Diện Chẩn - Đam mê kỳ lạ (Kỳ 41)
Thực hư khả năng chữa bách bệnh của phương pháp mang tên "Diện Chẩn" - Báo Người Giữ Lửa
Trong quá trình tìm hiểu về Diện Chẩn tại Hải Phòng, chúng tôi đã gặp không ít những nhân vật đặc biệt. Ví như ông Phùng Mạnh Nhật (70 tuổi, trú thôn An Trang, xã An Đồng, An Dương, Hải Phòng), một ông lão chữa xe đạp đã tự cứu mình khỏi nhiều bệnh nhờ kiến thức đọc được từ một cuốn sách giá 1000 đồng hay ông Đào Văn Long đẩy lui khối u phổi nhờ các phác đồ Diện Chẩn...
Càng tìm kiếm, chúng tôi càng nhận thấy sự phát triển sâu rộng của phương pháp Diện Chẩn ở thành phố Cảng. Những đầu mối đều dẫn chúng tôi đến một điểm: CLB Diện Chẩn của Thành phố Hải Phòng (địa chỉ 94 Chợ Con, quận Lê Chân).
Bước ngoặt cuộc đời
Thành lập từ tháng 4/1992, CLB Diện Chẩn Hải Phòng là CLB Diện Chẩn đầu tiên trên cả nước. Sáng lập viên, và cũng là Chủ tịch của CLB từ ngày thành lập là bà Nguyễn Thị Quốc Khánh (SN 1954), một người sở hữu niềm đam mê cũng như niềm tin vững chắc vào phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc nói trên.
Bà Quốc Khánh tâm sự: “Đối với tôi, Diện Chẩn là một mối lương duyên. Cuộc đời tôi đã rẽ theo một ngã hoàn toàn khác từ khi tôi biết đến phương pháp này”.
Học nghề giáo tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ những năm chiến tranh, bà Quốc Khánh theo nghiệp “gõ đầu trẻ” kể từ năm 1971. Năm 1989, đang là hiệu trưởng của một trường mầm non, nhân kỳ nghỉ hè, bà vào TP.HCM thăm mẹ.
Đam mê lạ kỳ khiến cựu hiệu trưởng bỏ nghề giáo để theo phương pháp chữa bệnh mới
Ngoài ra, còn một lý do khác. “Thuở bấy giờ, tôi rất yếu, cơ thể có nhiều bệnh như suy nhược cơ thể, thiếu máu, hoa mắt chóng mặt. Người tôi lúc nào cũng dặt dẹo, rất là chán” – bà Quốc Khánh cho biết – “Vì thế, các bác sỹ khuyên rằng không khí ở phía Nam sẽ tốt cho sức khỏe của tôi, và tôi nên vào đó sống một thời gian”.
Trong thời gian lưu trú tại TP.HCM, bà Quốc Khánh được mẹ khuyên tới cơ sở chữa bệnh của GS. TSKH Bùi Quốc Châu.
Bà Quốc Khánh nhớ lại: “Lúc bấy giờ, Diện Chẩn đã có gần chục năm phát triển. Thầy Châu rất đông bệnh nhân. Các ngày trong tuần thì thầy chữa bệnh, còn cuối tuần thì mở lớp đào tạo Diện Chẩn. Được thầy Châu chữa bệnh, cơ thể tôi mỗi ngày một thay đổi.
Sau tháng đầu tiên, tôi đã khỏe mạnh hoàn toàn, không còn dấu hiệu mệt mỏi nữa. Quả là thần kỳ. Tôi bị ấn tượng mạnh với phương pháp này nên quyết định theo học cách chữa bệnh của thầy Châu”.
Hành trình “xuất ngoại” của cô giáo mầm non
Những kiến thức về Diện Chẩn được bà Quốc Khánh tiếp thu một cách nhanh chóng. Chỉ sau 1 tháng học tập, bà đã có thể giúp thầy Châu chữa trị cho bệnh nhân.
Những người đi trước chữa bệnh như thế nào, bà Quốc Khánh chỉ nhìn một lần là nhớ và học được ngay. Sau 3 tháng hè, trở lại Hải Phòng, bà sử dụng Diện Chẩn để giúp đỡ cho nhiều đồng nghiệp và đạt hiệu quả cao.
Cũng theo lời bà Quốc Khánh: “Trở về Hải Phòng với một sức khỏe mới, tâm trạng của tôi rất háo hức, hồ hởi. Những người xung quanh mắc bệnh đều được tôi tìm đến giúp đỡ.
Nhóm bệnh đầu tiên mà tôi điều trị hiệu quả bao gồm các bệnh “khó nói” như khô âm đạo, sa tinh hoàn, các dạng nấm, ngứa phần phụ, kinh nguyệt kéo dài hay đau đầu, đau cổ vai gáy, đau lưng.
Thành công bước đầu khiến tôi càng thêm đam mê. Nhưng do công tác quản lý ở nhà trường vô cùng bận rộn làm tôi không còn thời gian đọc sách, nghiên cứu thêm.
Vì thế, tôi đi đến quyết định táo bạo: xin nghỉ việc về chế độ một lần (18 năm là 18 tháng lương). Tôi giã từ môi trường giáo dục quyết tâm theo Diện Chẩn.
Năm 1990, tôi vào TP.HCM học và làm thực tế tại trung tâm chữa bệnh từ thiện 19B Phạm Ngọc Thạch ba tháng. Thời kì này, Trung tâm rất đông bệnh nhân phải chia làm nhiều ca, phục vụ đến tận 21 giờ hàng ngày. Công việc ở đây giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều về chuyên môn".
Đầu năm 1992, bà Quốc Khánh nhận được tin vui bất ngờ. Viện Nghiên cứu các phương pháp y học Phương Đông của Nga mời đích danh bà Quốc Khánh sang nước bạn chữa bệnh.
“Tôi thực sự bất ngờ, và cũng rất lo lắng” – bà Quốc Khánh chia sẻ - “Trước đó, đối với tôi, việc đi nước ngoài là điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Một câu tiếng Nga tôi cũng không biết. Thế nhưng, khi có cơ hội đi ra biển lớn để học hỏi thêm về nghề y, tôi không ngần ngại đồng ý ngay”.
Trong một bức ảnh cũ, bà Quốc Khánh ở trước sảnh sân bay Tân Sơn Nhất với hai chiếc vali hành lý. Một vali chứa tư trang, chiếc vali còn lại chứa sách và dụng cụ Diện Chẩn.
Bà Quốc Khánh tiếp tục kể: “Qua bên ấy, lúc nào cũng có 2 người phiên dịch đi cùng để giúp tôi thăm hỏi tình trạng của bệnh nhân và đưa ra phác đồ điều trị. Đơn độc một mình, tự làm, tự nghiên cứu và điều trị các thể bệnh khác nhau giúp tôi tự tin, trưởng thành lên rất nhiều.
Tại Liên bang Nga, tôi gặp nhiều ca bệnh nặng đến mức bác sỹ của họ đều bó tay. Ban đầu, tôi run lắm, không biết mình có trị được không. Nhưng, niềm tin vào Diện Chẩn rất lớn, vì thế, tôi cứ thực hành theo các phác đồ mà thầy Châu đã sáng tạo ra.
Thật không ngờ, bệnh của họ thuyên giảm đến khó tin. Đáng lý hợp đồng mời tôi chỉ có 6 tháng, nhưng do quá ấn tượng nên đã giữ tôi ở lại thêm 3 tháng. Các trường hợp này, tôi đều ghi lại và đưa vào giảng dạy sau này”.
Trở về từ nước Nga, bà Quốc Khánh đã có sự trưởng thành vượt bậc về nghề. Chuyến đi này đã củng cố niềm tin vững chắc của bà đối với phương pháp Diện Chẩn. Đó cũng là lý do khiến bà Quốc Khánh gắn bó với nó cho đến hôm nay.
Hoài Sơn (Báo Người Giữ Lửa)DienChanViet.Com