In bài này

Đi tìm lý tưởng sống của thời đại mới

 Vũ Văn Hội

Sống trên đời, trong mỗi chúng ta ai cũng khao khát được hạnh phúc. Để đạt được niềm ước vọng đó, chúng ta luôn tìm cho mình một lẽ sống, hay là một lý tưởng sống. Lý tưởng này sẽ giúp ta có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn và can đảm chấp nhận mọi nghịch cảnh.

GS.TSKH Bùi Quốc Châu và tác giả bài viết

GS.TSKH Bùi Quốc Châu và tác giả bài viết

Bạn có bao giờ tự hỏi bạn tồn tại trên cuộc đời vì lý do gì không? Một câu hỏi lẽ ra rất dễ trả lời, nhưng nó làm cho bạn phải ngồi lại và bắt đầu suy nghĩ về bản thân.

Bài viết này, là sự trải nghiệm của cá nhân tôi trong những năm tháng đi tìm mục đích sống của đời mình. Tôi không hy vọng bạn sẽ phải giống như tôi. Nhưng tôi tin rằng bạn sẽ nhìn thấy thấp thấp thoáng bóng dáng của mình trong những cuộc hành trình tôi đã trải qua;

Hành trình đi tìm lý tưởng sống

Tháng 03 năm 2016 tôi bắt đầu cuộc hành trình về đất phương Nam để tham dự khóa học Diện Chẩn từ cấp I đến cấp X của sư tổ Bùi Quốc Châu. Quyết định này không phải là dễ dàng, mà tôi đã phải trăn trở và suy tính qua nhiều ngày. Để tạm nghỉ công việc hiện tại trong vài tháng không phải là chuyện đơn giản. Ngoài ra còn gia đình và các mối lo toan thường nhật khác. Nhưng đã đến lúc tôi phải lựa chọn lấy con đường đi của riêng mình.

Quay ngược lại thời gian, năm 2002 tôi bắt đầu vào học tại trường Đại học Văn Hóa Hà Nội. Với tình yêu văn hóa Việt và được sinh ra trong gia đình truyền thống thấm đẫm nét đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, tôi lựa chọn ngành Di sản văn hóa để theo học. Tôi được học các kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn như: văn hóa học, xã hội học, mỹ học, tâm lý học, lịch sử văn minh thế giới, lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam…

Năm 2006, cầm tấm bằng Cử nhân Văn hóa trên tay. Một hành trình mới lại bắt đầu. Cũng giống như các bạn sinh viên mới ra trường khác, tôi mang trong mình bao khát vọng. Mong ước đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Mang kiến thức và tuổi trẻ của mình, để cùng xây dựng nền văn hóa Việt. Bảo tồn, gìn giữ, phát huy các di sản vật thể và phi vật thể của dân tộc. Tất cả là chí hướng của tuổi trẻ và màu hồng của giai đoạn bước vào đời.

Nhưng bạn biết rồi đó, sinh viên ra trường đâu phải là tìm được việc làm ngay. Nhất là nhóm sinh viên trong ngành Văn hóa xã hội. Giống như nhiều bạn khác tôi lại phải tìm nơi tránh bão trong lúc chưa có công việc ổn định bằng cách lại cắp sách đến trường. Tôi thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội và chọn học ngành Công nghệ thông tin. Chuyện đôi khi tưởng như trớ trêu, tôi vừa tốt nghiệp một ngành học cổ xưa nhất của nhân loại là Di sản văn hóa, giờ lại tiếp tục học tiếp một ngành mới tưởng như không liên quan gì đến ngành cũ. Nhưng tất cả những kiến thức được học trên giảng đường lại là nền tảng và có mối liên hệ chặt chẽ, giúp ích rất nhiều cho tôi trong những năm tháng tiếp theo.

Năm 2009, một bước ngoặt cuộc đời hay là một cơ duyên định mệnh đã cho tôi cơ hội biết đến Diện Chẩn qua một người họ hàng. Diện Chẩn là một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, do một người Việt Nam phát minh; GS.TSKH Bùi Quốc Châu. Tôi đắm chìm nghiên cứu trong các tài liệu, sách vở mà mình tìm kiếm được. Tôi lục lọi trên mạng Internet tìm các video, bài giảng của các Thầy Diện Chẩn. Sưu tập tất cả các bài viết sách vở có liên quan để đọc, tìm hiểu cơ sở lý luận và các ứng dụng của phương pháp này.

Năm 2010, tôi tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa. Đồng thời cùng năm này, tôi làm giảng viên cho dự án “Nâng cao năng lực giảng dạy Công nghệ thông tin” giữa Việt Nam và Thụy Điển tại trường Đại Học Y Hà Nội. Tại đây, được tiếp xúc với các Thầy cô và trong môi trường Y học. Tôi càng hiểu thêm về những con người đang hàng ngày làm công việc cao cả là làm Thầy và làm nghề cứu người. Từ đó tôi cũng nhận ra rằng, con người không những phải gánh chịu những nỗi đau về mặt thể xác mà cả về mặt tinh thần. Khoa học kỹ thuật đã phát triển vượt trội nhưng vẫn không thể giải quyết được hết các vấn đề mà nhân loại phải chịu đựng. Phải chăng Diện Chẩn và các ngành Y học bổ sung sẽ gánh vác điều này?

Năm 2011, trong đợt thi tuyển dụng nhân lực vào một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội. Tôi đạt điểm cao nhất trong thi cuộc thi này và được nhận vào làm nhân viên chính thức. Cũng như bao viên chức khác, công việc cứ vậy ngày tháng trôi qua. Đồng lương không cao mà cũng không thấp, đủ trang trải cho những chi phí của cuộc sống thường nhật.

Tôi quên đi những khát vọng của tuổi trẻ, quên đi những dự định của ngày mới ra trường, quên đi những mong ước, đóng góp cho quê hương cho đất nước. Dần quên đi ngày tháng để lo chuyện “cơm – áo - gạo –tiền” của cuộc sống thường ngày. Cũng xô bồ, cũng a dua theo cái thói hư tật xấu của người đời. Ngày tháng qua đi, mà cũng biết rằng Lý tưởng sống là một cái gì đó quá xa xỉ và xa vời.

Diện Chẩn những ngày đầu gặp gỡ

May mắn thay, tôi vẫn còn một cứu cánh đó là Diện Chẩn. Ngoài thời gian cho công sở tôi dành toàn bộ cho phương pháp này. Tôi tìm thấy niềm vui, thấy nét gần gũi như một người bạn đồng hành trong những lúc vui buồn. Tôi chữa cho mọi người vào buổi tối và bắt đầu tham dự các khóa học Diện Chẩn do các Thầy lớn giảng dạy. Tôi càng cảm nhận được cái hay cái tinh túy của Diện Chẩn. Một phương pháp chữa bệnh độc đáo của Việt Nam. Xuất phát từ nền tảng kiến thức văn hóa Phương Đông, từ văn hóa, kinh nghiệm dân gian, văn học truyền khẩu Việt Nam, từ lòng tự ái và tình yêu dân tộc vô bờ bến. Hóa ra Diện Chẩn thật gần gũi mà lại liên quan mật thiết với những gì tôi đã học trên giảng đường Đại học. Chính điều này đã làm tôi gắn kết và mê Diện Chẩn ngay từ những ngày đầu gặp gỡ.

Công việc giữa lo tài chính cho bản thân và cho niềm đam mê riêng cứ thế song hành. Thấm thoát cũng được hơn bốn năm ròng. Nhưng có lúc tôi tự hỏi đâu là lý tưởng sống của chính mình. Con người ta không thể làm tốt hai công việc cùng một lúc. Có thể không đảm bảo về mặt sức khỏe, thời gian. Cũng có thể không chuyên tâm và phát triển chuyên sâu được. Đã đến lúc phải lựa chọn lấy con đường đi cho riêng mình.

Lý tưởng của tuổi trẻ

Lý tưởng của tuổi trẻ là sống có mục đích và làm tốt công việc của mình. Nhưng ai chỉ cho họ làm thế nào và dùng phương tiện gì để đạt được mục đích. Học và làm gì để hoàn thành lý tưởng sống. Người Việt trẻ có nhiều cơ hội để vươn ra biển lớn. Nhưng tư duy nghĩ theo người khác, nói theo người khác và làm theo người khác đã trở thành ăn sâu bám rễ vào tiềm thức của những người trẻ được đào tạo trong các môi trường rập khuôn và sáo rỗng. Họ không dám bước lên và nói điều mình nghĩ, làm điều mình thích. Họ không dám hành động khác với số đông nếu không muốn coi là dị biệt.

Sự đi tắt đón đầu được thể hiện trong mọi đời sống kinh tế, khoa học, xã hội. Nhưng văn hóa không thể đi tắt đón đầu. Vì những giá trị của một dân tộc như lối sống, tư tưởng, đạo đức không thể hình thành trong một sớm một chiều. Sự khập khiễng giữa tư duy phát triển kinh tế và tinh thần đã tạo nên sự đứt gãy của các hệ giá trị. Đa số người trẻ không biết mình tồn tại trên thế gian để làm gì, và vì mục đích gì. Lối sống hưởng thụ, ích kỷ luôn song hành cũng với tư duy ham mê vật chất. Họ quên đi những lý tưởng lớn lao mà cha ông đã gây dựng. Quên đi trách nhiệm hiện tại với đất nước với dân tộc.

Nhưng ai? Ai chỉ cho họ một con đường đi? một lý tưởng đúng đắn? một phương tiện tốt để thực hiện hoài bão ước mơ?. Để cảm thấy sự tồn tại trên đời từng giờ phút trôi qua đều ý nghĩa?

Sau quãng thời gian không phải là ngắn nghiên cứu và thực hành Diện Chẩn, thành công cũng nhiều mà thất bại cũng không hiếm, tôi vẫn cảm thấy mình thiếu thốn một điều gì đó. Có thể về mặt chuyên môn đã đạt được những thành công nhất định. Nhưng về hướng đi tiếp theo cần phải làm gì và đích đến là gì dường như vẫn chưa rõ ràng.

Cho đến khi tôi gặp được Thầy, tác giả của phương pháp Diện Chẩn, GS.TSKH Bùi Quốc Châu. Qua quãng thời gian được học, tiếp xúc và làm việc cùng Thầy, tôi đã nhận ra được nhiều điều mới mẻ, và tôi đã tìm được lý tưởng sống cho riêng mình;

Lý tưởng vì dân tộc, vì nhân loại

Tôi không biết điều này cho đến khi gặp Thầy, hóa ra động lực lớn nhất để tạo nên những công trình vĩ đại trong suốt mấy mươi năm qua là vậy. Từ sự mặc cảm dân tộc, từ mong muốn đất nước mình được ngẩng cao đầu với các cường quốc năm châu, Thầy đã ngày đêm trăn trở miệt mài tìm cho mình một hướng đi. Hướng đi đó chính là sáng tạo để tìm ra những phát minh mới không trùng lặp và không có ở bất cứ nơi đâu.

Diện Chẩn ra đời là một sản phẩm Y Học độc đáo. Diện chẩn chinh phục được các cường quốc có nền Y tế tiên bậc nhất bởi Diện Chẩn ra đời trong một thời đại mới. Diện Chẩn có phương pháp luận chặt chẽ. Có kỹ thuật, phương thức điều trị khác hẳn với các phương pháp đã có.

Diện Chẩn mang trong mình tinh thần dân tộc, độc lập và tự chủ. Bởi lẽ Diện Chẩn là phát minh đỉnh cao của nền y học dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ văn hóa và triết học phương Đông và từ nền tảng kiến thức văn hóa dân gian.

Học Diện Chẩn chính là học về tình yêu dân tộc, yêu tổ quốc, yêu tiếng mẹ đẻ. Từ ca dao tục ngữ đã ăn vào tiềm thức của mỗi người dân ngay từ tuổi còn thơ ấu: “trông mặt mà bắt hình dong”, hay “ăn gì bổ nấy”, hay “con lợn có béo, cỗ lòng mới ngon”… Tác giả đã khái quát hóa và ứng dụng vào Y học để cứu giúp người đời. Thử hỏi nếu không có tình yêu quê hương yêu đất nước, yêu ngôn ngữ Việt thì làm sao có thể hiểu được một cách tường tận đến vậy?

Những người làm Diện Chẩn luôn mang trong mình niềm tự hào dân tộc cao cả. Họ đang sử dụng phương pháp của chính dân tộc để nâng cao sức khỏe và tâm vóc người Việt. Họ cũng tự hào khi đem phương pháp này giới thiệu với bạn bè năm châu bốn bể, rằng đây là phát minh của đất nước Việt Nam.

Mong muốn nhiều người được điều trị bằng Diện Chẩn, mong cho thế gian bớt khổ đau vì bệnh tật, Thầy tinh giản (tinh tế, giản lược) phương pháp để mọi người đều có thể học và làm theo được. Không có một phương pháp nào trong thời gian ngắn đào tạo được rất nhiều người có thể tự chữa bệnh cho mình và cho mọi người xung quanh. Không có một phương pháp nào làm được nhiều việc chỉ trong một khóa học ngắn, học viên có thể chữa cho mình những bệnh như: giảm đau, cảm cúm, viêm họng, viêm xoang…Chính những học viên này sẽ là các nhân tố lan tỏa ra cộng đồng. Như vậy sẽ rất nhiều người được hưởng thành quả của phương pháp.

Toàn cầu hóa Diện Chẩn

Tôi đã hết sức ngạc nhiên về tư tưởng toàn cầu hóa Diện Chẩn. Việc này quả là không tưởng. Nhưng nhìn vào quãng thời gian làm việc của Thầy tôi đã lý giải được phần nào. Hàng chục triệu người đã biết đến Diện chẩn thông qua hệ thống internet từ trên 120 quốc gia. Thống kê sơ bộ Diện Chẩn, theo số liệu năm 2009, đã có mặt ở gần 35 quốc gia trên thế giới (Pháp, Tây Ban Nha, Hungary, Đức, Nhật…). Hàng năm Thầy đều nhận được lời mời sang giảng dạy tại các quốc gia này. Trung tâm Việt Y Đạo của Thầy có chi nhánh tại hầu hết các quốc gia lớn. Tại đây các học trò của Thầy hàng ngày vẫn thực hiện công việc truyền bá và chữa bệnh cho nhân dân sở tại bằng Diện Chẩn.

Giấc mộng toàn cầu hóa Diện Chẩn cũng không nằm ngoài tình yêu dân tộc. Bạn có thể thấy rằng, ở đâu có Diện Chẩn ở đó có ngôn ngữ Việt, có giọng nói Việt, có sách vở và có chữ viết Việt. Ở những nơi đó văn hóa Việt sẽ lan tỏa ngát hương. Bạn bè thế giới sẽ biết rằng Việt Nam không chỉ giỏi trong chiến tranh, mà còn mạnh về phát minh. Mà phát minh về y học có ý nghĩa quan trọng bậc nhất vì nó liên quan đến sức khỏe và sự phát triển của loài người.

Thầy chủ trương theo đường hướng Việt Y Đạo: dùng y để tải đạo, dùng Y học để đóng góp cho con người tốt đẹp hơn. Diện chẩn có hành động cụ thể là nhờ Y thuật. Dựa vào Y Thuật để thực hiện lý tưởng cao đẹp đã được vạch sẵn. Nhờ đó mà người Thầy nhận được sự quý trọng đặc biệt, sự nể thương, từ người bệnh và từ những người xung quanh. Thầy đã đi truyền giảng ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay ở một đất nước có truyền thống hàng đầu như Nhật bản cũng học Diện Chẩn với lòng kính trọng. Ở Nhật có rất nhiều các bộ môn Y học bổ sung độc đáo mà do chính người Nhật sáng tạo. Nhưng người dân Nhật vẫn say mê học Diện Chẩn. Vì họ thấy rằng Diện Chẩn là một sản phẩm độc đáo, là phát minh chưa từng bắt gặp ở bất cứ nơi đâu. Họ thấy thích thú và tự hào khi học một phương pháp chữa bệnh mới đặc thù Việt Nam.

Ngộ về đạo

Đạo chính là con đường, là lẽ sống của con người. Đạo giúp cho mỗi chúng ta biết cách ứng xử với mọi người, với thế giới tự nhiên, với môi trường. Đạo cũng giống như các chuẩn mực nhân văn, làm xã hội ngày càng phát triển. Đạo trong Tâm ngôn của Thầy như ánh sáng soi đường chỉ lối cho mỗi người khi gặp những khó khăn trong công việc. Đạo giúp ta vững bước mỗi khi gặp trắc trở trong đời sống.

Tôi đã tìm thấy điều mình cần khi Thầy nói về đạo: “đạo như gốc rễ, thuật như cành lá”. Tôi hiểu rằng khi thuật phát triển đến một mức độ nhất định, nếu không có đạo sẽ không bền vững và không thể tiến xa hơn được.

Đạo chính là tình yêu thương con người, yêu đồng loại. Đạo thôi thúc mình phấn đấu và làm việc để cống hiến, để sáng tạo nên những điều tốt đẹp. Có Đạo người thầy thuốc và bệnh nhân sẽ có sự thông cảm, sẻ chia. Có Đạo người thầy thuốc sẽ giúp được cho nhiều người hơn.

Đạo tạo nên tình yêu thương đồng môn, giữa những người yêu mến Diện Chẩn: “ở nơi nào có Diện Chẩn ở nơi đó có tình thương yêu”. Diện chẩn gắn kết mọi người, đem đến niềm vui và nụ cười không dứt. Ở đâu có người làm Diện Chẩn ở đó có những câu chuyện chia xẻ như bất tận. Đến với Diện Chẩn người ta quên đi những thói hư tật xấu ở đời, quên đi lòng đố kỵ và tính hẹp hòi ích kỷ.

Mục đích cuối cùng của Y Đạo và Y Thuật là hướng con người đến cái đích “Chân – Thiện – Mỹ”. Cái đích này chẳng phải là mục tiêu của các tôn giáo đó sao. Nhưng với Việt Y Đạo thì con người phải được: “Hưởng hạnh phúc ngay tại cõi trần gian này”.

Nắm về thuật

Tôi thường nghe Thầy nói “Thầy thuốc giỏi không bằng phương pháp hay”. Không có phương pháp nào hay hơn phương pháp nào và cũng không có phương pháp nào là hoàn hảo. Đối với người bệnh, kết quả khỏi bệnh mới là điều quan trọng nhất. Như vậy bất cứ phương pháp nào giúp con người vượt qua được bệnh tật thì đều được tôn trọng, ghi nhớ và lưu truyền.

Thầy chủ trương đơn giản hóa các thuật đến mức tối đa: biến các phác đồ phức tạp thành những phác đồ đơn giản – dùng dụng cụ thay thế cho huyệt – dùng kỹ thuật khác nhau để thay thế cho các phác đồ khó học. Với 33 đại giản thuật (Gạch khắp mặt, 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết, quay cổ tay, vô chiêu, Mãn thiên hoa vũ, nhất dương chỉ…) thật đơn giản mà hiệu quả cao. Với các giản thuật này chỉ bằng một vài dụng cụ là có thể thực hiện được. Mặt khác trong thời gian ngắn, người thầy Diện Chẩn có thể hướng dẫn cho người bệnh tự chữa được cho mình ở mọi lúc mọi nơi. Điều này giúp cho Diện Chẩn thật dễ học dễ làm. Làm cho Diện Chẩn ngày càng đại chúng hóa, giúp được nhiều người ở khắp mọi miền của Tổ Quốc và ở nước ngoài.

Đối với các ngành Y học khác, việc đại chúng hóa là rất khó. Họ chủ trương đào tạo ra các chuyên gia về Y học. Tuy nhiên với dân số bùng nổ, lượng chuyên gia này không thể đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ít người có thể trở thành chuyên gia. Với Diện Chẩn, Thầy đã xây dựng một phương pháp mang tính phổ cập, đơn giản và đại chúng, vì vậy ai cũng có thể học, vận dụng và tự chăm sóc sức khỏe. Như vậy mỗi người đã trở thành chuyên gia của chính mình.

Đối với môn sinh Diện Chẩn “Biết nhiều môn, nhưng phải giỏi một môn, học luôn đi đôi với hành”. Việc biết và tìm hiểu các kiến thức mới trong thời đại công nghệ thông tin thật quá đơn giản. Để học hỏi các bộ môn khác chỉ cần tìm hiểu thông tin trên mạng là có thể nắm được các kiến thức cơ bản, nắm được điểm mạnh điểm yếu của từng bộ môn. Học các kiến thức khác, mục đích cuối cùng là để vận dụng và phát triển môn chính của mình. Học phải luôn có định hướng trước, nếu thấy cái gì hay rồi lại đi học, cuối cùng lấy thời gian đâu để ứng dụng, để làm việc để giúp người khác. Cái gì cũng biết nhưng rốt cuộc chẳng biết cái gì và chẳng làm được gì. Vì vậy, nên chuyên tâm vào một bộ môn.

Học phải luôn đi đôi với hành. “Muốn học giỏi phải học chậm” và việc học cũng phải từ tốn, không thể vội vàng trong một sớm một chiều “Người ta biết cái hay của nhanh mà không biết cái hay của chậm”. Việc học là việc của cả đời, luôn phải trau dồi và kiên trì, giống như “Sức mạnh của sự lặp lại”.

Tư duy theo cách của người khổng lồ

Tôi nhận ra một trong những bí quyết của nhà phát minh Bùi Quốc Châu, đó là sự quan sát tỉ mỉ đến tinh tế. Mọi sự vật hiện tượng đều được ghi nhận và phân tích. Sự đánh giá ở một khía cạnh hoàn toàn mới, không giống với với cách nhìn của đa số. Kết quả sự nhận định, là những điều hoàn toàn mới. Ví dụ trong việc Thầy khám phá việc có thể ứng dụng tục ngữ ca dao vào việc chữa bệnh. Như “Sống mũi là sống lưng”, sao không lấy sống mũi chữa cho sống lưng, sao không lấy mắt cá tay chữa cho mắt? Trong lịch sử, tồn tại rất nhiều các nhà ngôn ngữ học, nhưng có ai nhận ra sự liên quan giữa tục ngữ ca dao và y học. Thầy cho tôi bí quyết rằng “Để ý thì sẽ thấy”, chỉ đơn giản thế thôi.

Thầy cho các học viên cách sử dụng “lề lối của tư duy”. Suy nghĩ theo người thì chỉ hành động và làm theo người mà thôi. Sao ta không nghĩ ở một khía cạnh khác và làm cách khác. Có nhiều phương pháp Y học nhưng đích đến cuối cùng là làm cho người bệnh khỏi bệnh. Đông hay Tây Y đều có thế mạnh và cách thức riêng. Diện Chẩn cũng có cách riêng của mình vậy.

Mạnh dạn, dám nghĩ dám làm

Ai đã đem nền văn hóa Việt đi quảng bá các nước? Ai đã đem các phát minh của người Việt đi dạy các nước, kể cả các quốc gia có nền khoa học, Y tế phát triển bậc nhất? Thầy, các con Thầy cùng một số rất ít học trò DC giỏi được Thầy cử đi, trong suốt mấy chục năm qua đã thực hiện việc này. Thầy tự lực cánh sinh, không nhận sự trợ giúp của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào trong việc nghiên cứu và quảng bá các phát minh của mình. “Hữu xạ tự nhiên hương”, phương pháp hay và độc đáo làm cho thế giới phải thán phục thì đương nhiên họ sẽ có nhu cầu được học hỏi. Thầy mạnh dạn “Đem chuông đi đánh xứ người”. Thầy đem văn hóa, đem tư duy, đem cách chữa bệnh của người Việt đi dạy nhân loại. Đã đến lúc người Việt có thể ngẩng cao đầu để nói với thế giới rằng: “Dân tộc Việt có những phát minh giá trị mà thế giới phải học hỏi”.

Tư duy khoáng đạt và khoan dung tạo ra lối sống cởi mở và chân thành. Tôi cảm nhận được từ Thầy sự gần gũi chân tình. Nhiều học viên đã nói: “Thầy như ánh mặt trời cao vời vợi mà rất khó để chúng em với tới”, nhưng có gần Thầy và tiếp xúc với Thầy mới cảm nhận được tình cảm thầy trò. Tôi thêm hiểu về Tâm ngôn của Thầy: “Người hiểu đạo thì không bao giờ kiêu ngạo. Người kiêu ngạo thì không bao giờ hiểu đạo”.

Câu nói “Hãy luôn khát khao, hãy luôn dại khờ” cứ phảng phất trong đầu tôi khi quan sát Thầy trong những chuyến du hành. Từ những vấn đề tưởng như xưa cũ,Thầy luôn nhìn thấy những điều mới lạ. Mọi cảnh vật hay địa điểm, người khác có thể đến một lần rồi không quay lại. Nhưng Thầy có thể đến hàng chục lần. Vì mỗi đợt như vậy Thầy đều nhìn thấy những điểm mới. Đó phải chăng là tư duy của người phát minh, luôn khám phá và tìm được những phương pháp mới, cách thức hay. Các phát minh của Thầy không lặp lại hay rập khuôn theo bất cứ trường phái nào và bất cứ cái nào đã có.

Lý tưởng sống trong thời đại mới

Tôi chợt nhớ về bài viết của tác giả Alan Phan: “Sao quê hương mình già nua đến vậy”; Theo thống kê Việt Nam có dân số trẻ trên 58% dưới 25 tuổi. Tuy nhiên không ít trong lực lượng này luôn rình rập những thói quen xấu về chụp giật, tham lam, mánh mún, dối trá, liều lĩnh, sĩ diện… vẫn nhiều gấp chục lần các hành xử đạo đức, cẩn trọng, trách nhiệm, danh dự và hy sinh. Lý do chính yếu của những thói quen này là bắt nguồn từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm. Họ được giáo dục theo cách bắt chước và đầu óc thiếu tính sáng tạo. Trong khi thế giới luôn phát triển không ngừng, những phát minh mới ra đời giúp cải thiện sức lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống, thế hệ trẻ hôm nay vẫn chìm đắm trong ham mê vật chất mà quên đi trách nhiệm với đất nước, quên đi sự sáng tạo để thay đổi cuộc sống. Họ nhìn cuộc sống và mọi vấn đề với con mắt như cũ kỹ và hạn hẹp.

Tại sao lại vậy, và họ thiếu điều gì? Phải chăng họ đang thiếu một lý tưởng sống đúng đắn và một phương tiện giúp họ thực hiện lý tưởng đó. Dù ở bất cứ thời đại nào đi chăng nữa, người trẻ đều phải có lý tưởng sống. Giống như “người không chí, như thuyền không lái”, lý tưởng đúng đắn giúp bản thân tiến bộ và có ích cho cuộc đời. Có lý tưởng không bắt buộc phải thành công vào thời gian nào cụ thể. Nhưng có niềm tin vào chính mình, thì sẽ có sức mạnh nội tại, giúp cho chân cứng đá mềm, vượt qua mọi thử thách để cán đích thành công.

Lý tưởng Diện Chẩn là vì dân tộc vì nhân loại mà phụng sự. Diện Chẩn đã, đang và sẽ cứu giúp con người, giảm thiểu được nỗi đau bệnh tật. Diện Chẩn kết hợp với Việt Y Đạo, dùng Y tải Đạo, để xây dựng con người có tư tưởng lập trường vững chắc, có lối sống lành mạnh, có tư duy chặt chẽ, có tình yêu thương đồng loại.

Lý tưởng đó có một thần tượng dẫn dắt, người Thầy lớn: GS.TSKH Bùi Quốc Châu. Những công việc Thầy đã làm, những triết lý sống Thầy đã gây dựng, đủ tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ cho những thế hệ trẻ ngày nay noi theo và cống hiến theo tấm gương Thầy.

Tôi đã tìm thấy giá trị của bản thân. Thầy đã cho tôi niềm tin vào chính cuộc đời mình. Và lý tưởng của tôi là sẽ theo Thầy thực hiện giấc mộng “Toàn cầu hóa Diện Chẩn”. Để trong tương lai không xa, Diện Chẩn sẽ cùng đất nước Việt Nam ngẩng cao đầu vươn mình ra biển lớn.

Còn bạn, bạn đã tìm được lý tưởng sống của đời mình hay chưa?

Vũ Văn Hội (Khóa DC137)
Website: dienchanviet.com
Bài viết đã đăng trong bản tin Diện Chẩn kỳ 1 tháng 03/2016 trên dienchan.com