In bài này

Cứu ngải 3 huyệt để trị dứt cơn ho sau cúm

CỨU NGẢI CHỮA HO SAU CÚM

Hàng năm, thời điểm giao mùa giữa thu và đông là thời điểm nhiều người dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh cúm. Những người có khả năng miễn dịch tương đối thấp, sau khi bị cúm, dễ bị ho phản phục.

cứu ngải trị dứt cơn ho sau cúm

Những người này thường có thể chất hư hàn. Ho thường nhẹ, không dữ dội, nhưng dai dẳng. Có người ho kèm khạc ít đờm loãng, trong; có người ho không có đờm; có người buổi sang ngủ dậy, có cảm giác ngứa họng và ho. Dùng kháng sinh không cải thiện được nhiều, nên nhiều người dùng vài đợt kháng sinh vẫn không dứt ho. Đông Y cho rằng: kháng sinh có tính chất hàn, vì vậy không nên dùng dài ngày cho những người hư hàn. Châm cứu, giác hơi làm ấm các huyệt có tác dụng tương đối tốt.

Cứu ngải là một phương pháp điều trị có hiệu quả cao, không có tác dụng phụ lại đơn giản, thích hợp thực hiện ở nhà nhưng cần kiên trì. Sau thời gian điều trị bằng phương pháp cứu ngải, ngoài việc khỏi ho, còn có tác dụng nâng cao thể trạng, tăng cường khả năng kháng bệnh.

Các huyệt thường dùng chữa ho sau cúm

Đó là huyệt: LIỆT KHUYẾT, XÍCH TRẠCH và PHẾ DU.
Cách xác định huyệt:

LIỆT KHUYẾT:

Huyệt liệt khuyết chữa ho

Vị trí: Ở trên cổ tay phía ngón cái, cạnh ngoài mặt trước đầu xương quay, trên nếp gấp cổ tay 1,5 thốn. 

Cách xác định huyệt: hai lòng bàn tay hướng xuống dưới, hai hổ khẩu giao nhau. Khi bàn tay phải ở phía trên thì đầu ngón tay trỏ của bàn tay phải sẽ trỏ đúng huyệt Liệt Khuyết của tay trái và ngược lại.

XÍCH TRẠCH:

Cứu ngải huyệt xích trạch chữa ho
Vị trí: ở nếp gấp trước khuỷu tay, cạnh ngoài gân của cơ nhị đầu cánh tay, gần giữa, về phía xương quay.
Cách lấy huyệt: Ngồi ngay ngắn, cánh tay đưa ngang ra, khuỷu tay hơi gấp, trên khuỷu tay hiện rõ một gân lớn, ở cạnh ngoài gân đó (phía xương quay), có một chỗ lõm, đó là huyệt.

PHẾ DU:

Cứu ngải huyệt phế du chữa ho
Dưới gai đốt sống lưng 3 (D3), đo ngang ra 1,5 thốn.

Cách cứu ngải chữa ho sau cúm:

Để đầu điếu ngải được đốt cháy cách huyệt khoảng 1,5-2 cm. Mỗi huyệt cứu khoảng 3-5 phút. Khi cứu, nếu thấy nóng rát thì đưa điếu ngải qua-lại, lên-xuống, tránh bị bỏng.

Để làm tăng hiệu quả điều trị, trước khi cứu, nên day các huyệt. Dùng đầu ngón tay cái day các huyệt Liệt Khuyết và Xích Trạch (hai bên), mỗi huyệt day khoảng 30 lần. Gấp ngón tay trỏ, dùng phần mu đốt thứ 2 của ngón trỏ day huyệt phế du khoảng 30 lần; Dùng mặt bụng 2 ngón tay cái miết lên-xuống từ huyệt phế du dọc bờ trong của xương bả vai khoảng 30-50 lần.

BS LÂM HỮU HÒA