In bài này

Hướng dẫn dùng ngải cứu chữa bệnh

Tính chất của ngải cứu chữa bệnh

Dùng điếu cuộn lá ngải và một số vị thuốc Đông dược đốt cháy, hơ hơi nóng vào các huyệt trên cơ thể gọi là phép Cứu. Do tính chất của ngải cứu là ấm nóng nên phép cứu điếu ngải thích hợp với các trường hợp sau:

1. Những người thuộc âm tạng với các đặc điểm là sợ lạnh, thân thể, chân tay lạnh, dễ bị cảm lạnh, hay đau bụng, chướng bụng, chậm tiêu, đi ngoài phân lỏng nát, phân sống, hay ho đờm dãi, khả năng tình dục kém, huyết áp thấp...Nói chung là người yếu kém hư nhược, trẻ em, người già, người mới ốm dậy hoặc bị bệnh mạn tính kinh niên.

2. Các loại bệnh tật mắc về mùa lạnh, do khí hậu lạnh gây ra hoặc các loại bệnh gặp thời tiết lạnh tăng thêm như cảm mạo phong hàn, các bệnh mũi họng, phế quản, phổi, bệnh đường tiêu hoá, đau vai gáy, xương khớp, đau lưng mỏi gối...

Các loại điếu ngải có trên thị trường

Về phần chuẩn bị chúng ta cần có điếu ngải cứu, hiện đã có bán sẵn trên thị trường, có ba loại Đại-To, Trung-Vừa, Tiểu- Nhỏ, thông thường nên dùng loại Trung tức cỡ vừa. Một đĩa hoặc bát to để đựng tro tàn tránh hoả hoạn, bật lửa (Xem hình). 

Các huyệt để cứu ngải

Về phần huyệt để hơ điếu ngải, tuy trên cơ thể có rất nhiều huyệt nhưng chúng tôi tạm giới thiệu 7 huyệt sau là đã đủ để phòng chữa và bồi bổ cơ thể, đó là các huyệt Đại chuỳ, Mệnh môn, Thận du trái, Thận du phải, Thần khuyết, Quan nguyên, Khí hải ( Xem hình). 

Ngải cứu chữa bệnh

Cách cứu ngải

Về cách cứu, chúng ta dùng lửa châm điếu ngải cho cháy đều, sau đó hơ đầu nóng vào trên huyệt cần cứu cách một khoảng dao động từ 3, 5, 7 cm, cầm điếu ngải bằng tay thuận, giống như cầm bút, tay còn lại dùng 3 ngón giữa chạm nhẹ lên bề mặt da gần ngay huyệt cứu để cảm nhận độ nóng và đề phòng người được cứu cử động, thay đổi vị trí. Khoảng vài ba phút khi điếu ngải có nhiều tàn, chúng ta gõ nhẹ điếu ngải vào đĩa bát đựng tàn rồi cứu tiếp. Khi cứu xong chúng ta dùng miếng chụp bằng nhựa (Xem hình) chụp lên trên đầu cháy để dập lửa, chụp không quá nhẹ không quá mạnh, sao cho lửa tắt hẳn mà không làm gãy điếu ngải khi rút chụp ra cứu lần sau.

NHỮNG ĐIỀU LƯU Ý KHI CỨU ĐIẾU NGẢI

- Không cứu các trường hợp say rượu, huyết áp cao, sốt, xuất huyết, táo bón, mùa hè nóng nực, vết thương hở miệng.

- Khi cứu nên để bệnh nhân đi đại tiểu tiện trước sau đó nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái nhất, chỉ để hở huyệt cần cứu, phần còn lại nên che kín, nhất là về mùa rét, cứu xong huyệt nào phải che kín huyệt đó lại ngay.

- Riêng huyệt Thần khuyết tức là rốn, có thể đắp một lớp muối tinh chất dày 0,5 cm, rộng đường kính 3cm.

- Như chúng tôi đã nói, phép cứu ngải chữa được phần lớn các bệnh liên quan đến khí lạnh, nhưng đối với mỗi cá nhân lại bẩm thụ âm dương khí huyết và công năng tạng phủ mạnh yếu khác nhau nên ở đây chúng tôi không nói riêng về từng bệnh mà chỉ cho các bạn biết những điểm quan trọng nhất của phương pháp này. Trong trường hợp có bệnh cụ thể các bạn liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẽ chỉ rõ về thời gian cứu cho từng huyệt, thêm một số huyệt nữa và cách phối hợp cũng như thứ tự cứu các huyệt cho phù hợp.

- 7 huyệt nói trên không những dùng để chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến khí hậu lạnh, mà còn là những huyệt quan trọng nhất dùng để bồi bổ cơ thể nên không thể thiếu đối với các đối tượng trẻ em, người già, người hư yếu, người mới ốm dậy, người mắc bệnh mạn tính kinh niên, phụ nữ sản hậu.

- Với các cháu nhỏ nên đợi khi các cháu ngủ say hãy cứu. Khi cứu đề phòng các cháu trở mình .

- Khoảng cách giữa điếu ngải và bề mặt da không cố định, lúc mới cứu bao giờ cũng cảm thấy nóng ít, cứu một lúc sẽ thấy nhanh nóng hơn nên chúng ta phải điều chỉnh sao cho khi dùng tay kiểm tra thấy da trên bề mặt huyệt ấm nóng mà người được cứu vẫn chịu đựng được. Nếu sau khi cứu thấy xuất hiện vết phồng, rộp, có nước thì cũng không có gì phải lo lắng, thậm chí thế là dấu hiệu tốt, giữ vệ sinh sạch sẽ, mấy hôm sẽ tự lành, lần sau ta cứ theo vết đó mà cứu gọi là cứu sẹo, tuy nhiên xét về mặt thẩm mỹ thì không nên, nhất là với nữ giới, nên ta cứ cứu xa ra một chút và bù lại kéo dài thời gian cứu lâu hơn.

FB: Mai Tất Thắng