In bài này

Bác sĩ tốt nhất là chính mình -05- Ba cửa ải cuộc đời, mấu chốt ở tuổi trung niên

 Việc sinh lão bệnh tử của con người cũng giống như hoa nở rồi hoa lại rụng, đó là sự tuần hoàn của giới tự nhiên, nhưng con người sống cần phải có sức khỏe, cho dù chết cũng cần phải chết cho rõ ràng.

Sự điêu tàn và tiêu vong của tự nhiên là không bệnh tật, không đau khổ, không căm ghét, bình an, vui vẻ nhẹ nhàng đến trăm tuổi. Nhưng đại đa số con người do bị bệnh tật mà chết, lại chết quá sớm: tuổi trung niên bị bệnh, phải chịu nỗi đau thể xác, tinh thần kiệt quệ, cả thể xác và tinh thần bị giày vò.

  Chết yểu không từ một ai

 Qua đời khi tuổi còn trẻ là một thực trạng đáng buồn trong xã hội ngày nay, nó đã trở thành một hiện tượng rất phổ biến. Nhiều người ở độ tuổi trung niên còn minh mẫn và cường tráng nhưng không biết cách đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và sự nghỉ ngơi, họ nông nổi, nóng nảy, làm việc bất kể ngày đêm. Một số cơ quan khoa học cao tuổi thọ trung bình của những người làm công tác nghiên cứu khoa học chưa tới 53 tuổi. Một bác sĩ là phó chủ nhiệm khoa, vì tham gia hội nghị toàn quốc đã viết ba bài luận văn, làm việc liên tục suốt 72 tiếng đồng hồ không nghỉ ngơi, người ta phát hiện ra ông bị chết ngay trên bàn làm việc. Một số nhà kinh doanh có tiền núi gửi ngân hàng, mới thanh niên đã “không biết làm thế nào để tiêu tiền cho xuể”, độ tuổi của họ đa số ở khoảng giữa 35 đến 60 tuổi. Loại bệnh này cái sai thứ nhất là bản thân phải đổ máu, cái sai thứ hai là người thân phải rơi nước mắt, cái sai thứ ba là lãng phí nhân tài quốc gia.

Còn trẻ đã qua đời, trách nhiệm thuộc về ai? Cái nhìn thờ ơ và hành động cẩu thả đối với sức khỏe của bản thân mỗi người là nguyên nhân chủ yếu, nhưng nhân tố xã hội cũng không thể xem nhẹ. Người đàn ông khi bước vào tuổi bốn mươi, xã hội quy định cho họ đủ thứ trách nhiệm. Trong một xã hội đang chuyển mình, những nhu cầu cuộc sống mỗi ngày một tăng lên, con người chỉ vì những cái trước mắt, suy nghĩ nông nổi, làm việc nóng vội, xã hội luôn trong trạng thái  “dương thịnh âm suy”, thực trạng đó đã ảnh hưởng đến nội tâm của mỗi người, tất nhiên cũng sẽ làm cho công năng thần kinh giao cảm và thần kinh phó giao cảm mất khả năng điều tiết, tạo nên một loạt vấn đề như sức khỏe giảm sút và lối sống bệnh hoạn.

Phải làm sao để đối diện với thực trạng xã hội như vậy? Hãy tưởng tượng đến câu chuyện về Bạch Cốt Tinh đã được ngộ đạo từ vị cao tăng cũng là một liều thuốc mát dịu. Nhưng người hỏi về đạo có trăm người thì ngộ đạo chỉ có khoảng năm mươi người, còn hành đạo thì chỉ có may ra được vài người. Sự chênh lệch quá lớn giữa biết, tin, làm là nguyên nhân mang tính bản chất của tình trạng chết trẻ: “Biết thì biết, mà làm không được”. Trương Di Ninh, người từng 11 lần giành chức quán quân bóng bàn thế giới nói: đối thủ lớn nhất là chính mình, chỉ cần có thể chiến thắng được mình, những đối thủ còn lại của mình không còn bao nhiêu người.

Kẻ thù lớn nhất của sức khỏe chúng ta khi bước vào tuổi trung niên chính là bản thân chúng ta, chỉ cần chiến thắng được những nhược điểm của mình, đó chính là biết làm việc một cách khoa học, biết sống một cách khoa học, như thế, bệnh tật rất khó có thể xâm nhập được vào bạn.

Làm “minh tinh”, không làm “bạch cốt tinh”

 Nhiều người trí thức tài ba, là những cán bộ chủ chốt, có trí tuệ và sức khỏe, nhưng vì “bội chi sức khỏe mà phải chết sớm”, trở thành “Bạch Cốt Tinh”.

Thế kỷ 21 là thế kỷ như thế nào? đó là thế kỷ lấy con người làm nền tảng, là thế kỷ của kinh tế tri thức, là thế kỷ toàn cầu hóa về khoa học kỹ thuật, hay cũng có thể gọi là thế kỷ tin học hóa… Về cơ bản, thế kỷ 21 cũng là thế kỷ mà vấn đề sức khỏe và sinh mạng được con người đặc biệt quan tâm hơn hết, những thế kỷ trước chưa bao giờ được quan tâm nhiều như thế.

Nhưng thế kỷ 21 cũng là thế kỷ cạnh tranh khốc liệt, người tài xuất hiện tầng tầng lớp lớp, là thế kỷ của nhiều ngôi sao tỏa sáng, anh tài khắp nơi xuất hiện, tạo nên một kỳ tích chưa từng có, nhưng đồng thời cũng lại là thế kỷ mà những nhân tài, nhà kinh doanh, nhà khoa học còn trẻ đã sớm phải nằm xuống. Họ chết không phải vì công việc mà là vì thiếu hiểu biết và chủ quan đối với sức khỏe của mình. Chết vì thiếu hiểu biết, một người qua đời, một gia đình hạnh phúc cũng không còn. Trẻ thơ thì mất cha, vợ mất chồng, người già mất con.

Những người tài kiệt xuất đã cống hiến ngày đêm cho xã hội, đem đến cho con người những hy vọng, những sức mạnh. Họ là những người lãnh đạo ưu tú, là những cán bộ chủ chốt, thế mà lại phải sớm qua đời do “bội chi sức khỏe”, trở thành Bạch Cốt Tinh, quả thật là đáng tiếc.

Mỗi gia đình hãy ngay lập tức hành động, hãy làm “minh tinh dẫn đường”, đừng làm “Bạch Cốt Tinh”. đầu tư cho sức khỏe sẽ thu hoạch được hạnh phúc, biết quý trọng sinh mệnh sẽ thu hoạch được sự êm ái.

 Sức khỏe là “số 1”, những thứ khác đều là “số 0”

 Những thứ mà mỗi người cần cho cuộc đời của mình rất nhiều: tiền bạc, địa vị, sự nghiệp, gia đình, con cái…, nhưng đó chỉ là thứ yếu, là “số 0”, sức khỏe của chúng ta mới chính là “số 1”. Khi chúng ta có sức khỏe tức là có hy vọng, có tương lai; mất sức khỏe là mất tất cả. Một người có nhiều năng lực, làm việc gặt hái được nhiều thành tích, được xem như là một người gương mẫu, vinh dự đem đến cho ai? đó chính là người lãnh đạo. Không có sự quan tâm, yêu mến, giúp đỡ, khuyến khích của lãnh đạo, bạn làm sao có được vinh dự đó? Thành tích là của ai? đó là của mọi người. Không có mọi người hợp lực làm việc, giúp đỡ lẫn nhau, bạn làm sao có được thành tích tốt đó? Tiền bạc là của ai? Tiền bạc là của con cái. Cho dù bạn có hàng núi tiền, khi bạn chết đi cũng chẳng mang theo được, dù chỉ một đồng! Bạn tay không đến và cũng tay không đi. Người bạn đời là của ai? Người bạn đời là của người khác. Ngày hôm nay bạn qua đời, ngay mai người bạn đời của bạn sẽ lại đi với người khác! Như vậy, vinh dự là của lãnh đạo, thành tích là của mọi người, tiền bạc là của con cái, người bạn đời là của người ta, chỉ có thân thể là của bạn. Chúng ta nhất định cần quan tâm đến bản thân mình, bởi vì chiếc chìa khóa của sức khỏe nằm trong tay chính mình.

Chúng ta muốn khỏe đến 100 tuổi, mấu chốt bắt đầu từ 60 tuổi, muốn khỏe đến 60 tuổi, mấu chốt nằm ở trong khoảng 20 năm, đối với nam là từ 30 đến 50 tuổi, đối với nữ là từ 40 đến 60 tuổi. Nếu như ngay bây giờ bạn không bắt đầu quan tâm đến sức khỏe, bạn không thể bảo đảm trước 60 tuổi không bị bệnh chứ đừng nói đến chuyện sống vui khỏe đến 100 tuổi?!

Có sức khỏe là có hy vọng, là có tương lai; mất sức khỏe là mất tất cả.

 Sức khỏe của bạn không chỉ thuộc về bạn

Người phương Tây có  câu: “Cuộc  đời  con  người giống  như  chiếc thuyền lênh đênh trên biển”, tục ngữ dân gian chúng ta có câu: “Sự bình an chính là hạnh phúc”, tất cả đều ngụ ý nói về tính bấp bênh của đời người, núi cao đường hiểm, như ở bên bờ vực sâu, giống như đang bước đi trên một lớp băng mỏng.

 Cuộc đời con người trôi đi chầm chậm nhưng muôn vàn gian nan. Trên bàn cờ của cuộc đời, chỉ cần mắc một chút sai lầm có thể khiến cho bạn phải chịu thất bại.

Có một vị bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng người Anh là Frederick, chỉ vì một lần tranh luận học thuật mà mất mạng. Chúng tôi từng điều trị cho một thanh niên 23 tuổi, do bản tính háo thắng, trong một lần thi hút thuốc đã giành được chức quán quân, 30 phút sau thì cơ tim bị cứng lại, suýt chút nữa thì mất mạng. Một vị phó giáo sư 42 tuổi, trong một lần để hoàn thành cho kịp bài luận văn phát biểu, ba ngày ba đêm không ra khỏi phòng thí nghiệm, lúc phát hiện ra thì đã chết trên bàn làm việc.

Chúng ta hãy nghĩ xem, công việc không bao giờ có thể làm xong được, không bao giờ có thể hoàn thành một cách mỹ mãn, mục tiêu không bao giờ có điểm kết thúc, vì vậy cho dù làm việc gì thì cũng cần có giới hạn, tùy theo sức mà làm sao cho phù hợp với khả năng của mình. đổ sức, đổ mồ hôi chứ đừng nên đổ máu, bỏ trí tuệ, bỏ công sức chứ đừng bỏ mạng. Không biết điều tiết công việc, giữ khư khư thái độ cực đoan, sẽ dẫn đến hậu quả “lợi bất cập hại”.

Khát vọng lớn nhất của những người đàn ông khi bước vào tuổi trung niên đó là được thành công trên con đường danh lợi, vì thế điều sơ xuất lớn nhất của họ là không quan tâm đến sức khỏe, nhiều khi bỏ quên cả gia đình, bỏ quên cả chính bản thân mình, kết quả là phải ôm hận. Bản thân mình chết chưa phải là đã hết, gia đình tan hoang, người bạn phối ngẫu phải đứng mũi chịu xào; con cái phải để tang cha, tâm hồn chúng bị tổn hại nặng nề; người tóc trắng phải đưa tiễn người tóc đen, tình cảnh thật đau lòng. Cuộc đời có ba cái khổ lớn: trẻ thơ phải để tang cha, tuổi trung niên đã phải để tang người bạn đời, tuổi già để tang con trẻ, phải sống đơn độc. Những sai lầm nhỏ có thể khiến chúng ta phải chịu những nỗi thống khổ cuối cuộc đời, không phải vậy sao?

Cho rằng: sức khỏe là của bản thân mình là chỉ nói đúng một nửa, phải nói là: sức khỏe là của mình và những người thân yêu mình. Khi bạn chết đi, sự mất mát của riêng bản thân bạn chỉ như một góc nhỏ của núi băng bị tan chảy ra, 90% núi băng nằm ở dưới nước không nhìn thấy được, sự qua đời của bạn ít nhất cũng gây tổn thương trực tiếp tới 10 người thân yêu nhất của bạn, khoảng hơn chục người bạn thân của bạn, những tổn thất về sự nghiệp là không thể tính hết được. Người càng thương yêu bạn thì sự tổn thương của họ càng lớn.

Phải đối diện với nỗi đau như vậy, mọi người làm sao có thể thờ ơ? Sức khỏe chính là sự hài hòa, sức khỏe chính là trách nhiệm.

 Sinh mệnh là con đường đơn tuyến 

Năm 1953 Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khẩu hiệu “sức khỏe là vàng”, mong muốn mọi người hãy đối đãi với sinh mạng của mình giống như đối với vàng.

Thật ra, sức khỏe còn quý hơn vàng, bởi vì sức khỏe rất khó tái sinh và không thể tái sinh, một khi đánh mất, cho dù khoa học có tiên tiến thế nào cũng không thể giúp bạn lấy lại được trạng thái như trước, cũng giống như một tờ giấy trắng, sau khi đã viết vào làm sao có thể khôi phục lại được trạng thái như trước khi chúng ta chưa viết gì vào.

Sức khỏe chính là sự theo đuổi của con người từ xưa đến nay, nhưng đối diện với những mê hoặc trong xã hội hiện đại, nhiều người cảm thấy khó chọn lựa giữa việc sống một cách khắc kỷ hay sống một cách thoải mái. Nhiều người nhận thấy bản thân mình vẫn còn trẻ, ăn được ngủ được, như vậy nghĩa là không có bệnh tật gì, thậm chí khi bị bệnh vẫn còn coi thường, đến khi bệnh nặng mới tỉnh mộng, nhưng tất cả đã quá muộn.

Cần biết rằng, sinh mệnh và sức khỏe là con đường đơn tuyến, “chỉ có chảy ra mà không bao giờ chảy ngược lại”. Rất nhiều nhận thức không đầy đủ về bản chất của sức khỏe, những thứ do con người làm ra dù tốt đến mấy cũng không thể bằng những thứ mà giới tự nhiên ban cho chúng ta. Con người đã mất rất nhiều thời gian và công sức để chinh phục tự nhiên, nhưng đối với nhận thức về bản thân mình thì vẫn còn rất nông cạn, ví dụ như một chiếc phi cơ 747 có tới 5000 nhà máy trên toàn thế giới hợp tác sản xuất, gồm 600 vạn linh kiện cấu thành, một con số thật kinh người, nhưng trong một tế bào của người có tới 100 nghìn gien, lớp da đầu của con người có khoảng 100 tỷ tế bào. Có thể thấy, sự phức tạp của con người nhiều hơn chiếc máy bay cả vạn lần. Vì thế con người cần phải biết tôn trọng giới tự nhiên.

Sức khỏe rất khó tái sinh và không thể tái sinh, mội khi đánh mất sức khỏe, khoa học cho dù tiên tiến thế nào cũng không thể giúp lấy lại trạng thái ban đầu. Có hàng núi tiền cũng không thể mua được sức khỏe.

 Tuổi thọ sinh lý của con người là bao nhiêu

Theo sự suy tính của khoa học, tuổi thọ sinh lý của con người so với tuổi thọ thực tế hiện nay cao hơn rất nhiều. Vậy thì tuổi thọ sinh lý của con người phải là bao nhiêu?

Căn cứ vào nguyên lý của sinh vật học, tuổi thọ của những loài động vật được nuôi bằng sữa mẹ dài gấp 5 – 6 lần thời kỳ chúng sinh trưởng. đối với con người, giai đoạn cuối cùng của thời kỳ sinh trưởng là lúc mà chiếc răng sau cùng nhú lên (khoảng 20 – 25 tuổi). Theo tính toán này, tuổi thọ của con người phải là 6 x 25, tức là khoảng 150 tuổi; nếu thấp nhất thì cũng là 5 x 20, tức là 100 tuổi, đây là tuổi thọ sinh lý mà giới tự nhiên ban cho chúng ta.

Tuy nhiên, để đạt được con số đó, trước tiên bạn cần biết quan tâm và yêu mến bản thân mình chứ không nên để đến lúc chính mình phải thương hại mình, có nghĩa là bạn cần phải có sức khỏe tốt. Nhưng mà như thế vẫn chưa đủ, bạn cũng cần phải biết sống vui vẻ, bởi vui vẻ là một cảnh giới tối cao của cuộc đời. Buổi sáng mỗi ngày khi bạn mở mắt ra, vầng thái dương đều như mới, tâm tình thấy thật tốt đẹp, cuộc sống dường như vô cùng viên mãn.

Sức khỏe và niềm vui, đó là sự theo đuổi đáng giá nhất của con người; sống khỏe đến 100 tuổi, mục tiêu của mỗi người đều có thể trở thành hiện thực.

 Sinh mệnh đẹp nhất lúc tiêu vong

 Sinh lão bệnh tử cũng giống như xuân hạ thu đông, đều là quy luật của tạo hóa, nhưng cách thức tiêu vong không giống nhau. Một dạng là tiêu vong một cách tự nhiên, một dạng thì phải trải qua bệnh tật đau khổ rồi mới tiêu vong. Phải làm sao để tiêu vong một cách tự nhiên?

Tự nhiên tiêu vong theo một chương trình, giống như hoa mùa xuân tàn héo, cây mùa đông rụng lá, đây là sự tiêu vong không có bệnh tật, đau khổ, không có căm ghét, qua đi nhẹ nhàng như giấc mộng. Nhưng mà hầu hết con người chúng ta đều do bệnh tật mà tiêu vong, tức là tiêu vong sớm hơn giới hạn mà tự nhiên trao cho chúng ta, sự tiêu vong này cũng giống như cái cây trải qua mưa bão bị quật ngã, bị sâu bệnh gây tổn hại, bị cái nắng của mùa hè làm khô héo mà chết. đối với con người thì đây là nỗi thống về thể xác, là sự đày đọa về tâm hồn, ở tuổi 70, 80, cả thể xác và tâm hồn bị hành hạ. 

Mỗi người đều mong muốn được chết một cách nhẹ nhàng, thế nhưng tình trạng phổ biến trong xã hội ngày nay lại là chết do bệnh tật, một sự tàn lụi sớm, chết sớm, nguyên nhân nằm ở đâu? đó là do chúng ta đã quay lưng với quy luật của tự nhiên, quay lưng với quy luật của cuộc đời, hay cũng có thể nói, chúng ta quay lưng với cách sống khoa học.

Tôi có một bệnh nhân ở tuổi 36, 13 tuổi đã bắt đầu hút thuốc, tuổi hút thuốc là 23 năm, tuổi uống rượu là 18 năm, tuổi đánh bạc là 5 năm. Kết quả mới 36 tuổi, 3 lần huyết quản bị tắc nghẽn, cơ tim bị xơ cứng. Căn bệnh của anh ta là do phàm ăn, uống rượu, hút thuốc, cờ bạc mà ra. Bệnh tật là do anh ta tự tìm đến với nó.

 Vì thế, nếu bạn không biết yêu bản thân mình, thế thì không ai có thể  cứu được bạn.

 Một người nếu như giỏi đối đãi với sinh mệnh, sinh mệnh sẽ luôn mỹ miều như hoa nở mùa xuân, như ánh trăng mùa thu, sẽ thuận theo quy luật tự nhiên, tiêu vong một cách tự nhiên, không phải chịu bệnh tật, đau khổ, oán hờn.

 Ba cửa ải cuộc đời, mấu chốt ở tuổi trung niên

 Tại sao kinh tế phát triển, tiền nhiều, cuộc sống vật chất được nâng cao, vậy mà nhiều người lại chết rất sớm? Có người cho rằng, hiện nay tim, não, huyết quản bệnh tật nhiều, khối u nhiều, bệnh tiểu đường nhiều, tất cả đều là do kinh tế phát triển, cuộc sống vật chất quá thừa thãi mà sinh ra. Hoàn toàn sai!

Những nghiên cứu cho thấy: những loại bệnh này không phải do văn minh vật chất tạo thành, mà là do thiếu kiến thức về sức khỏe, do đó người mắc bệnh càng ngày càng nhiều. Nếu như chúng ta biết nâng cao sự hiểu biết về vệ sinh, biết bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, thế thì sức khỏe của chúng ta sẽ càng có điều kiện để nâng cao đi cùng với sự phát triển về kinh tế, chứ không thể là bệnh tật nhiều.

Chỉ cần chúng ta bắt đầu từ ngay độ tuổi thanh thiếu niên, thực hiện phương châm sống văn minh, sống khỏe, đến tuổi trung niên sẽ có sức khỏe cường tráng, mùa xuân của sức khỏe sẽ mãi mãi đi cùng chúng ta.

Do đó, việc đề phòng “trở thành bệnh nhân” cần phải bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhân tố di truyền không thể thay đổi được, nhưng thói quen sống khoa học có thể bù đắp lại, tăng cường khả năng phòng tránh bệnh, hạn chế được nguy cơ “trở thành bệnh nhân”. Một bệnh nhân còn nhỏ, chỉ mới học tiểu học mà đã bị cao huyết áp là rất nguy hiểm. Các bậc cha mẹ nên biết, những loại bệnh như cao huyết áp, liệt não, mạch vành tim…, biết dự phòng ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng, bởi vì quá trình tích lũy các loại yếu tố nguy hiểm theo thời gian sẽ tăng lên, dẫn đến tính nguy hiểm ngày càng tăng cao. Vì thế, cửa ải thứ nhất là ở tuổi nhi đồng.

Cửa ải thứ hai là thời kỳ phát triển nhanh chóng ở tuổi trung niên, đối với nam giới thì giai đoạn tiến triển nhanh nhất là từ 30 – 39 tuổi, nữ giới là từ 40 – 49 tuổi. đây là thời kỳ mà cuộc sống phải chịu nhiều áp lực lớn, rất nhiều người trung niên cảm thấy mình không có bệnh tật gì, tự cho rằng cảm giác của mình không bao giờ sai, đây chính là một sai lầm, nhất định không thể sống dựa vào cảm giác được. Thời kỳ này kéo dài khoảng 10 năm, trong cả cuộc đời thì đây là thời kỳ mà tốc độ xơ cứng động mạch diễn ra với tốc độ nhanh nhất, vì thế cũng là thời kỳ tốt nhất để phòng ngừa bệnh xơ cứng động mạch. Nên tận lực chăm sóc cho sức khỏe để trì hoãn tiến trình xơ cứng động mạch, nhất định không nên quá lạm dụng sức khỏe, tằn tiện tiền bạc.

Cửa ải thứ ba là thời kỳ phát bệnh ở tuổi trung lão niên. điều quan trọng nhất ở thời kỳ này là đề phòng những nhân tố gây bệnh, nguyên nhân phát bệnh, nhất định không nên quá buồn rầu hay quá xúc động, dùng sức quá độ, hay đột nhiên thay đổi tư thế của cơ thể?

Nếu muốn sống vui khỏe đến 100 tuổi, điều quan trọng là trước 60 tuổi không có bệnh; nếu muốn trước 60 tuổi không có bệnh, điều quan trọng là phải biết chăm sóc tốt cho sức khỏe trong giai đoạn 20 năm: đối với nam giới là giai đoạn từ 30 đến 50 tuổi, đối với nữ giới là giai đoạn từ 40 đến 60 tuổi. 

Tác giả: Hồng Chiêu Quang
Dịch giả: Đoàn Đức Thanh
Sưu tầm - dienchanviet.com