Từ Vinatherapy đến Việt Y Đạo
Đã từ lâu tôi có hai ưu tư sau đây: một là làm sao cho con người giảm bớt tổn thương thể xác, cụ thể là bớt bệnh. Hai là làm sao cho đất nước ta giàu mạnh, tiến bộ hơn người, người dân được ấm no hạnh phúc và dân trí được nâng cao.
Việc thứ nhất là với tư cách là người nghiên cứu và chữa bệnh, trong 16 năm qua bằng sự nỗ lực của bản thân và cộng sự, chúng tôi đã đóng góp được một phần với Nhà Nước trong việc chăm sóc sức khỏe đồng bào cũng như mở mang kiến thức về y học cho dân qua việc hướng dẫn, đào tạo hàng nghìn bệnh nhân biết cách tự bảo vệ sức khỏe của họ (Biến bệnh nhân thành thầy thuốc) với các phương pháp dễ học, dễ làm và các dụng cụ chữa bệnh đơn giản. Phải nói là cho đến nay tôi đã đạt được thành công bước đầu, tuy không phải là lớn nhưng cũng đủ khích lệ tinh thần tôi và các cộng sự cũng như học viên của mình.
Việc thứ hai thì rõ ràng là ngoài tầm tay vì tôi không phải là nhà chính trị hay nhà kinh tế.
Tuy nhiên tôi vẫn chưa thỏa mãn. Tôi nhận thấy rằng hướng dẫn cho dân chúng biết cách phòng và trị bệnh bằng các biện pháp Y học đặc thù Việt Nam chưa đủ. Vì bệnh nhân không chỉ bị tổn thương về thể xác (bị đau tức là bị bệnh) mà còn bị tổn thương về tinh thần (bị khổ) vì nhiều nguyên nhân trong đó do sự tham lam, kém hiểu biết về y học và nhiều lãnh vực khác, sự yếu đuối về tinh thần….chiếm phần lớn những sự khổ của con người. Theo tôi Tiếng Việt nói đau là chỉ sự tổn thương về Thân xác, còn khổ chỉ tổn thương về tinh thần. Nhưng vì hai tổn thương này luôn gắn bó hữu cơ với nhau nên mọi người hay dùng chữ đau khổ như danh từ kép. Vì có cái đau nào không gây khổ và có cái khổ nào mà không gây đau.
Do đó, muốn con người bớt đau khổ cần phải có một giải pháp toàn diện hơn là chỉ có biện pháp y học thuần túy (y học). Vì rõ ràng con người là một tổng thể cực kỳ phức tạp, do đó bất kỳ giải pháp nào có tính cách giản đơn, phiến diện về mặt lý thuyết sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của loài người chính vì vậy mà từ ngàn xưa có một sự phân công tự nhiên trong xã hội là giới thầy thuốc để chữa bệnh thân xác và giới tu sĩ để chữa bệnh tinh thần cho loài người. Cho nên thầy thuốc, tu sĩ và triết gia vẫn luôn cần thiết ở mọi xã hội từ xưa tới nay.
Tuy biết rõ như vậy nhưng mọi người vẫn mạnh dạn đề xướng chương trình Việt Y Đạo để phổ biến hướng dẫn cho dân vì những lý do sau:
+ Bệnh tật tuy nhiều nhưng có những bệnh con người có thể tự chữa được nếu biết cách. Nhất là các cách thức chữa bệnh mang tính tự nhiên và an toàn như xoa bóp, bấm huyệt, ăn uống, vận động….
+ Cái khổ về tinh thần tuy nhiều, phức tạp nhưng con người có thể vượt qua được nếu được động viên, an ủi, giải thích tức là được nâng đỡ về tinh thần, tình cảm và được giáo huấn để rõ điều đúng sai, lẽ thật giả. Mà ngay cả việc này ở những người có tinh thần mạnh mẽ và sáng suốt cũng có thể vượt qua được chứ không phỉa bất cứ cái khổ nào người ta cũng cần cầu cứu đến Tôn giáo (cũng như có những bệnh mới mắc phải hay những bệnh thông thường nếu ta biết chữa thì không cần phải nhờ đến thầy thuốc hay bệnh viện). Ta cũng phải thực tế mà thấy rằng có những bệnh ngay cả thầy thuốc giỏi, bệnn viện lớn cũng phải bó tay (tất nhiên tôi cũng thừa hiểu là con người cần đến Tôn giáo không chỉ vì khổ mà còn đến vì yếu tố khác trong đó có sự muốn được giải thoát, được cứu rỗi hay muốn đạt được những gì cao siêu hơn ngoài sự hiểu biết của loài người như Thiên đàng, kiếp sau, đời sống tâm linh…). Nhưng ở đây tôi muốn nói có những cái khổ nhỏ, con người cũng có thể tự mình vượt qua nếu biết cách và chịu khó rèn luyện. Một trong những cách đó là làm tăng sức chịu đựng về tinh thần. Âm dương khí công là phương pháp rất hữu hiệu trong việc nâng cao tinh thần cho những người yếu đuối, thiếu can đảm, thiếu tự tin, kém sáng suốt. Nó có thể giúp cho con người đủ sức chịu đựng nổi những khổ sở mà nếu không có biện pháp này thì họ sẽ khổ hơn vì kém sức chịu đựng, kém sáng suốt.
Tất nhiên như đã viết, vai trò của Tôn giáo và Y học, cụ thể là của giới tu sĩ và thầy thuốc vẫn luôn tồn tại ở mọi xã hội từ xưa và cho mãi tới ngàn sau. Việt Y Đạo hoàn toàn không có cao vọng làm thay vai trò của hai giới trên nhưng Việt Y Đạo ra đời như một giải phápnhỗ trợ cho Y học và Tôn giáo, thiết tưởng cũng không phải là vô ích. Mà lợi ích trước hết là nó giúp cho người bệnh bớt ỷ lại và lệ thuộc vào người khác, nghĩa là giải phóng họ khỏi sự nô lệ quá nhiều vào tha nhân để tìm thấy sự tự do đích thực cho cá nhân họ, tiến đến là làm chủ lấy bản thân mình về thân xác lẫn tinh thần và đạt đượng sự bình yên trong tâm hồn (giúp cho con người “Thân Tâm được an lạc” đó là mục tiêu phấn đấu của Việt Y Đạo). Đó chẳng phải là mục đích tối cao của Y học và Tôn giáo và cũng là nhu cầu, là mong muốn tự thâm tâm của mỗi người hay sao? Việt Y Đạo có giúp con người làm được những điều kể trên không? Cái này còn tùy thuộc vào rất nhiều điều kiện (trước hết là của chủ thể và khách thể), nhưng vạch ra con đường đúng dẫn đến những gì tốt đẹp hơn những cái hiện có, đó chính là việc làm chính đáng góp phần vào sự tiến hóa văn minh và hạnh phúc mà loài người luôn cần thiết và mơ ước. Việt Y Đạo có hai phần: Y Đạo và Việt Y cho nên ngoài những mục tiêu kể trên nó còn có tham vọng giúp cho sinh môn ngày càng Thông về lý, tinh về thuật làm vẻ vang, tự hào cho nền Y học Việt Nam so với các nền y học khác của các nước đã có trước đây (như Tây y, Trung y, Ấn y…). Trước mắt nó sẽ đem lại lợi ích một cách gián tiếp về nhiều mặt trong đó có sự phát triển về kinh tế, ổn định về xã hội, tiến bộ về văn hóa….nhờ sự cải thiện sức khỏe và ổn định tâm trí của cá nhân trong cộng đồng sau quá trình học tập của họ về Việt Y Đạo.
Những điều trình bày trên chỉ là những điều mơ ước hay đã là hiện thực? Có lẽ đối với các bạn đã tham gia vào chương trình học tập các bộ môn của Việt Y Đạo trong thời gian qua như Diện Chẩn, Âm Dương khí công, Ẩm thực dưỡng sinh từ hơn 10 năm qua thì họ thấy đây là sự thật hiển nhiên không phải chỉ là những ước mơ còn nằm trong óc của chúng tôi là những người đề xướng và thực hiện mà là hiện thực đã và đang xảy ra từng ngày, từng giờ. Tất nhiên là công việc rất to lớn không phải trong một thời gian ngắn, với sức lực, khả năng và tâm huyết của một nhóm người mà có thể hoàn thành được. Cho nên chúng tôi thành thật kêu gọi sự đóng góp của nhiều người mà trước hết là các môn sinh Việt Y Đạo thân yêu, nếu các bạn thấy có thể chia sẻ được tâm tư hoài bão của chúng tôi.
GSTSKH. Bùi Quốc Châu