In bài này

Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt Diện Chẩn

Tạ Minh

            Bệnh nếu không thuộc hàn thì thuộc nhiệt hoặc hàn nhiệt lẫn lộn. Trung y đã có cách chẩn đoán hàn nhiệt. CònDC thì sao ? Đây là ưu tư của tôi từ khi học và làm DC. Thời gian đầu gần như tôi phải dựa hoàn toàn vào tứ chẩn của Trung y. Sau đó, qua lâm sàng dựa vào huyệt tính và sinh huyệt, tôi tìm cách xây dựng kỹ thuật chẩn đoán riêng cho DC. Trước, để thỏa mãn sự tìm tòi của mình; sau là để đáp ứng nhu cầu của học viên chưa biết Trung y. May mắn thay tôi đã làm được điều này, có thể chưa được hoàn chỉnh nhưng nó góp phần không nhỏ cho những ai chưa biết hay đã biết ĐY – vì trong lâm sàng có một số trường hợp nhờ nó mà sự định bịnh rõ ràng hơn. Xin thử  xem và vui thú với phát hiện này.

            Trước hết, ta cần nhớ các chứng hàn nhiệt vừa có toàn thân vừa có cục bộ và sự tương quan giữa chúng không có quy luật. Có nghĩa là có khi toàn thân là hàn mà cục bộ lại nhiệt, có khi toàn thân nhiệt mà cục bộ lại hàn. Có khi toàn thân lẫn cục bộ đều hàn hay nhiệt. Vì thế, khi chẩn đoán hàn nhiệt ta luôn cần xem xét cả hai khía cạnh toàn thân và cục bộ để  hạn chế sai sót.

A-CHẨN ĐOÁN HÀN NHIỆT TOÀN THÂN : 

Hai dụng cụ chính được sử dụng ở đây là que dò và ngãi cứu. Cần thuần thục về kỹ thuật, nếu không ta sẽ bị báo hiệu sai và kết quả chẩn đoán sẽ sai theo.

a-Dùng que dò: - đau ở  26 là nhiệt ở biểu.

 - đau ở  143 là nhiệt ở lý.

 

- đau ở  1 hoặc 43 là hàn nhẹ ở lý.                                       

- đau ở  19 là hàn nhẹ ở biểu.

b- Dùng ngãi cứu: ngãi cứu  được dùng khi khám bằng que dò không có sinh huyệt:                      

  - nóng ở  1  hoặc  43  là hàn nặng ở lý. Khi 43 nóng là mất khả năng tàng trữ  Dương khí. Khi 1 nóng là mất khả năng khai phát Dương khí.

 - nóng ở  19  là hàn nặng ở biểu.  

- nóng ở  143  là tinh huyết suy, mất khả năng tàng trữ  âm huyết. Khó trị hơn các trường hợp khác.

- nóng ở  26  là mất khả năng hấp thu  dương khí.

              Lưu ý: phải dò cả 4 huyệt xong rồi mới kết luận sau khi đã tổng hợp – xem ở phần “ kinh nghiệm lâm sàng ”.

                         Nếu với cả hai phương tiện mà không thấy sinh huyệt thì có thể kết luận toàn thân bịnh nhân  bình hòa, không hàn không nhiệt. Chỉ còn cần khám hàn nhiệt cục bộ mà thôi.

B- CHẨN ĐOÁN HÀN NHIỆT CỤC BỘ :

                    Như  đã đề cập, khi một cục bộ có vấn đề ( cơ quan bị bịnh ), ta vẫn cần khám toàn thân để tìm sự liên hệ nếu có giữa toàn thân và cục bộ . Nếu toàn thân không có gì, ta chỉ cần khám cục bộ để biết bịnh thuộc hàn hay nhiệt.

 a-      Dùng que dò: tìm sinh huyệt dựa theo đồ hình phản chiếu nơi bị bịnh - chủ yếu ở trên mặt. Nếu báo đau là bịnh nhiệt .

b-     Dùng ngãi cứu: khi bịnh chứng rõ ràng mà khám bằng que dò không thấy có huyệt đau là bịnh hàn. Dùng ngãi cứu dò sẽ thấy nóng.

c-      Khi huyệt không báo đau mà cũng không báo nóng là tìm chưa đúng, thay đổi hệ thống phản chiếu .

d-     Khi huyệt báo nóng lẫn báo đau là hàn nhiệt lẫn lộn, hoặc hàn nhẹ. Cần bình tĩnh xem xét kỹ.            

            Tuy vậy, theo kinh nghiệm, dò bịnh hàn nhiệt cục bộ bằng huyệt khá phức tạp vì huyệt chịu chi phối bởi nhiều quy luật-như đối xứng, giao thoa, phản hiện v.v.... cần có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ mới ít sai lầm. Do đó,  nên phối hợp với sờ tại chỗ để xét hàn nhiệt -  xem bài LÀM SAO ĐỂ ĐẠT TỨ ĐẮC . Đồng thời nên hỏi triệu chứng tăng vào mùa nào trong năm, giờ nào trong ngày để tìm hiểu quy luật rồi suy ra.

 C- KINH NGHIỆM LÂM SÀNG :

(Mới bổ sung)

 Trên thực tế các huyệt sẽ báo bịnh không đơn giản mà có nhiều tình trạng phức tạp chồng chéo nhau. Thời gian qua, 1987 đến nay, tôi đã tạm đúc kết được như sau:

 1-     Khi 19 và 26 cùng báo đau, hai huyệt kia không đau: hàn nhiệt lẫn lộn ở biểu, nhẹ. Cơ thể còn tốt chưa suy nhược.

2-     Nếu chỉ có 1 và 143 báo đau: khí huyết đều kém nhẹ.

3-     Nếu chỉ 1 và 26 đau: khí kém ít, biểu có nhiệt.

4-     Nếu chỉ  143 và 19 đau: huyết kém ít, biểu có hàn.

5-     Nếu chỉ có 1, 19, và 26 đau: khí kém nhẹ, hàn nhiệt lẫn lộn  ở biểu.

6-     Nếu chỉ 1, 19 và 143 đau: khí huyết đều kém nhẹ, có hàn ở biểu.

7-     Nếu ở câu 6 mà 19 đau dữ dội hơn hai huyệt kia là có nhiễm lạnh nhiều, bằng không chỉ lạnh do suy yếu.

8-     Nếu 1, 143 và 26 đau: khí huyết đều kém, biểu có nhiệt. Cũng như trường hợp trên, nếu 26 đau nhiều là có thực nhiệt ở biểu, nếu không là nóng do hư yếu.

9-     Nếu 26, 143 và 19 đau: huyết kém, biểu có hàn nhiệt lẫn lộn.

10-  Thông thường khi 4 huyệt này không báo đau thì sẽ báo nóng bằng ngãi cứu.

11-  Khi 1, 19 hoặc chỉ một trong hai huyệt báo nóng: xem phần nguyên tắc chung của 4 huyệt.

12-  Nếu chỉ 1,19 và 26 báo nóng: khí suy, trở ngại chức năng hấp thu dương khí, biểu lý đều hàn.

13-  Nếu chỉ 1,19 và 143 báo nóng: tinh huyết kém, suy giảm chức năng lưu giữ nguyên khí, hàn ở biểu.

14-  Khi cả 4 huyệt đều  hút nóng: tổng trạng suy sụp nặng, các chức năng hấp thu lưu giữ khí huyết đều trở ngại. Khó điều trị hơn các trường hợp trên.

15-  Khi bệnh nhân đang bị đau nhức dữ dội thì toàn thân lạnh ngắt và sinh lý huyệt rối loạn. Không thể dò sinh huyệt bằng bất cứ  kỹ thuật nào, vì sẽ bị báo hiệu sai.

16-  Khi bịnh nhân đang sốt cao thì sinh lý huyệt đều rối loạn nên khám bằng huyệt sẽ không đúng. Phải dùng các phương pháp khám khác ngoài DC và suy luận thêm mới có thể kết luận đúng được.

                 Hai y án sau đây để thuyết minh trường hợp này:

                 Y án 1: một BN nam khoảng 20 tuổi, sáng ra đồng, nửa buổi phải về vì đau bụng kịch liệt, đi cầu phân lỏng nhưng không nhiều. Đã uống thuốc tây nhưng chưa cầm ỉa chưa giảm đau bụng, vẫn sốt cao. Khoảng 11 giờ khi tôi đến BN vẫn rên rĩ vì đau, toàn thân đều nóng, nhưng xét tình trạng đi cầu không có chứng nhiệt rõ rệt. Cả 4 huyệt đều không báo đau. Dò bằng ngãi cứu thì hút nóng mạnh. Tôi hơ bộ trừ thấp thì giảm sốt giảm đau bụng. Nhưng sau đó vài phút lại đau bụng đi cầu, phân vẫn ít. Song khi khám lại tôi thấy hai bàn chân lại lạnh, do đó dùng bộ thăng, bịnh nhân giảm đau giảm sốt, ngủ được một giấc khoảng một giờ đồng hồ rồi khỏe hẳn. Đây là do nguyên khí kém mà trúng hàn thấp nặng.

                  Y án  2: một phụ nữ chừng 30 tuổi, sinh con đầu lòng độ 10 ngày, bỗng nhiên đau 2 vú, tắc sữa, sốt cao. Uống thuốc cảm hai ngày liền không giảm. Khi tôi đến, BN vẫn sốt, sợ lạnh, toàn thân nóng hực, niêm mạc đỏ, hơi rịn mồ hôi nhưng phải trùm mền và bận áo len dày mới chịu nổi . Các huyệt không báo đau mà báo nóng dữ dội. Xét mạch, thấy phù hư. Vì là hàng xóm nên tôi biết BN vốn suy khí huyết từ lúc còn mang thai.Vậy chắc chắn là có hư suy và ngoại cảm. Tôi dùng bộ Thăng để giải cảm , BN giảm sốt, tỉnh táo, sữa bắt đầu rịn. Sau đó khoảng một tiếng đồng hồ, sốt lại, nhưng sữa không tắc. Tôi dùng nước đá áp các huyệt 26, 143, 3-, 87, cắt cơn sốt, cho uống Pécaldex ( BN có sẵn trong nhà ) nhưng liều gấp đôi. Bịnh nhân ngủ yên đến sáng, khỏi bịnh hoàn toàn. Đây là do khí huyết suy yếu, cảm phong hàn; sau khi giải cảm một lát sốt lại do hư nhiệt cộng với dư nhiệt do điều trị giải cảm hơi mạnh tay , nên dùng nước đá giải dư nhiệt và dùng thuốc bổ để bồi dưỡng. Thật ra nếu khí huyết suy nặng thì cũng khó đạt hiệu quả nhanh như vậy.

Lưu ý: Hai trường hợp số 15 và 16 là ngoại lệ. Không nên cố chấp dùng DC để chẩn đoán sẽ bị sai lầm.

D- KẾT LUẬN :

(Mới bổ sung)

              Chẩn đoán đúng là cơ sở để điều trị tốt. Vì thế dù rằng đã khám bằng huyệt, ta vẫn luôn kết hợp với khảo sát bằng mắt, sờ nắn, hỏi tiền sử bệnh, triệu chứng bịnh, đồng thời phải biện luận giải thích được tại sao huyệt báo hay không báo bịnh với kỹthuật này hay kỹ thuật kia, nhằm hạn chế tối đa sai sót.

Chẩn đoán hàn nhiệt là một việc khá phức tạp vì nhiều ngoại lệ nhất là khi gặp hàn nhiệt lẫn lộn hoặc chân hàn giả nhiệt và chân nhiệt giả hàn.

Nhưng ưu điểm của Diện chẩn-ĐKLP trong việc chẩn đoán và điều trị  các vấn đề hàn nhiệt là có thể biết ngay tức thì sự đúng sai trên lâm sàng  để đổi hướng kịp thời. Nên khi thao tác cần chú ý theo dõi sít sao diễn tiến của bịnh chứng qua từng huyệt đang tác động. Mấu chốt là phải thuần thục các kỹ thuật sử dụng dụng cụ để không rơi vào tình thế huyệt báo bịnh sai. Cũng như trong điều trị , ta có thể tác động các huyệt này bằng kỹ thuật ấm nóng, các huyệt khác bằng kỹ thuật mát lạnh. Tương tự sự phối hợp thuốc trong phương thang để giải quyết các chứng hàn nhiệt lẫn lộn.      

             Những trình bày trên chỉ là những kinh nghiệm riêng. Có thể còn những dạng bịnh khác mà tôi chưa có may mắn gặp gỡ. Vì thế đây chỉ là một báo cáo ban đầu dể phần nào đáp ứng cho những ai ham thích sử dụng Diện chẩn-DKLP. Kính mong nhận đươc sự đóng góp để bổ sung sửa sai hầu phương pháp của chúng ta – một phương pháp mới do người Việt Nam tìm ra, dĩ nhiên có kế thừa một số vốn quý trong kho tàng y học của nhân loại – ngày càng hoàn thiện hơn.

 Lương y: Tạ Minh

 © 12/2013 - www.dienchanviet.com