguyên tắc tập

 GSTSKH. Bùi Quốc Châu

1/. Thể dục tự ý để phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ tiến dần đến chỗ tiêu trừ bệnh trong cơ thể: mỗi ngày tập cử động tất cả các khớp trong cơ thể. Bộ phận nào có thể cử động được thì cử động (Vd: xoay tròn mắt, cổ hoặc cúi xuống ngửa lên, chân tay đưa ra trước, sau, các ngón tay hoặc ngón chân, gập người rồi ngửa lên, xoay eo lưng …).

 Tập lần lượt từ trên đầu xuống chân mỗi bộ phận ba lần rồi tập sang bộ phận khác cho đến khi tập hết các bộ phận trong toàn thân thì ngưng. Tập toàn thân tổng cộng độ 20 – 30 phút.

2/. Để tự chữa một bệnh hay triệu chứng bệnh nào của một bộ phận nào đó đang xảy ra trong cơ thể. Vd: đau cổ gáy, đau nhức cánh tay, đau thắt lưng, nặng đầu, đau khớp vai, khớp gối …..
Chỉ tập bộ phận đang có vấn đề (đau nhức, mỏi, nặng nề, tê dại, cứng, ….) mà không cần tập các bộ phận khác. Có thể tập ngày 03 lần cho đến khi hết bệnh.

Đối với hai trường hợp trên khi tập đều phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:
- Vừa cử động vừa THỜ (hít vào, thở ra)
- Vừa cử động vừa GỒNG (gồng vừa phải thôi, gồng quá sức sẽ mỏi cơ)
- Vừa cử động vừa QUÁN TƯỞNG (tập trung chú ý) vào bộ phận đang có bệnh
- Vừa cử động vừa ƯỚC MUỐN MÃNH LIỆT và TIN TƯỞNG SẼ KHỎI BỆNH.

Chú ý: Cử động nào phải lấy sức thì hít hơi vào và thả ra thì thở ra. Ví dụ: trong môn tập tạ khi nâng tạ lên khỏi đầu thì hít hơi vào (vì phải lấy sức), khi bỏ tay xuống thì thở ra.
Cụ thể như sau: ví dụ để trị ngón tay trỏ đang bị cứng, khó cử động ta từ từ co ngón tay lại cho đến khi đầu ngón tay trỏ chạm bàn tay. Cũng cùng lúc với cử động này, ngay từ lúc co ngón tay lại thì hít vô từ từ, sao cho hơi thở vô phù hợp với cử động ngón tay trỏ chạm vào bàn tay thì khi đó cũng vừa hết một hơi thở. Tời đây ngưng lại một chút (vài giây) rồi lại bắt đầu duỗi ngón tay trỏ thẳng ra, đồng thời phải thở ra (cũng bằng mũi) nhẹ nhàng và từ từ sao cho khi ngón tay trỏ duỗi ra là ta vừa thở ra hết (không cần phải ráng sức thở ra cạn hết hơi trong phổi, hít vô cũng thế chỉ thở vừa sức thôi). Lập lại từ 3 tới 9 lần như thế, tuỳ theo trường hợp bệnh lâu hay mới, nặng hay nhẹ mà làm 3 hay 6 hoặc 9 lần.
Cũng đồng lúc với hít hơi vô với cử động co vào của ngón tay ta phải tập trung ý tưởng nghĩ tới các ngón tay đang đau. Nếu biết rành cơ thể học thì có thể hình dung trong óc ta hình ảnh chi tiết của bên trong ngón tay như các tĩnh và động mạch trong đó có máu đang chảy, các xương và khớp ngón tay, các dây thần kinh. Đồng thời ngón tay phải hơi gồng và có ước muốn mãnh liệt là ngón tay sẽ khỏi đau.
Các bạn đừng cho là khó và nói rằng tôi bày ra cách này phức tạp qú vì làm một lúc 5 động tác hữu hình và vô hình. Trên thực tế đối với các bệnh khó trị thì mới cần phải làm nhiều như thế chứ đối với các bệnh đau khớp thông thường thì chỉ cần kết hợp cử động và hơi thở là đủ có hiệu lực sau khi vừa tập xong.

Sở dĩ ta cần kết hợp 5 động tác là vì mỗi động tác đều có ý nghĩa và tác dụng riêng đối với cơ thể và có hiệu quả trị bệnh nhất định. Nay tôi kết hợp lại để đạt được hiệu quả cao hơn, chứ không phải làm để chơi. Các bạn thử co tay vô mà không kết hợp thở cùng lúc cũng như không tập trung chú ý vào nơi đang đau hay không gồng gì cả thì hiệu quả rất kém.

Cách tập này có thể áp dụng bất cứ lúc nào và ở đâu nhưng phải luôn nhớ 5 quy tắc trên: CỬ ĐỘNG – THỞ - QUÁN TƯỞNG – GỒNG – TIN TƯỜNG và ƯỚC MUỐN thì mới có hiệu quả.

Lưu ý: Thể dục tự ý chủ yếu làm cho khí huyết trong cơ thể được lưu thông, từ đó đạt hiệu quả trị bệnh qua con đường cử động các khớp. Qua thực tế bước đầu cho thấy phương pháp này có hiệu quả cao đối với các bệnh nhân đau nhức tứ chi, các ngón tay, ngón chân, sống lưng, cổ gáy, vai, …. Tuy nhiên các bạn nên lưu ý không phải bệnh nào cũng có thể áp dụng và chữa khỏi bằng phương pháp này.

Chúc các bạn thành công với môn Thể dục tự ý này!

GSTSKH. Bùi Quốc Châu