In bài này

Bác sĩ tốt nhất là chính mình -02- Để mỗi người trở thành bác sĩ của chính mình

Để mỗi người trở thành bác sĩ của chính mình

Biết, quan trọng hơn là phải làm được 

Mọi người đã hiểu rõ sức khỏe của mình nằm trong tay của chính mình, nhưng rất nhiều người không biết cách sống khỏe. Vấn đề nằm ở đâu? đó là biết, nhưng làm không được! đây chính là khoảng cách giữa biết, tin và làm.

“Biết, tin, làm” chính là chỉ tri thức, niềm tin và hành động. Nói theo cách nói của cổ nhân là “tin đạo, ngộ đạo, và hành đạo”. Biết tầm quan trọng của sức khỏe, biết làm thế nào để phòng bệnh, điều này rất dễ.

Lấy ví dụ những người hút thuốc, 100 người hút thì có đến 95 người biết thuốc lá có hại, muốn bỏ thuốc có khoảng 50 người, nhưng số người thực sự bỏ được thuốc chỉ khoảng 5 người. Tình hình của việc chữa trị giảm cân cũng tương tự như vậy.

Nguyên nhân của sự khác biệt lớn này là gì? đó là nằm ở vấn đề con người. đây  chính là đặc điểm của tính người, là nhược điểm của tính người. Nhược điểm này là “tin đạo thì nhiều, hành đạo thì ít”, nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ những cám dỗ, những mê hoặc của vật dục, của xã hội. Muốn thay đổi tính cách của con người là điều rất khó, những thói quen được tạo thành qua một quá trình lâu dài, thói quen giống như sợi dây thừng trên chiếc thuyền, mỗi ngày tăng thêm một sợi, không bao lâu sau thì rất vững chắc. Sinh lý học và tâm lý học cho rằng, thói quen chính là một loại động lực đã được cố định về hình thức. Bộ não của chúng ta thường thích làm những việc dễ dàng, nó tuân theo nguyên tắc làm sao để ít tiêu hao năng lượng nhất, đơn giản nhất, tránh phiền phức, đấy là bản năng của sinh vật.

Thói quen sau khi đã tạo thành, muốn thay đổi là điều vô cùng khó. Vì vậy có thể hiểu được nhiều người biết sức khỏe là rất quan trọng, nhưng muốn thay đổi những thói quen không tốt thì làm không được. 

Cần xây dựng một quan niệm về sức khỏe ngay từ nhỏ 

Thế thì chúng ta phải làm như thế nào? Làm thế nào để nuôi dưỡng những thói quen tốt cho sức khỏe? điều này phụ thuộc vào bản thân mỗi chúng ta, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe phải được bắt đầu ngay từ lúc nhỏ, từ việc nhỏ, từ ngay ngày hôm nay, nếu không, càng ngày sẽ càng khó khăn hơn.

đây là điểm mấu chốt, cũng giống như sự phát triển của một cái cây vậy. Một cái cây ngay từ khi còn nhỏ đã có hình dạng lệch lạc, khi lớn lên nó nhất định cũng sẽ như thế. Một người trưởng thành, các thói quen bất lương của anh ta đều chính là hình ảnh từ lúc ấu thơ. Có thể nói, thói quen sống khỏe cần phải được nuôi dưỡng từ nhỏ, nếu như chúng ta không bắt đầu từ lúc còn nhỏ, đợi sau khi lớn lên, chúng ta sẽ phải tốn gấp 10 lần thời gian và sức lực, nhưng cũng không thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Ở Mỹ, có một tiết giảng cho học sinh tiểu học lớp 4 về tác hại của vấn đề hút thuốc. Thầy giáo giảng cho học sinh những vấn đề như: trong thuốc có ni- cô-tin, có hắc –ín (dầu hắc), hút thuốc lâu ngày phổi sẽ bị lám đen; đồng thời còn có thể dẫn đến ung thư… Sau đó thầy giáo cho học trò về viết bài cảm nghĩ, hầu hết các em đều nói, sau khi nghe thầy giảng giải, tôi thấy rất ghét thuốc lá, cuộc đời tôi sẽ không bao giờ hút thuốc, tôi khuyên mọi người không nên hút thuốc. Nếu như tôi có thể làm tổng thống, pháp lệnh đầu tiên tôi đưa ra chính là cấm buôn bán thuốc…

Có thể nói, những lời giảng giải đối với trẻ thơ thường rất có hiệu quả, vì bản thân chúng khi đã tiếp thu thì thường rất khó quên. 

Quan tâm và quý trọng sức khỏe: giáo dục hơn trị liệu 

Tôi là một bác sĩ đã nhiều năm làm công tác lâm sàng và nghiên cứu, sau đó chuyển qua làm công tác giáo dục về sức khỏe. Từ nghiên cứu của tôi, bệnh cao huyết áp đã có từ xa xưa, các nhà khoa học đã nghiên cứu rất nhiều về nó. Năm 1896, nhân loại phát minh ra chiếc huyết áp kế, mở đầu cho việc nghiên cứu mang tính hiện đại về bệnh này; năm 1904, bài luận văn đầu tiên về bệnh này xuất hiện, từ đó trở đi bắt đầu có hàng vạn bài luận văn viết về nó, nghiên cứu ra hàng trăm loại thuốc Trung, Tây y, nhưng bệnh cao huyết áp vẫn không được khống chế, ngược lại càng ngày càng nhiều. 

Vấn đề nằm ở đâu? Tôi đưa ra kết luận, chúng ta nên biết dự phòng từ căn bản, chỉ biết dựa vào thuốc để trị liệu là không được. Thông qua giáo dục sức khỏe, bắt tay vào công tác dự phòng, mục đích cuối cùng của tôi chính là “việc nhỏ, ý nghĩa lớn”, với việc phòng bệnh chúng ta có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền chi phí cho chữa bệnh. Cùng với việc điều trị cao huyết áp, chúng tôi tiến hành giáo dục về sức khỏe, như chú ý chế độ ăn uống, tăng cường vận động, như thế có thể giảm được tới 50% khả năng mắc bệnh.

Từ đó, tôi bắt đầu làm công tác phổ biến khoa học về chăm sóc sức khỏe, công việc này có thể nói là từ thực tế mà thành, vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Làm sao để mọi người luôn nhận thấy tầm quan trọng của việc quan tâm chăm sóc sức khỏe, đừng để cho đến khi mắc bệnh mới tìm cách chữa trị, mới biết chú ý đến sức khỏe.

Để mỗi người trở thành bác sĩ của chính mình 

Chính tư tưởng này đã làm thay đổi hướng đi của cuộc đời tôi. Tôi chủ động từ bỏ chức phó viện trưởng để toàn tâm toàn lực vào công tác lâm sàng và giáo dục khoa học phổ thông về sức khỏe. điều này đối với tôi là một chọn lựa rất quan trọng, cũng là một lựa chọn đúng đắn. Tôi muốn làm những việc gần gũi có tác dụng thiết thực hơn đối với sức khỏe quần chúng.

Tôi thích đọc sách của chủ tịch Mao Trạch đông, nội dung tuy rất ngắn, nhưng rất có tác dụng thực tế. Cuốn Luận về kháng chiến trường kỳ đã đưa ra những phương hướng và đối sách trong cuộc kháng chiến chống Nhật. Có thể thấy tầm quan trọng của quan niệm đúng đắn, nó đủ để gây ảnh hưởng đến sự phát triển của một quốc gia. Sự nghiệp sức khỏe quần chúng cũng là như thế, chỉ cần chúng ta có tư tưởng đúng đắn, chúng ta chắc chắn sẽ thu được những lợi ích vô cùng to lớn. 

Vài năm gần đây, tôi luôn nỗ lực để làm sao mỗi người đều có thể trở thành bác sĩ của chính mình. điều tôi mong muốn nhất đối với độc giả là, sức khỏe của bạn không thể ỷ lại vào những bệnh viện lớn, vào những bác sĩ nổi tiếng, chiếc chìa khóa của sức khỏe nằm trong tay của chính bạn. Chỉ cần bạn thực hiện từng chút từng chút trong cuộc sống, thế thì bạn có thể sống đến 60 tuổi không có bệnh, 80 tuổi không thấy già, sống nhẹ nhàng đến 100 tuổi, vui vẻ đến 108 tuổi!

 (Thu thập chỉnh lý: Lý Quốc Tần)

Tác giả: Hồng Chiêu Quang
Dịch giả: Đoàn Đức Thanh
dienchanviet.com - Sưu Tầm