In bài này

Từ Hữu Chiêu đến Vô Chiêu

 Tg: GS TSKH Bùi Quốc Châu
Lá thư đầu năm Quý Tỵ: từ ‘hữu chiêu’ đến ‘vô chiêu’ (từ Hữu đến Vô) 

Thân gởi các học viên cùng quí thân hữu trong và ngoài Việt Nam,
 
Như thường lệ đầu năm, tôi cố gắng viết một bài để tặng các học trò và quí thân hữu ở Việt Nam cũng như ngoại quốc, coi như một món quà tặng tinh thần của tôi đối với các bạn đã yêu mến, tin tưởng Diện Chẩn và tác giả của nó trong nhiều năm qua.

Đau đâu làm đó

Đầu năm thì chắc ai cũng muốn được vui vẻ và khỏe mạnh phải không? Nhưng có nhiều người cho là Diện Chẩn còn quá khó đối với họ vì có quá nhiều huyệt, phác đồ và đồ hình cũng như dụng cụ. Thực ra không phải tôi không biết điều này nhưng vì bản tánh hay quên và mải mê sáng tạo cái mới cho nên có nhiều khi có những cách chữa bệnh tuy cũ lại rất hay mà tôi lại quên không dùng đến hoặc giới thiệu cho các học viên mới. Một trong những cách chữa đó là đau đâu làm đó(day ấn, dán cao, gõ búa, hơ nóng, day phớt, v.v…) tức là không cần đến đồ hình hay phác đồ, thậm chí cũng không cần đến lý luận đông hay tây y gì cả.

Viết đến đây chắc có bạn nói nếu làm như thế thì là ‘đánh võ rừng’ à, có nghĩa là đánh lung tung, múa may lung tung, chẳng có chiêu thức gì cả!? Giống y người chẳng biết võ công gì cả! Và bạn sẽ thắc mắc nếu làm như thế thì làm sao có kết quả được, phải không? Ấy thế là sự thực lại khác đấy các bạn ạ.

Bạn hãy theo dõi những điều tôi sẽ trình bày tiếp đây để biết ở đời, nhiều khi phức tạp quá, trí thức quá, bác học quá, lại kém hơn là làm theo tự nhiên, vì tự nhiên vốn dĩ là cái mạnh nhất, mà ta ít khi quan tâm hoặc lầm tưởng là kém hơn cái mà loài người nặn óc nghĩ và làm ra dựa theo những lý luận của mình. Thế mới là lạ.
 
Để cho các bạn dễ hiểu, tôi phải kể lại quá trình tư duy căn cứ vào những kinh nghiệm  trên lâm sàng của tôi trong nhiều năm qua để có được ‘chiêu thức’ vừa trình bày ở trên mà tôi đặt tên là từ hữu chiêu đến vô chiêu (nhái theo Kim Dung, tác giả nhiều bộ sách võ hiệp nổi tiếng từ mấy chục năm trước đây) hoặc từ hữu đến vô (nói theo triết học Đông phương).
 
Tại sao tôi lại nói như thế? Đây là y học, có phải võ học và triết học đâu mà lại nói thế? Xin các bạn hãy bình tĩnh. Theo thuyết nhất nguyên luận ứng dụng trong Diện Chẩn thì tôi có thể nói như thế được vì tất cả là một mà, có nghĩa là các thứ khác nhau đều có liên quan với nhau, cho nên nếu tôi dùng các từ của y học và triết học trong chuyện này – cũng như từ những vấn đề trong triết học và võ học tôi có thể đem áp dụng vào Diện Chẩn nói riêng và y học nói chung cũng là chuyện bình thường thôi.
 
Những vấn đề tôi muốn nói ở đây là hiệu quả của lý thuyết (cũng có thể gọi là nguyên lý) trong Diện Chẩn, nay như thế nào mà tôi phải coi nó như món quà quý giá để tặng cho các bạn nhân dịp đầu năm mới.
 
Thật ra, kỹ thuật hay cách chữa bệnh đơn giản này đã nằm trong lý thuyết toàn thể hay toàn diện mà tôi đã khám phá ra cách đây hơn 20 năm, nhưng vì nhiều lý do tôi đã không trình bày ra, nói quên thì đúng hơn. Vì sao? Vì những phương cách chữa bệnh mà tôi đã giới thiệu với các bạn trong thời gian qua đã đủ cho các bạn chữa được rất nhiều bệnh từ dễ đến khó, cho nên coi như không cần thiết phải nhớ hay dùng cách chữa bệnh có vẻ nhà quê và giống như mới bắt đầu học này, do nó chả cẩn đến phác đồ, đồ hình hay lý luận đông, tây y gì cả.
 
Cho đến một ngày tôi gặp những ca bệnh rất khó trị mà dù áp dụng nhiều phác đồ và nhiều cách trị khác nhau cũng không đem lại kết quả mong muốn. Lúc ấy tôi phải động não, tức là tôi phải bình tâm lại và ngồi suy nghĩ xem có cách trị nào mà mình chưa dùng hay không?
 
Nghĩ một lúc tôi chợt nhớ đến những gì mà mình đã đọc trong sách Đạo đức kinh của Lão tử, trong đó có nói rằng ‘đạo chính là vô cực’, ‘vô cực là cái cực lớn, lớn hơn cả thái cực vì từ vô cực mới sinh ra thái cực, rồi từ thái cực sinh ra lưỡng  nghi, rồi từ lưỡng nghi tức là âm dương mới sinh ra vạn vật’. Tư tưởng này đã khiến tôi suy nghĩ rằng cái đơn giản nhất chính là cái cao nhất (chứ không phải cái phức tạp nhất là cái cao nhất). Và sau đó là các câu nói chí lý  trong văn học, như ‘viết văn khó nhất chính là ở sự đơn giản’, vì sự đơn giản là cái không phải ai cũng làm được nếu không phải là nhà văn đại tài.
 
Những điều nêu trên đã giúp tôi mạnh dạn bỏ qua những phác đồ rườm rà, khó nhớ vốn dựa theo những lý luận của đông hay tây y, ngay cả những phác đồ do chính tôi đã tìm ra. Nhưng tôi cũng chưa ngưng dòng suy tưởng mà tôi lại miên man suy nghĩ đến truyện Tiếu ngạo giang hồ, trong đó có đoạn Kim Dung mô tả Lệnh Hồ Xung đấu kiếm với Xung Hư đạo trưởng, người vô địch về kiếm thuật của phái Võ Đang. Lệnh Hồ Xung chỉ đứng nhìn ông kia một hồi mà chẳng động thủ gì cả (tức là vô chiêu), mãi đến một lúc sau Xung Hư đạo trưởng phải chấp tay bái Lệnh Hồ Xung và nói rằng “Kiếm thuật của ta không bằng các hạ. Ta xin thua!”. Tôi nghĩ trong đoạn này Kim Dung đã viết theo tinh thần của Lão tử qua tác phẩm Đạo đức kinh của ngài, tức cái vô (có nghĩa là không, cũng có nghĩa là vô cùng đơn giản) là cái bao trùm cái hữu (nghĩa là có, cũng có nghĩa là phức tạp). Trong lãnh vực nghệ thuật hay nhiều lãnh vực khác, kể cả về máy móc, điện tử, vi tính…, làm ra cái đơn giản mà lại cực kỳ hữu dụng thì phải nói là rất khó chứ không phải dễ như nhiều người lầm tưởng.
 
Từ những suy nghĩ này tôi thử áp dụng cách điều trị đơn giản nhất mà tôi có thể làm được, tức là đau ở đâu thì tác động ở đó, nói theo kiểu Diện Chẩn là dò trên mặt hoặc ở những vị trí cơ thể đang có bệnh, hễ thấy chỗ nào đau thì tác động vào chỗ đó bằng nhiều kỹ thuật khác nhau tùy mình chọn, nhưng nhớ là chỉ nên làm một kỹ thuật nào cần thiết hay mình thích, chứ không phải làm cùng lúc nhiều kỹ thuật (ví dụ như: day ấn, gạch nhẹ, dán cao Salonpas, day phớt…) và không cần phải theo phác đồ nào hay đồ hình nào. Kết quả là tôi giải quyết rất nhanh được bệnh mà trước đây tôi đã dùng rất nhiều cách chữa, nhiều phác đồ khác nhau nhưng vẫn không hiệu quả.
 
Tất nhiên là sau đó tôi đã phải lập lại nhiều lần cách trị bệnh vô cùng đơn giản này trên nhiều loại bệnh khác nhau và tôi đều tìm thấy hiệu quả của nó thường là rất cao và có tình dứt điểm nhanh. Đây cũng là cách chữa theo tinh thần dĩ bất biến ứng vạn biến, có nghĩa là ta chỉ dùng duy nhất một cách này để trị cho rất nhiều bệnh khác nhau. Khi nào đã dùng nó 3 lần mà không kết quả gì cả hay kết quả kém thì mới đổi qua cách khác hoặc làm ở nơi khác trong cơ thể, như: lưng, bàn tay, bàn chân, loa tai, da đầu v.v… Từ đấy tôi viết thêm lý thuyết toàn thể (hay toàn diện) và cách chữa bệnh theo sinh huyệt (có nghĩa là không cần phác đồ/đồ hình), chủ yếu là dùng cho những trường hợp mà ta đã dùng các phác đồ hỗ trợ hoặc đặc hiệu mà không đạt kết quả tốt, và đặc biệt cho những người không hiểu hoặc không thích lý luận gì rắc rối, phức tạp, cũng như cho những người ít học hoặc mới học Diện Chẩn.
 
Nói lên điều này không có nghĩa là tôi coi thường các cách chữa mà tôi đã tìm ra và đã hướng dẫn cho các bạn, hay cho rằng đây là cách tốt nhất. Thật ra, theo tinh thần tùy, tức tương đối luận, thì tất cả đều tương đối, nghĩa là có người thích hoặc hợp với cách này nhưng có người lại thích và hợp với cách khác hơn. Chữa bệnh theo kiểu tôi vừa trình bày có thể nhiều khi rất mất thì giờ, hoặc nhiều người bệnh không thể chịu đau nổi khi người chữa phải dò qua nhiều sinh huyệt trên mặt rồi sau đó lại dán cao (hoặc day phớt, day ấn, gõ búa, hơ nóng.v.v…) trên mặt, thay vì chỉ đánh một ít huyệt theo phác đồ đặc hiệu hay hỗ trợ. Cần lưu ý là phải dò tìm và tác động vào tất cả các sinh huyệt tìm thấy trên mặt hay bộ phận khác trong cơ thể chứ không phải chỉ có một số ít huyệt ở khu vực nào đó trên mặt. Trường hợp bạn sợ bệnh nhân đau hay để đỡ mất thì giờ tìm quá nhiều sinh huyệt trên mặt, bạn có thể dùng cây cào mini cào khắp mặt trước khi dò sinh huyệt. Việc dùng cào mini cào khắp mặt sẽ làm bớt đi số sinh huyệt ở phần nông của da mặt. Nhờ vậy chỉ còn lại một số sinh huyệt ở phần sâu của da mặt. Lúc ấy ta sẽ dùng cách khác (ví dụ dán cao hay day phớt…) tác động để làm mất các sinh huyệt ấy đi.  Lưu ý: Nếu các bạn không có cào mini có thể dùng cây lăn nhỏ lăn khắp mặt 3 vòng hoặc dùng que dò gạch khắp mặt 3 lần cũng đạt kết quả tượng tự như cào mini, có nghĩa là sẽ làm giảm số lượng sinh huyệt ở phần nông của bộ mặt. Sau đó ta chỉ tác động vào các sinh huyệt còn lại. Như vậy sẽ đỡ mất thì giờ hơn.
 
Tóm lại, qua kinh nghiệm mà cũng rất hợp lý là ta chỉ nên áp dụng cách chữa này khi nào ta đã dùng những cách đã có theo bài bản mà không hiệu quả. Hoặc gặp trường hợp bệnh đã lan ra khắp các cơ quan nội tạng trong cơ thể thì bấy giờ ta cần phải tác động toàn diện trên cơ thể theo lý thuyết toàn thể này.
 
Phương cách trên giống như xe hư ít thì sửa tại chỗ hay sửa nhẹ thôi, nhưng nếu xe bị hư gần như toàn diện thì phải đổi xe hoặc đại tu (sửa lại hoàn toàn), chứ không thể chỉ sửa ở một chi tiết nào đó của xe với một ít dụng cụ và thời gian sửa quá ngắn. Nói khác đi, bệnh nặng – như liệt nửa người, ta phải chịu khó chữa toàn thân và chữa lâu mới mong đạt được hiệu quả cao và bền được.
 
Để kết thúc bài này, tôi xin nhắc lại rằng cách chữa bệnh mà tôi vừa trình bày cũng chỉ là một trong nhiều cách chữa để các bạn tùy chọn. Vì theo nguyên lý âm dương, bao giờ bên cạnh cái hay cũng có cái dở; bên cạnh cái tiện lợi cũng có cái bất tiện. Vấn đề là bạn dùng nó trong trường hợp bệnh nào, người bệnh ra sao, lúc nào và ở đâu thì đạt hiệu quả như ý mình mong muốn.
 
Chúc các bạn thành công.
 
GSTS Bùi Quốc Châu
(Ngày 15/1/2013)