Tư liệu -09- Chẩn đoán về huyết và khí
Lương y Tạ Minh.
I/- CHẨN ĐOÁN VỀ HUYẾT
Theo nhận định riêng của tôi, huyết không chỉ là máu, là hồng cầu, tiểu cầu màu đỏ mà bạch cầu, huyết tương và các vi chất cần thiết trong một cơ thể bình thường cũng thuộc huyết.
Chẩn đoán về huyết cần tổng hợp các khía cạnh sau:
1) Màu sắc của niêm mạc mắt và lưỡi (chất lưỡi): hồng đều là tốt. Niêm mạc mắt và môi quan trọng hơn vì có khi chất lưỡi biểu hiện bệnh lý của tim. Cần xem xét niêm mạc của trẻ khoảng từ 5 – 17 tuổi khỏe mạnh mà ta biết để lấy chuẩn. Về môi thì xem phía trong môi nơi tiếp xúc với răng lợi (nướu). Về mắt thì chia làm hai phần trong và ngoài của mặt trong mí mắt. Màu hồng phải trải đều. Nếu có ẩn màu vàng là có thấp, ẩn màu nâu là thiếu oxy, có tia máu là có huyết ứ. Nhạt hay trắng là huyết suy. Trong nhạt ngoài hồng là chỉ thiếu máu. Trong nhạt ngoài đỏ là thiếu máu có hư nhiệt. Đỏ toàn bộ thì hoặc thực nhiệt (bàn chân ấm) hoặc thượng nhiệt hạ hàn (bàn chân lạnh). Với trường hợp này sau khi giải quyết hiện trạng bệnh xong (do thực nhiệt hoặc do thượng nhiệt hạ hàn) ta cần xét lại mí mắt để biết tình trạng thật của huyết.
2) Màu sắc của da, độ tươi nhuận của da, màu sắc các móng tay chân. Màu sắc các nơi này cần hồng nhuận tươi bóng và thuần màu.
3) Đo huyết áp xem trị số và quan sát khoảng lui kim, tốc độ lui kim: thiếu máu khi huyết áp tâm thu từ 100 trở xuống kèm theo hiện tượng độ lui kim ít hơn 2 mmHg (1 nấc trên mặt đồng hồ) nhưng cũng có khi kèm thêm khí kém (chức năng kém) hay dương kém (sợ lạnh, thiếu sức bền). Có phối hợp với các yếu tố kể trên. Cần xem thêm bài “Cách đo huyết áp” trong “Các bệnh thường gặp”.
4) Xem mạch: thuộc kiểu mạch tiểu (nhỏ), mạch vô lực.
5) Xem xét về hiện trạng Thể dịch. Việc này cần tham khảo các xét nghiệm Cận lâm sàng.
Tổng hợp các yếu tố trên xong, phân tích để quyết đoán về huyết ở tình trạng nào: tổng lượng máu, thành phần máu, có tạp chất hay không, các nội tiết tố (cần xét nghiệm).
II/- CHẨN ĐOÁN VỀ KHÍ
Đông y mô tả Khí khá phức tạp và là thành phần vô hình, chỉ nhận biết mà không thấy được. Chữ Khí của Đông y bao gồm khí trời, khí của thức ăn và khí trong cơ thể. Chúng thường được đề cập một cách hồn nhiên nên đôi khi gây hoang mang khó hiểu cho người mới học. Tuy nhiên theo tôi, nếu nói về Khí trong cơ thể thì Khí là chức năng các hoạt động của các cơ quan. Còn khí thiên nhiên do cơ thể hấp thu và sử dụng thì cần quy về thành phần của Thiên khí. Nói theo cách “Tây y” thì Khí là hệ thần kinh của bệnh nhân. Thí dụ: Phế khí suy là chức năng hô hấp kém, Vị khí dương suy là chức năng co bóp và Vị khí âm suy là chức năng tiết dịch vị của dạ dày kém, Đại trường khí suy là chức năng truyền tống kém (nhu động ruột) làm cho bón……v.v.. Tương tự ta có khí toàn thân suy tổng quát là Nguyên Khí (Chân khí) suy là chức năng hoạt động thần kinh của toàn thân kém làm cơ thể lười nhác, uể oải, thiếu linh hoạt. Điều này thể hiện qua trạng thái hoạt động toàn thân và vẻ linh hoạt của mặt và mắt; trường hợp này thường được Tây y chẩn đoán là suy nhược thần kinh, là trầm cảm.
Đối với các tạng phủ thì xem xét dựa theo sinh lý của chúng để đánh giá. Với người giỏi mạch thì việc chẩn đoán về khí không khó. Nhưng nếu không biết xem mạch thì với việc phát huy cách đặt câu hỏi khéo léo cộng với sự quan sát bằng mắt, óc suy luận, dựa trên hiện tượng khác với sinh lý bình thường của tạng phủ ta vẫn có thể chẩn đoán về khí cũng không mấy khó khăn (bệnh lý chính là sự khác thường của sinh lý).
Điểm khác biệt giữa Dương suy và Khí suy là: Dương hư luôn có sợ lạnh, thiếu sức bền mặc dù vẫn siêng năng tích cực. Còn Khí suy thì không sợ lạnh, chỉ lười uể oải nhưng khi bị ép buộc thì sức làm việc vẫn bền bỉ. Muốn phân biệt Dương và Khí thì cần đặt câu hỏi theo hướng này.
Tóm lại, để dễ hiểu theo ngôn ngữ hiện đại, theo tôi thì khí là thần kinh, huyết là thể dịch của cơ thể.
Bài viết này là kinh nghiệm thực tế và không theo hẳn Đông y mà có đối chiếu với Tây y. Do đó sẽ hơi khác với các tài liệu Đông y đã có.
TP. Hồ Chí Minh, 1993.