Tư liệu -14- Nguyên tắc chung chẩn trị chứng đau nhức
Lương y Tạ Minh.
Đau nhức là một triệu chứng rất thường gặp. Với Tây y, đây là một vấn đề khá lớn và phức tạp đến nỗi hiện nay người ta phải lập ra chuyên khoa đau nhức song song với các khoa khác đã có. Nói theo cách thông thường ta có nhiều nguyên nhân gây đau: sự nhiễm lạnh gây co cơ hoặc co mạch, khối u chèn ép, cục máu đông hay mãng xơ vữa mắc kẹt lại, sự thiếu máu cục bộ tại một cân cơ nào đó, một chấn thương. Tất cả những thứ đó đều có thể gây đau.
Với DC-ĐKLP thì việc giải quyết các chứng đau nhức tương đối tốt. Chủ yếu cần phán đoán bệnh do hàn hay nhiệt, có nguyên nhân cơ năng hoặc biến đổi thực thể. Luôn luôn cần phản chiếu hay đồng ứng nơi bị đau, có khi cần phải dùng đến hệ kinh mạch của Thể châm.
- Do hàn hay nhiệt: thường đột ngột, thất thường, đau tăng khi gặp yếu tố thuận, giảm khi gặp yếu tố nghịch. Hiệu quả điều trị rất cao và triệt để. Thỉnh thoảng có những trường hợp quá nặng điều trị không hiệu quả thì nên chuyển bệnh, thường là phải dùng thuốc tây thật mạnh chích thẳng vào nơi đau mới êm!! Gần đây có cây Hoàn ngọc (cây con khỉ) có tính giảm đau khá mạnh, có thể dùng 5 – 7 lá tươi cũng hiệu quả. Điều trị: hàn thì làm ấm, nhiệt thì làm cho mát.
- Do viêm nhiễm: đau cố định, kèm sốt. Đau tăng dần theo thời gian. Bộ Tiêu viêm làm chủ lực.
- Do tắc mạch: cũng đột ngột nhưng triệu chứng hàn nhiệt không rõ ràng, có điểm đau trên cùng và đau dọc theo đường dưới hoặc ngoài trọng điểm này, có khi kèm theo tê dại yếu sức. Bộ Tiêu viêm khử ứ làm chủ lực.
- Do khối u: cố định, khởi đầu khá mơ hồ như chỉ ê ẩm, từ từ đau tăng dần theo thời gian, không sốt. Nhưng cũng có thể đột ngột khi gặp u ác tính. Bộ Tiêu viêm làm chủ, phản chiếu khối u, lọc thấp. Ta điều trị tốt những trường hợp u mềm. Các u thuộc loại xơ cứng thì hiệu quả không cao và có hạn chế. Muốn biết chính xác thuộc loại nào thì phải nhờ cận lâm sàng. Theo tôi trường hợp u xơ nên ưu tiên cho phẫu thuật nếu không có gì đặc biệt. Hiện nay ngành phẫu thuật đã có những tiến bộ vượt bậc cần tận dụng. LƯU Ý: Không phải chúng ta không trị được bệnh này nhưng kết quả hơi thất thường và đây là loại bệnh có nhiều bất trắc, lại khó chẩn đoán bằng lâm sàng. Vì vậy hướng dẫn bệnh nhân theo Tây y để chẩn đoán là điều nên làm. Vì một khối u có thể là lành tính mà cũng có thể là ung thư, chỉ có thể xác định bằng các biện pháp cận lâm sàng.
- Do thiếu máu cục bộ: triệu chứng y như do lạnh nhưng nhẹ nhàng, thường xuất hiện vào sáng sớm khi vừa thức giấc, giảm dần trong ngày. Tổng thể thường bị thiếu máu. Điều trị: dùng bộ Bổ Âm huyết và phản chiếu. Trường hợp này có khi do nghẽn mạch nhẹ ở vị trí trên nơi bị đau, cần cảnh giác.
- Do chấn thương: điều trị: Bộ Tiêu viêm khử ứ, Tiêu viêm, phản chiếu, lọc thấp.
Trong việc tìm phản chiếu nơi có bệnh, thông thường dùng hệ phản chiếu trên mặt. Chỉ khi trên mặt không có sinh huyệt hoặc có mà không hiệu quả ta mới nên tìm ở các hệ phản chiếu bàn tay, bàn chân, lưng, bụng. Nếu vẫn không như ý, ta vận dụng thuyết Đồng Ứng, Lân cận, Đối xứng…… để tìm sinh huyệt. Nguyên tắc là như thế, nhưng nếu các bạn muốn nhanh thì áp dụng bài viết “Làm sao để đạt tứ đắc” và “Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt DC” của tôi thì việc tìm sinh huyệt phản chiếu nơi có bệnh sẽ nhanh gọn hơn và kỹ thuật tác động sẽ tốt hơn./.
TP. Hồ Chí Minh, 1993