Khai giảng Khí Công Y Đạo

Khóa học mới 09/03/2016

In bài này

Hết rối loạn tiền đinh và tiểu đêm nhờ tập Dịch cân kinh

 Hoàng Tá Thích

Trong những môn luyện tập thân thể để giữ gìn sức khoẻ như đi bộ, những thế "Suối nguồn tươi trẻ", yoga, khí công, tài chi..v.v. thì dịch cân kinh có lẽ là môn tập luyện đơn giản nhất, dễ dàng nhất ngoại trừ chuyện đi bộ mà phần đông, mọi người đều thường làm. Tuy nhiên đi bộ cũng phải có hoàn cảnh, cần một nơi chốn thuận tiện và cũng tuỳ giờ giấc, không như môn dịch cân kinh có thể thực hành ở nhà và bất cứ lúc nào. 

Dịch cân kinh chữa rối loạn tiền đình và tiểu đêm
  Dịch cân kinh chữa rối loạn tiền đình và tiểu đêm

 Dịch cân kinh là một phương pháp tập luyện cơ thể nguyên của Thiền sư Bồ đề Đạt Ma truyền lại, đúng ra là một phương pháp tập luyện rất công phu và phức tạp, nhưng môn công phu nầy đã được đơn giản hoá đến tối đa để ai cũng có thể luyện tập giữ gìn sức khoẻ. Người tập chỉ cần đứng thẳng, hai chân dạng ra ngang tầm vai.

Các ngón chân bấu vào nền nhà và hậu môn thóp vào làm cho hai chân cứng lại. Phần trên của thân được thả lỏng. Hai tay đánh mạnh ra đàng sau và thả nhẹ về phía trước. Trung bình một cái vẫy tay là một giây. Chủ yếu là phải tập trung để đếm số lần vẫy để khỏi phải nghĩ ngợi lung tung.

Trước đây tôi thường bị chứng chóng mặt mà người ta gọi là "rối loạn tiền đình" không điều trị dứt hẳn được. Có người chỉ cho tôi cách tập dịch cân kinh và bảo đảm với tôi là cách tập luyện nầy có thể chữa lành chứng bệnh đó. Họ bảo tôi làm cho được ít nhất là 1800 cho đến 2000 lần, và có thể tập bất cứ lúc nào, nếu làm một lần không được thì có thể chia làm hai, sáng 1000 và chiều 1000 lần. Nghe quá đơn giản.

Tôi cố gắng mỗi buổi sáng đều đặn vẫy dịch cân kinh, ban đầu chỉ được 700, 800 là đã thấy mỏi. Thực ra thì không hẳn là mỏi, nhưng vì tôi có cảm giác như thời gian chậm rì dễ làm mình nản chí và dễ chán. Đôi khi chân quên bấm vào nền nhà và hậu môn cũng không thóp lại đúng cách. Tuy vậy, dần dần cũng cố gắng lên đến con số 1200. Chừng hơn tuần lễ sau thì tôi vẫy đến 1.500, có khi cũng lên đến1.800 và tự cho là kỳ tích về sự kiên nhẫn của mình. Tập như thế đến gần hai tháng, nhưng chẳng thấy có kết quả gì cụ thể, nghĩa là không thấy chứng rối loạn tiền đình bớt đi chút nào. Thêm chừng một tháng nữa, vẫn thấy chẳng có kết quả gì, thế là tôi nản chí và không tiếp tục nữa.

Vài người khuyên tôi nên tập yoga. Ai cũng biết yoga là một môn luyện tập hoàn toàn tốt cho cơ thể, nhưng ít nhất cũng phải mất chừng một tiếng đồng hồ và phải có người hướng dẫn. Không chỉ hướng dẫn về phương pháp, mà sự có mặt người hướng dẫn còn như một thứ kỷ luật buộc mình phải tôn trọng giờ giấc để không bị sự lười biếng chi phối. Tuy nhiên, tập được chừng hơn tháng, kết quả chưa thấy gì thì đã cảm thấy quá gò bó giờ giấc. Lại bỏ ngang và từ đó không thiết tha đến những môn tập luyện đó nữa. Một người bạn có kinh nghiệm khá nhiều về môn khí công muốn chỉ dẫn cho tôi môn nầy, nhưng tôi cũng thấy có phần khó khăn nên lại nản, cũng không muốn thực hành nữa.

Một hôm tình cờ nhận được thư mail của một người bạn chuyển đến một bài viết về Đạt Ma...dịch cân kinh. Lại Đạt Ma dịch cân kinh. Lúc đầu tôi đã định xoá đi cho rảnh mắt, nhưng đọc thấy một ghi chú của người bạn :"Cố gắng đọc cho hết".

Bài viết nầy là trải nghiệm của một bác sĩ Việt Kiều đang ở Mỹ. Ông ta muốn truyền đạt lại cho mọi người kết quả kỳ diệu của môn Đạt Ma dịch cân kinh mà nhờ đó, ông ta đã chữa được bệnh tiền liệt tuyến và nhiều chứng bệnh khác. Vì vậy mà tôi cũng cố gắng đọc hết. Trong bài viết nầy, tác giả nói rất chi tiết về Dịch cân kinh, nguồn gốc, nguyên lý của môn tuyệt kỷ nầy, và phương pháp của Ngài Đạt Ma để lại cho đời sau không chỉ là những cái vẫy tay đơn giản như dịch cân kinh đã từng được phổ biến rộng rãi trong nhân gian. Tuy nhiên, rốt cuộc thì cũng chỉ là những cái vẫy tay đó mà thôi. Câu ghi chú cuối cùng trong bài viết là:" Ít nhất mỗi lần vẫy, cũng phải được 1.800 cái. Nếu có bệnh cần chữa thì phải sáng 1.800.chiều 1.800".  Thời gian mỗi cái vẫy tay trung bình chừng gần một giây đồng hồ và thời gian tập mỗi lần chừng nửa tiếng đến ba mươi lăm phút. Phương pháp là cố gắng tập trung để đếm số lần, không phải nghĩ ngợi lung tung để bị phân tâm. Nếu có bệnh thì có thể ngày tập hai lần, nhưng ít nhất là chừng nửa tiếng mỗi lần.

Đọc xong bài viết thì tôi mới nhận ra là từ trước mình làm không đúng phương pháp và lại bắt đầu việc tập luyện. Tuy nhiên, đã mất mấy tháng không nhận được kết quả rồi nên lần nầy sự tin tưởng của tôi về việc luyện tập nầy chỉ còn một nửa và cũng không hẳn làm cho tôi hứng thú, nhưng vì chứng rối loạn tiền đình luôn luôn làm cho tôi khó chịu, nên lần nầy tôi cố gắng quyết tâm chịu khó. Dù sao, phương pháp nầy cũng là phương pháp dễ làm nhất.

Chỉ hơn một tháng kiên trì luyện tập, mỗi ngày mất chừng nửa tiếng đến 35 phút thì tôi đã cảm thấy kết quả rõ rệt. Giấc ngủ yên bình, chứng rối loạn tiền đình bớt dần và tập được chừng ba tháng thì không thấy chứng chóng mặt thỉnh thoảng xuất hiện như hồi trước nữa.

Tôi đem chuyện tập dịch cân kinh của tôi nói với một người bạn đang bị tiểu đường khá nặng, mỗi đêm phải thức dậy đôi khi đến năm bảy lần để đi tiểu tiện, và tôi bảo bạn tôi thử xem. Anh bạn tôi cũng đã trải qua một tâm trạng như tôi trước đây, nghĩa là đã từng thử tập như cách tôi đã từng, và dĩ nhiên là chẳng có kết quả gì cả. Lần nầy tôi cố gắng thuyết phục bằng cách đem trường hợp của tôi để dẫn chứng. Tôi không biết luyện tập dịch cân kinh có thể chữa được chứng đi tiểu đêm của bạn tôi không, nhưng tôi nghĩ ông bác sĩ kia đã nhờ Dịch cân kinh mà chữa lành chứng tiền liệt tuyến, thì biết đâu chuyện tiểu đêm cũng liên hệ và tôi cố gắng thuyết phục anh ấy.

Chừng hơn tháng sau, anh bạn gọi điện đến cho hay kết quả rất tốt và anh chỉ thức giấc một lần để đi tiểu đêm mà thôi.

Chuyện tập dịch cân kinh làm tôi ngộ ra một điều : Biết hết và biết không hết. Cứ nghĩ là mình biết cả rồi vì dễ quá,nhưng không biết là mình "không biết hết" rồi khi thấy có gì không ổn thì cứ nghĩ là điều mình biết không đúng. Đơn giản quá, có gì đâu mà phải tìm hiểu và...không hiểu? Mãi cho đến khi biết một cách rõ ràng thì mới thấy điều đó đúng. Điều nầy chẳng khác gì thay vì phải uống một viên thuốc để chữa bệnh thì chỉ uống nửa viên mà cứ cho rằng mình cũng đã uống thuốc. Như trên đã nói, dịch cân kinh là môn tập luyện dễ nhất, đơn giản nhất trong những môn khác. Chỉ vì quá dễ, quá đơn giản cho nên mình cứ tưởng là đã thấu hiểu hết, đến khi tập không có kết quả thì lại cho là phương pháp đó không hay. Nếu hay thì sao lại đơn giản quá vậy? Con người thường có khuynh hướng coi trọng những cái rắc rối,phức tạp hơn là những cái đơn giản.

Biết hết đây không phải là cái gì cũng biết. Không phải là biết dịch cân kinh thì phải biết yoga, biết khí công, hay phải biết cả tài chí thì mới gọi là biết. Biết hết có nghĩa là biết một điều gì đó thì phải biết cho trọn vẹn, biết một cách tường tận điều đó. Kiến thức rộng không phải là cái gì cũng biết một cách mơ hồ, đại khái, dù là biết quá nhiều thứ. Kiến thức cần phải sâu với bất cứ hiểu biết về một vấn đề gì. Thuộc kinh không phải là hiểu kinh. Thuộc kinh thì dễ, mà hiểu kinh mới là chuyện khó. Chú Đại bi là bài kinh khó nhớ nhất, vì lời kinh là tiếng Pali lạ hoắc, nhưng rất nhiều người đọc thuộc lòng một cách dễ dàng, vì ngày nào cũng đọc, đêm nào cũng đọc, nhưng thử hỏi mấy ai hiểu được lời? Không hiểu lời kinh thì có lúc đọc sai cũng chẳng biết là mình đọc sai. Hiểu được lời kinh thì mới biết là mình đọc đúng hay không. Biết là một chuyện mà ngộ được cái chân lý đó thì mới là điều quan trọng. Biết là chuyện bên ngoài và ngộ được bên trong cái chân lý đó,hai điều khác nhau hoàn toàn.

Từ chuyện tập Dịch Cân Kinh,tôi vô tình đã tìm được một điều khá hay và thực tiễn về những cái gọi là kiến thức.

http://art2all.net/tho/hoangtathich/