Lý Phước Lộc: Diện Chẩn hay số mệnh đời tôi
Cuối năm 1980 tôi được trở về từ trại học tập cải tạo (diện SQ chế độ cũ). Đêm đầu tiên về đến nhà (gia đình nhạc phụ tôi), sum họp mừng mừng, tủi tủi với gia đình vợ con. Thầy Bùi Quốc Châu, anh Hai của vợ tôi, ghé thăm khi nghe tôi được về. Sau một vài lời thăm hỏi, anh Châu thấy bàn chân tôi bị sưng to vì đạp phải gai rừng.
Anh nói để ‘tao châm thử xem có bớt không’. Tôi còn nhớ rất rõ vị trí châm lúc đó là vùng cằm, sau này được đặt tên là huyệt 51.
Số mệnh đẩy đưa tôi bị cuốn hút vào Diện Chẩn từ lúc nào không biết. Vào thời điểm này Diện Chẩn chưa định hình chính xác, ngay cả đồ hình Âm Dương. Những ngày này, sáng sáng hai anh em đi uống cafe bàn về Diện Chẩn trước khi anh đi làm ở trại Cai ma túy Bình Triệu. Nhưng đối với tôi, có thể nói giống như chuyện coi bói xem tướng cho vui.
Tối tối ông anh chúng tôi lại có khách đến nhờ châm cứu (60 đường Bàn Cờ), lúc bấy giờ anh có 1 máy dò huyệt xinh xinh. Tôi thầm ao ước mà không bao giờ có.
Một hôm có 1 người bạn bất thần đem bà má của anh bị liệt mặt từ Thủ Đức đến nhờ tôi châm cứu. Tôi bàng hoàng chẳng biết xuất chiêu gì. Nhớ lại lời ông anh: cứ đè vào chỗ nào đau, đó là Sinh huyệt, nên châm vào vùng lông mày của mắt không nhắm được là đúng. Tôi cần cù làm như vậy được 3 lần, miệng của bà bớt méo. Đến ngày thứ 4 vào 1 buổi chiều bà đến nhờ tôi chữa tiếp. Đang say men chiến thắng tôi cố tìm sinh huyệt châm thêm cho mắt bà mau nhắm khít. Kết quả đúng như tôi nghĩ khi châm tiếp vào các sinh huyệt dọc cung mày. Mắt bà đã nhắm khít hơn. Sau một thời gian lưu kim (khoảng 45 phút), tôi gở kim ra nhưng mắt bà không mở ra được như lúc chưa châm. Bụng tôi đánh lô tô ! May quá lúc đó Sư Phụ về ghé nhà. Anh Hai đang dùng cơm ở phòng bên (căn 62). Tôi thỉnh ý anh. Anh lắc đầu, một lúc sau anh mới cho tôi lá bùa hộ mệnhlà Ấn huyệt 19. Thật tuyệt vời, sau khi châm vào H. 19, bệnh nhân mở mắt lại bình thường.
Một lần nữa khi theo Sư Phụ đến thăm 1 người bệnh bị xơ gan cổ trướng. Người bệnh đang nằm thiếp vì mệt mỏi, tay chân cử động yếu ớt. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu?
Sau một thời gian suy nghĩ, tôi độ chừng vị trí của Gan ở khu vực giữa mặt. Tôi dùng ngón tay đẩy nhẹ vào vùng khớp hàm dưới má bên phải của BN. Không đầy 3 giây người bệnh dơ tay cao và thở ra nhẹ nhõm. Sau này sư phụ đặt tên cho vị trí này là huyệt 132. Cũng sau này, khi nghiên cứu về phần phản chiếu Kỳ Kinh Bát Mạch, lương y Huỳnh Hiếu Hữu cho Huyệt 132 tương ứng với huyệt Chương Môn.
Đối với tôi Diện Chẩn như số mệnh đời tôi qua lời tiên tri của Thầy Bùi Quốc Châu.
Khi tôi đi cải tạo trở về, vợ tôi thường nhắc anh Hai hay nói rằng trong thời gian anh nghiên cứu Diện Chẩn thì tôi còn trong cải tạo, nếu khác đi thì hai anh em tôi đã cùng nghiên cứu về Diện Chẩn. Trong khi vào thời đó tôi không hề có ý thức gì về Diện Chẩn.
Nhân Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Diện Chẩn, tôi viết lại những ký ức như một lời tri ân gởi đến người Thầy đã khai tâm cho tôi danh từ Sinh Huyệt. Nhờ đó mà hôm nay tôi không hổ thẹn đã làm vinh danh cho Thầy Bùi Quốc Châu và cho phương pháp Diện Chẩn qua công thức: Đồng – Ứng – Dụng.
Nhân lần hội ngộ nầy (rất tiếc tuy không gặp mặt), tôi xin kính chúc Thầy cùng quý quyến luôn được vạn sự lành. Chúc anh Hai/ThầyChâu luôn đầy đủ sức khoẻ để dẫn dắt quần sanh.
Thân mến chúc tất cả huynh đệ đồng môn an vui, vững tiến trên bước đường nghiên cứu & phát triển Diện Chẩn Điều khiển Liệu Pháp.
LÝ PHƯỚC LỘC
(Dòng cảm tưởng ghi trong Sổ Lưu Niệm Diện Chẩn)