In bài này

Chuyện lạ ở nhà ông Kỳ "bấm huyệt

 Về Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình), dân trong xã ngoài huyện xôn xao chuyện ông Kỳ "bấm huyệt". Bệnh nhân túc trực nhà ông còn đông hơn phòng khám của bệnh viện tỉnh...

 Hễ hỏi người bị cận thị thuộc các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà... liền kề nhau ở tỉnh Thái Bình, thế nào cũng được nghe nhắc đến ông Kỳ "bấm huyệt". Vùng quê có người nổi tiếng nên chúng tôi đã năm lần bảy lượt đến đội 4, thôn Lương Cụ Nam, xã Quỳnh Hồng để "mục sở thị".

  "Bệnh nhân" vào ra tấp nập nhà... chưa có giấy phép hành nghề

Ky I: Chuyen la o nha ong Ky "bam huyet"
 

Phía trước chúng tôi, hai chiếc xe máy ngoặt vào cổng nhà ông Nguyễn Đăng Kỳ, thương binh hạng 4, sinh năm 1941. 3h chiều, vẫn có tới gần trăm người ngồi chật kín nhà ông, chủ yếu là các em học học sinh cấp hai, cấp ba và có cả sinh viên ĐH đến đây chờ mong "phương thuốc lành" chữa bệnh cận thị. Nhà ông Kỳ không còn một chỗ trống, sân trước nhà ngập xe cộ, vậy mà người bệnh vẫn tìm đến không ngớt.

 Cùng với chúng tôi là chị Phương (xã An Trường, Quỳnh Phụ) đưa con tên Quyết (học sinh lớp 7) đến chữa bệnh. Mẹ con chị vừa lên Viện mắt Trung ương (Hà Nội) khám mắt và đem kết luận của bác sĩ về cho ông Kỳ xem. Ông Kỳ bảo, thực ra trường hợp đi khám mắt ở bệnh viện rồi tìm đến nhà ông "bấm huyệt" rất hiếm. Và những trường hợp không phải mò mẫm, xác định đúng bệnh như vậy thường cho kết quả tốt hơn.

 Ông Kỳ không giấu giếm rằng chỉ học "bấm huyệt" (và thường được gọi là "Diện chẩn điều khiển liệu pháp") chỉ trong... ba ngày. Ông cũng chưa trải qua một lớp học chính quy nào về y học, điều trị bệnh cứu người. Trước khi đi học rồi sau đó tự nghiên cứu, tìm hiểu sách vở về Diện chẩn, ông Kỳ là một lão nông đúng nghĩa. Hè năm 2003, ông Kỳ bắt đầu chữa bệnh, người tứ phương ùn ùn kéo về nhà ông cũng là lúc có lời ong tiếng ve. Ông Kỳ nói, trong sinh hoạt chi bộ ông đã bị công kích, phản đối gay gắt phương pháp chữa bệnh mà ông tự cho là "thần diệu". Thậm chí, ông còn bị bêu riếu "bác sĩ học 5, 7 năm chữa chưa khỏi, đây mới học vài ngày đã ti toe. Ông ấy mà chữa được bệnh thì bác sĩ về chăn gà hết!..."

 Ông Kỳ chữa bệnh thế nào?

dung cu bam huyet dien chan
Đồ nghề của ông Kỳ.

Ngoài mấy cuốn sách photocopy thì đồ nghề của ông Kỳ chưa đựng đầy một cái hộp nhỏ với cây dò huyệt, chiếc cào gai lăn đôi, búa gôm. Đây là những loại đồ nghề quen thuộc của những người làm Diện chẩn. Không hề sử dụng thuốc, không phải tiêm hay châm cứu nên ông Kỳ cho rằng phương pháp này có nhiều ưu điểm. Đó là: tuyệt đối an toàn, không tai biến, không di chứng, dễ học, dễ làm, tiết kiệm tối đa tiền bạc và công sức cho người bệnh. Ông Kỳ dám khẳng định rằng, chỉ trừ các bệnh về mổ xẻ, phải bó bột, bệnh nan y... còn lại các loại bệnh khác ông đều chữa được bằng "Diện chẩn điều khiển liệu pháp" (!?).

 Để chữa bệnh, trong thời gian hàng tháng, ngày nào bệnh nhân cũng phải đến. Mỗi lần chữa chỉ mất khoảng 5 đến 10 phút. Bệnh nhân ngồi xếp hàng lần lượt, đến lượt ai người đó ngồi trước ông Kỳ và ông bắt đầu dò bấm các huyệt trên mặt. Quan sát hàng chục bệnh nhân, không thấy ai tỏ vẻ đau đớn. Vừa bấm huyệt ông Kỳ vẫn có thể trò chuyện với bệnh nhân.

 Theo lời ông Kỳ, trường hợp hành nghề của ông chưa được các cấp có thẩm quyền công nhận. Người bệnh tự tìm đến ông và thấy kết quả khả quan nên mách cho người khác. Ông cũng không làm "dịch vụ" vì không tổ chức thu tiền của người đến chữa. "Người bệnh cứ đến chữa, trả tiền hay không đều được. Có người chữa xong gửi tôi mười nghìn, cũng có người gửi tôi cả triệu đồng", ông Kỳ cho hay.

 Người đến "bấm huyệt" nói gì?

 Năm 2001, ông Kỳ được CLB Tam năng dưỡng sinh xã Quỳnh Hồng giới thiệu đi học lớp "Diện chẩn điều khiển liệu pháp" tại CLB Lê Quý Đôn (Thái Bình) do ông Trần Dũng Thắng từ TP. Hồ Chí Minh ra giảng dạy. Trở về, ông Kỳ tiếp tục nghiên cứu các "nguyên lý cơ bản" của phương pháp này theo ông Kỳ - là "các luật đồng ứng, đồng hình, đồng dạng, hệ thống đồ hình và sinh huyệt". Ông Kỳ cho biết, ông thử nghiệm đầu tiên trên mặt mình và kế đó tự chữa bệnh cho người thân trong gia đình (trong đó có bà mẹ Nguyễn Thị Phụng, 99 tuổi vốn bị viêm phế quản đã nhiều năm).

 Ông Kỳ tự thống kê trong bản báo cáo gửi đi các nơi có tên “Một năm làm Diện chẩn”, từ tháng 11/2001 đến 11/2002 đã có 987 người đến chữa bệnh bằng phương pháp "Diện chẩn điều khiển liệu pháp". Trong số đó chỉ có 41 người bỏ cuộc nửa chừng. Và cũng theo lời ông, riêng mùa hè năm 2003, đã có khoảng 40 bệnh nhân cận thị khỏi phải đeo kính sau khi kiên trì chữa trị tại nhà ông.

 Để chứng minh "hiệu quả chữa bệnh bằng phương pháp Diện chẩn điều khiển liệu pháp rất lạ thường”, ông Kỳ dẫn ra các loại bệnh ông đã chữa khỏi hoặc thuyên giảm. Đó là các bệnh tâm thần, tai biến mạch máu não, viêm xoang, viêm mũi, dị ứng, đau lưng - thần kinh toạ, cận thị, viêm phế quản mãn tính, bại liệt...

 Lần theo dẫn chứng các bệnh nhân ông Kỳ cho rằng đã chữa khỏi hoặc đỡ, chúng tôi trực tiếp tìm hiểu một vài trường hợp.

 Anh Hải (xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình) có con là Hoàng Ngọc Trâm (học sinh lớp 3) bị cận 1,5 đi ốp. Khi gặp anh, được biết đã mười ngày nay, cứ chiều đến anh lại đưa con vượt 15km đến nhà ông Kỳ để được bấm huyệt. Cầm trên tay phiếu khám bệnh của Trung tâm mắt Thái Bình, anh cho biết: bây giờ mắt cháu Trâm chỉ còn 0,5 đi ốp". Anh chỉ đứa con anh đang nô đùa mà không phải đeo kính như trước. Thấy bệnh thuyên giảm, ngày nào anh cũng đều đặn đưa con tới chỗ ông Kỳ "bấm huyệt". Anh cho biết một vài trường hợp khác trong xã anh biết đã được điều trị khá tốt chỉ đơn giản bằng "bấm huyêt" cộng với uống thuốc thêm. Hàng ngày ông Kỳ có bán cho những ống cuộn lá ngải (2.000 đồng/3 cây) để về hơ tay hỗ trợ.

Ky I: Chuyen la o nha ong Ky "bam huyet"
 

Trường hợp khác, em Ngô Huy Hoàng, học sinh lớp 11 Tin, trường chuyên Hưng Yên, có mẹ là Nguyễn Thị Mai làm kế toán ở bệnh viện huyện Quỳnh Côi. Em Hoàng và bà em cho biết, mới chữa bệnh cận thị 4 đi-ốp ở nhà ông Kỳ được một tháng mà nay em đã không phải đeo kính, nhìn khá tốt. Hoàng kể: "Mỗi ngày em được ông Kỳ châm cứu 3 lần, mỗi lần chỉ độ 5 phút, nhưng phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt vì đông quá. Ban đầu ông Kỳ bấm huyệt thấy hơi đau, sau thấy bình thường. Mẹ mua thuốc eyevib cho em uống thêm. Thỉnh thoảng hơ tay bằng cuộn lá ngải. Ông Kỳ dặn, về nhà tự luyện nhìn xa, xoa hai tay cho nóng rồi day lên khu vực quanh mắt. Hàng ngày hạn chế đeo kính, xem TV, đọc sách".

 Để chứng minh mình đã nhìn tốt hơn thế nào, Hoàng cho chúng tôi xem một "bộ sưu tập" các loại kính nặng nhẹ khác nhau nay không phải dùng đến nữa. Em còn bảo: "Em có đứa bạn tên Trang, nó chữa chỗ ông Kỳ từ năm ngoái nay không thấy dấu hiệu thị lực kém đi nữa".

 Ồng "bấm huyệt" thật lòng và câu hỏi cho các cấp ngành có liên quan

 Nghe lời đồn đại, bệnh nhân tìm đến cậy nhờ ông Kỳ bấm huyệt có cả người từ Vũng Tàu, Hà Nội, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh... Bệnh nhân nhiều và từ xa tới, đến nỗi nhà chị Thơm, cùng xóm với ông Kỳ nhộn nhịp khách đến ở trọ để ngày nào cũng có thể đến nhà ông Kỳ xếp hàng. Và nhà ông Kỳ mới 5, 6h sáng đã có người gõ cửa. Mấy bận chúng tôi đến buổi tối vẫn có người đến bấm huyệt...

 Ông Kỳ khẳng định, mình có thể chữa khỏi được 75% số bệnh nhân tìm đến. Khi chúng tôi hỏi "trường hợp nào ông phải bó tay?", ông trả lời luôn: "Khi không xác định được đúng bệnh hoặc bệnh nhân có bệnh khác đi kèm. Và cũng có trường hợp tôi chữa mãi không khỏi và ngay bản thân tôi cũng không biết tại sao. Dù sao tôi cũng không phải là bác sĩ, nhà tôi không phải là bệnh viện nên đâu có chuyên môn sâu và dụng cụ chẩn đoán, khám nghiệm".

 Trầm ngâm một lát, ông Kỳ nói như trút nỗi lòng: "Ai không tin thì cứ việc, còn tôi thì vô cùng tin tưởng và ngưỡng mộ phương pháp điều trị mới này. Tôi biết ơn người thầy đã sáng tạo ra "Diện chẩn điều khiển liệu pháp" - ông Bùi Quốc Châu ở TP. Hồ Chí Minh. Ở Thái Bình, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có hàng nghìn người đang chữa trị và theo học phương pháp này và chúng tôi coi đó là Việt Y đạo chỉ có ở Việt Nam..."

Hiện nay còn rất nhiều người dân vẫn bán tín bán nghi mong đợi các cơ quan chức năng, các ban ngành chuyên môn sớm đưa ra kết luận về trường hợp của ông Kỳ và phương pháp chữa bệnh bằng bấm huyệt. PV TS tiếp tục tìm hiểu về vấn đề này để thông tin đến bạn đọc, trả lời câu hỏi liệu có thể tin cậy vào "thần pháp" Diện chẩn?

  • Bùi Dũng - Nguyễn Đình

dienchanviet.com (theo_VietNamNet)