In bài này

Lương y Huỳnh Thị Lịch – Người khai sáng Thập Chỉ Đạo Việt Nam

Lương y Huỳnh Thị Lịch là người sáng lập ra phương pháp Bấm huyệt Thập Chỉ đạo hay còn gọi là Thập Thủ đạo (Thập Chỉ Liên Tâm). Suốt mấy chục năm làm nghề lương y, chuyên trị bấm huyệt theo phương pháp Thập chỉ đạo, bà đã điều trị cho hàng vạn bệnh nhân và đào tạo hàng nghìn học trò theo phương pháp này. Bà đã chữa dứt điểm hoặc tạo tiến triển tốt đối với nhiều loại bệnh, đặc biệt là 5 loại bệnh: câm, mù, bướu, liệt, suyễn… Lương y Huỳnh Thị Lịch được ca ngợi là "thần y" bấm huyệt chữa được rất nhiều bệnh cho mọi người. 

Lương y Huỳnh Thị Lịch
Lương y Huỳnh Thị Lịch

Bà Huỳnh Thị Lịch tên thật là Trần Thị Kim Thanh (1927-2007), quê bà ở vùng Ý Yên,Nam Định. Theo bà, phương pháp này do cha nuôi, người Pakistan truyền dạy (phương pháp này đã được người Ai Cập cổ đại phổ biến trong các hình vẽ). Sau đó, với nhiều năm thực nghiệm đã giúp bà sáng tạo ra phương pháp bấm huyệt ngày càng độc đáo.

Ngay từ nhỏ, cô bé Thanh đã gặp cảnh éo le. Mẹ mất sớm, cha lấy vợ hai, người thân đói khát, bỏ làng bỏ xứ đi cả. Bé Thanh bơ vơ, không ai nuôi dưỡng. Chỉ nghe kể rằng, làm công nhân cao su sẽ có miếng ăn, cô bé Thanh 11 tuổi, đã tìm đường vào Nam. Tuy nhiên, đồn điền cao su chẳng nhận cô bé đen nhẻm, còi cọc, Thanh đành tìm về Sài Gòn xin ăn.

Trong một lần đi xin ăn, Thanh đã gặp một võ sư người Bình Định, lập nghiệp ở Bình Dương, với một lò dạy võ nổi tiếng. Võ sư họ Huỳnh gốc Bình Định đem Trần Thị Kim Thanh về nuôi dưỡng. Thấy cô bé giúp việc có vẻ mê võ thuật, võ sư họ Huỳnh đã cho Thanh học võ sau giờ làm. Vị võ sư này đã hết sức ngạc nhiên bởi sự tiếp thu võ thuật rất tốt của Thanh, ông dạy đến đâu, Thanh học được đến đó.

Võ sư họ Huỳnh rất quý Thanh, đã nhận làm học trò, sau đó nhận con nuôi. Ông đã đổi lại tên cho con nuôi. Từ đó, Trần Thị Kim Thanh có tên là Huỳnh Thị Lịch, tức mang họ của vị võ sư. Chính vì được học võ thuật kỹ lưỡng nên bà hiểu rất rõ kinh lạc trên cơ thể người.

Sau khi rời võ đường của võ sư họ Huỳnh ở Bình Dương, bà tham gia công tác từ thiện của một đoàn bác sĩ người Pháp ở Sài Gòn. Bà được một bác sĩ Pháp nhận vào làm tại Bệnh viện Hỏa Xa.Năm 18 tuổi, Lịch gặp anh thanh niên tên Trần Văn Hải, người Củ Chi. Hai người yêu nhau, muốn xây dựng gia đình. Không được gia đình chấp nhận, ông Hải đã bỏ nhà ở riêng với người yêu. Ông Hải xin làm công nhân trong nhà máy sản xuất đèn. Hai người được cách mạng cảm hóa, nên đã theo Việt Minh, hoạt động bí mật trong lòng địch.

Năm 1948, ông Hải đã hy sinh anh dũng khi làm chiến sĩ quân báo, để lại 3 đứa con cho bà Lịch nuôi dưỡng. Không may thay, bi kịch liên tiếp xảy đến với người đàn bà bất hạnh này. Trong quá trình tiếp tục hoạt động cách mạng, lần lượt cô con gái 13 tuổi và 2 đứa con trai còn nhỏ xíu đã lần lượt qua đời.

Thảm kịch kinh hoàng khiến bà Lịch tưởng như không gượng dậy được. Bà về Sài Gòn, lang thang các con phố như người mất trí, miệng gọi tên con. Trong lúc đi lang thang, bà gặp lại vị bác sĩ người Pháp. Ông bác sĩ tốt bụng này đã đưa bà về nhà chăm sóc, điều trị. Để bà quên đi nỗi đau quá lớn, bác sĩ này đã đưa bà sang Pháp, giúp việc cho gia đình này.

Ở nhà vị bác sĩ người Pháp này một thời gian, bà quyết tâm chu du thiên hạ. Biết tiếng Pháp, lại chăm chỉ, nên bà dễ dàng kiếm được việc làm. Cứ có tiền, bà lại lên đường tìm đến vùng đất mới. Sau mấy năm lưu lạc, thì bà dạt tới tận biên giới Ấn Độ, giáp Pakistan. Tại đây, bà gặp một đạo sĩ, sống trong một ngôi chùa trong núi. Vị đạo sĩ này có khả năng bấm huyệt kỳ tài.

Hàng ngày, đạo sĩ bấm huyệt cho rất nhiều người. Bà Lịch vừa phụ giúp ông, vừa học tập cách bấm huyệt. Môn bấm huyệt của ông có tên là Thập thủ đạo, tức là phương pháp bấm huyệt dựa vào kinh mạch trên 10 ngón tay, chân. Ông đã giúp hàng ngàn người đang câm tự dưng bật ra tiếng nói, đang điếc bỗng nghe được, thậm chí đang chống nạng thì bỏ nạng, ngồi xe lăn thì đứng lên đi… Thấy môn bấm huyệt này rất thần thông, bà Lịch chuyên tâm học hỏi. Vừa học vừa thực hành, nên bà Lịch nắm bắt rất nhanh, có khả năng bấm huyệt trị được nhiều thứ bệnh.

Năm thứ 12, biết mình không sống được nữa, vị đạo sĩ này gọi bà Lịch đến răn dạy và trao lại tập tài liệu cho học trò. Ngay đêm hôm đó, vị đạo sĩ người Pakistan trút hơi thở cuối cùng. Chỉ một năm sau, vừa tự học, vừa trị bệnh, bà đã cũng đã trở thành thần y bấm huyệt nổi danh khắp vùng, là truyền nhân duy nhất của vị đạo sĩ bí ẩn được tôn xưng như thánh ở biên giới Ấn Độ. Luyện được công năng đặc dị của môn bấm huyệt Thập thủ đạo của vị đạo sĩ người Pakistan ẩn tu ở Ấn Độ, bà Huỳnh Thị Lịch tìm đường về nước. Từ đó, dù trải qua nhiều khó khăn, bà vẫn tiếp tục tìm tòi, chữa trị miễn phí cho người bệnh và dạy lại cho các học trò của mình. Những căn bệnh tưởng như vô phương cứu chữa đã được bà Lịch chữa khỏi. Vượt lên trong những thăng trầm, mười ngón tay của người chủ trì phương pháp Thập thủ đạo vẫn luôn lan toả dịu dàng và mãnh liệt. Sự lan tỏa từ một tâm thế vị tha sâu sắc của một người đàn bà đã hành trình suốt gần một trăm năm của một đời người.

Có thể nói, bà Huỳnh Thị Lịch là “thần y” bấm huyệt bí ẩn nhất Việt Nam do không tiếp xúc với giới truyền thông. Bà để lại di sản kiến thức bấm huyệt đồ sộ, nhưng gần như chưa được nghiên cứu, áp dụng môn bấm huyệt này rộng rãi, trị bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân. 

(Nguồn: hotrosuckhoe.vn)
-----------------------------------

Lương y Huỳnh Thị Lịch – Thập chỉ đạo, tảo tần, dâng hiến

Thập Chỉ Đạo - Lời tri ân từ bao cảnh ngộ…

1. Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM.), ngày 2/5/2003

Thư cảm tạ
Kính gửi: Lương y Huỳnh Thị Lịch
Kính thưa Lương y
Tôi tên là Nguyễn Hữu Thành, địa chỉ: 216C/10 đường Huỳnh Văn Bánh, phường 11, quận Phú Nhuận, số điện thoại 8448129, có 2 đứa con trai tên là Nguyễn Hữu Khánh Trình, 9 tuổi, Nguyễn Hữu Nhật Nguyên, 7 tuổi. Hai con tôi bị bệnh chậm nói từ bé, 6 năm nay tôi đã chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện Chợ Quán đến Bệnh viện Y học dân tộc TP.HCM, châm cứu nhưng không có kết quả, cháu vẫn chưa nói được, 6 năm nay tôi chịu nhiều công sức tốn kém và đau buồn vô cùng.

May thay, nhờ ơn trời, cách đây 1 tháng, qua giới thiệu, tôi được Lương y Huỳnh Thị Lịch nhận lời chữa cho con tôi, thật là kỳ diệu, chỉ với đôi bàn tay vàng của Lương y, không cần thuốc men, dụng cụ… các con tôi đã chuyển biến rất tốt chỉ sau 1 tháng điều trị.

Cháu lớn tên Trình đã bớt nóng tính và biết nghe lời dạ thưa. Cháu nhỏ tên Nguyên đã biết dạ thưa và biết nói các từ như là: chùa, ba bà, cô, chờ…

Tôi vui mừng khôn xiết và xin chân thành tri ân Lương y Huỳnh Thị Lịch đã không quản tuổi già sức yếu đã bỏ công chữa chạy cho con tôi mà không đòi hỏi điều kiện gì. Bà chữa cho 2 cháu biết nói, biết đi học thì chẳng khác nào bà đã cứu sống cháu, sau này khi lớn lên, lấy vợ, đẻ con, gia đình cháu mai sau sẽ mãi mãi nhớ đến ơn bà.

Xin cầu chúc cho Lương y nhiều tuổi thọ để cứu nhân độ thế.

Xin các cấp chính quyền tạo điều kiện để Lương y Huỳnh Thị Lịch được giúp đời nhiều hơn nữa.

Một lần nữa, gia đình chúng tôi xin tri ân bà, kính chúc bà được Đại Thượng Thọ và nhiều sức khoẻ để giúp cho đồng bào…

Vào lúc 6h45 phút sáng ngày 25-6-2003, người viết bài này đã có cuộc trao đổi trên điện thoại với anh Nguyễn Hữu Thành, tác giả của lá thư trên, để biết thêm diễn biến mới nhất về bệnh tình của hai cháu Trình, Nguyên. Và được nghe anh thông báo: Thằng lớn con tôi, thằng Trình, giờ này thuần tính hơn một bước nữa và nói được 3 từ đầu tiên: ba, cơm, đi. Thằng nhỏ, thằng Nguyên, nói thêm được nhiều từ, lanh lợi hơn và nhớ dai hơn. Tôi vẫn đưa con đi chữa bệnh hàng ngày ở bà Lịch. Bà cũng yếu lắm rồi, bà mà mất đi thì nhà tôi khổ lắm, không biết trông cậy vào đâu. Tôi chạy khắp nơi bệnh viện và y học hiện đại rồi, cả cổ truyền nữa, không nơi nào trị được. Lúc mới đưa hai cháu vô, bà nói ngay nguyên nhân là trước đây uống nhầm thuốc. Khi đó, tôi không nhớ ra uống nhầm thuốc lúc nào. Sau đó, có một người bạn bác sĩ bên Mỹ về nước, đi cùng với một bác sĩ người Mỹ, tới thăm tôi và các cháu. Bác sĩ người Mỹ này nói rằng, ở Mỹ cũng đang xem xét lại việc chích ngừa cho trẻ em, vì đã có một số trẻ bị phản ứng thuốc. Có thể hai cháu cũng rơi vào trường hợp phản ứng này. Anh biết, từ hồi trước, thương và lo cho các cháu nhiều, nên cứ có loại chích ngừa nào mới xuất hiện là tôi cho các cháu đi chích ngay, có ai ngờ đâu… Lúc nhận bệnh, bà Lịch nói rằng bà phải xem kinh mạch cháu thế nào, xem nó lè được lưỡi ra thì mới chữa được. Lúc đầu, lưỡi cháu vẫn chưa lè ra. Đến lúc, bà bấm ở đầu gối, lưỡi cháu đột nhiên lè ra, bà mừng quá, chảy nước mắt… Con tôi, rồi tôi phải lạy bà thôi…

2. Đỗ Mạnh Hùng, sinh năm 1928, địa chỉ: số 14 Nguyễn Ngọc Phương, phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hay bị chuột rút. Qua điều trị, mảnh đạn trong 2 chân lòi ra 14 mảnh nhỏ.

3. Anh Minh, con tướng Chi, Hà Nội. Bệnh tê liệt, ngồi xe lăn. Điều trị hơn 1 năm, đi lại được.

4. Bà Trương Thị Đông, 74A Nguyễn Thông, quận 3, TP.HCM, u vú phải, sưng to. Điều trị 2 tháng, hết khối u, bệnh nhân trở lại bình thường.

5. Bà Bùi Thị Loan, sinh năm 1946, số nhà 21 đường Gò Công, phường 13, quận 5. TP.HCM, tự kể ngày 17/8/1995, viết trong hồ sơ lưu: Tôi nằm viện u bướu Nguyễn Văn Học (số hồ sơ 371). Tôi nằm gần 3 tháng, cũng nhờ tập thể y bác sĩ tận tình giúp đỡ nên sau khi điều trị để theo dõi thì bệnh ổn định, không bị mổ. Tôi mừng vô cùng. Ra viện được hơn 1 năm, tôi đau lại toàn thân, có lúc nửa thân bên phải và đầu đau không chịu được. Vào bệnh viện Nguyễn Trãi, bệnh viện u bướu, lại kêu là phải mổ mới có thể đỡ. Tôi sợ quá, ai chỉ đâu hay tôi cũng đến, nhưng không đỡ. Đến năm 1994, tôi kiệt sức và mất tinh thần, chán, không còn hướng để chữa, lúc này 1 tuần tôi đi cầu 1 lần mà phải dùng thuốc bơm vào hậu môn mới được, không muốn ăn uống gì, rất buồn. Đến tháng 4/1995, bệnh phát nặng (nửa đầu và thân bên phải tôi tê, cổ to dần và tiếng nói không ra, chỉ nói bằng hơi). Tôi đi châm cứu 2 tháng không đỡ. Tôi nghĩ cũng rất hên, gặp người biết bà thầy chữa bệnh tài giỏi, 6/7/1995, đưa tôi đến. Bà thầy coi bệnh nói tôi bị bệnh trên 10 năm (nói đúng như bệnh tôi nói trên), tôi quá nhiều bệnh trong mình và thầy nhận bệnh. Tôi mừng quá, sau hôm đó, tôi về nhà đi cầu được, và thoải mái mỗi ngày một lần. Cho tới nay, tôi không đau đầu như trước nữa, cổ tôi mềm và nhỏ dần, tay chân tôi cử động dễ hơn, nay tôi nói ra tiếng rõ bình thường rồi. Mới hơn 1 tháng mà bệnh đỡ nhiều. Tôi rất mừng và cám ơn bà thầy. Tôi đi chữa rất nhiều nơi, chưa có một người thầy nào thương bệnh nhân như vậy, mà lại chữa từ thiện, động viên bệnh nhân, không kể dơ bẩn, nhất là tuổi đã 80, mà bà thầy vẫn tỉnh táo, nâng niu tay chân…

Bí quyết Thập chỉ đạo

Lương y Huỳnh Thị Lịch cùng tác giả bài viết
Lương y Huỳnh Thị Lịch tiếp chuyện tác giả bài viết.
Sinh năm 1917, theo cách tính tuổi truyền thống, năm nay Lương y Huỳnh Thị Lịch đã 87 tuổi. Hành nghề từ thời chế độ Sài Gòn cũ đến nay, không ít lần vì sự đố kỵ của một số người theo tây y, sự áp đặt của cơ chế, sự cạnh tranh ác ý của một số cá nhân và cơ sở điều trị khác, bà đã không được yên ổn hành nghề, thậm chí đã phải phiêu bạt khắp nơi. Nhưng ý chí sống cống hiến của bà không tắt, dòng chảy Thập chỉ đạo không hề vơi cạn. Chỉ, theo một nghĩa của tiếng Hán, nghĩa là ngón tay, ngón chân. Mười đường kinh đi từ 10 đầu ngón tay, ngón chân là cơ sở cốt lõi của phương pháp Thập chỉ đạo. Để góp phần hoá giải những băn khoăn, vén bức màn tưởng chừng huyền bí quanh việc chữa bệnh từ xưa đến nay của bà, xin mời bạn đọc dõi theo phần nói về những bí quyết của phương pháp Thập chỉ đạo này.
Theo bác sĩ Hồ Kiên, cho tới nay, chưa tìm được tài liệu nào chính thức xác nhận cơ sở lý luận của nó. Khoảng năm 1973, một học trò của bà Lịch là tu sĩ Hoàng Tam khi đó còn sống đã cố gắng giúp bà Lịch đúc kết từng kinh nghiệm chữa bệnh của bà và phác họa ra mười đường kinh của phương pháp Thập chỉ đạo. Anh làm việc đó với sự trực tiếp tham gia ý kiến của bà và được ghi lại trong tài liệu chép tay. Ngay lúc đó, anh Tam cũng đã nghĩ rằng việc bấm huyệt nhẹ nhàng theo tần số nhất định, sẽ tạo ra những xung động hưng phấn đối với các dây thần kinh, các Synac thần kinh sẽ có thể hoạt hoá trở lại nhờ ở sự kích thích tiết ra các chất hoá học trung gian dẫn truyền xung động các Synac đó. Theo bà Lịch và anh Tam, 10 đường kinh đi từ đầu 10 ngón tay, ngón chân gọi là 10 đường kinh của Tam Tinh (mặt, bụng, ngón) và Ngũ Bội (mặt lưng, có móng của ngón tay, chân).

I. Ngũ bội, tam tinh tay Thập chỉ đạo:

Ngón 1 (cái): Từ đầu ngón theo động mạch quay lên khuỷu tay nách, từ nách chia làm hai nhánh: nhánh thanh quản, vùng mặt và nhánh xuống vùng ngực.Ngón 2 (trỏ): Từ ngón trỏ lên cổ tay, ra mặt ngoài cánh tay, lên hố xương đòn và cổ.Ngón 3 (giữa): Từ ngón giữa, mặt ngoài cánh tay, qua nách vào ngực, hướng vào tim.Ngón 4 (nhẫn): Từ ngón áp út dọc giữa cẳng tay, qua khuỷu tay lên vai, cổ, mặt và não bộ.Ngón 5 (út): Từ ngón út dọc cánh tay vòng qua sau vai, thẳng lên gáy, dọc qua tay lên đầu.

II. Ngũ bội, tam tinh chân Thập Chỉ Đạo:

Ngón 1 (cái): Từ ngón cái tới trước mắt cá trong, lên đùi, bộ phận sinh dục, lên vùng ngực, qua miệng, mũi, mắt.Ngón 2 (trỏ): Từ ngón 2 đi dọc bàn chân, lên đầu gối cạnh sườn, cột sống lưng, chia làm hai nhánh: Một nhánh vào háng, bộ phận sinh dục, phân bố ở bụng, lên cổ, mép miệng, xương gò má, mũi và vùng ở trước tai. Một nhánh từ háng sang chân bên kia.Ngón 3 (giữa): Từ ngón giữa tới mu bàn chân, đầu gối, đùi, bụng, lên ngực, qua hoành cách mô, hướng về tim.Ngón 4 (áp út): Từ ngón áp út tới mắt cá ngoài, đầu gối, háng, qua mặt tiếp đùi, qua xương cùng, lên cạnh sườn, vùng vú nách, lên tai, trán, đỉnh đầu, xuống hàm lại lên má cạnh mũi, tới đây có một nhánh về đôi mắt.Ngón 5 (út): Từ ngón út tới mắt cá ngoài lên đầu gối, qua phần ngoài cẳng chân, lên mông, dọc cột sống, chia thành 2 nhánh: nhánh vào lưỡi và nhánh lên đỉnh đầu, qua mặt, mũi, gò má mắt.Căn cứ theo đường kinh này, có thể giúp chúng ta ghi nhớ được một số công năng của các huyệt tam tinh, ngũ bội, biết những vùng đường kinh đi qua và chữa được bệnh gì. Vạch ra các đường kinh này, các tác giả đã dựa vào hiện tượng giật cơ, thường được gọi là các ven lên hay hướng tê tức. Những đường kinh này chưa được hoàn chỉnh chặt chẽ, tương tự như một cung phản xạ của thần kinh, hoặc sự khép kín thành một vòng tuần hoàn trong 14 đường kinh châm cứu, nhưng không thể vội vàng bác bỏ mà phải bình tĩnh học hỏi và suy xét thêm.
Thập chỉ đạo không sử dụng các huyệt châm cứu thông thường. Dùng kiến thức tây y thuần tuý cũng khó giải thích nhiều trường hợp điều trị của Thập chỉ đạo, như điều trị chứng suyễn, cao huyết áp, mất ngủ… Nhưng thực tế điều trị nhiều năm, nhiều bệnh nhân và hiệu quả cao cộng với đặc điểm truyền nghề của y học truyền thống khiến chúng ta phải thừa kế trân trọng đối với những thói quen, nguyên tắc và quy trình của Lương y Huỳnh Thị Lịch.Về mặt chẩn đoán, khi tiếp xúc và khám bệnh cho bệnh nhân, bà quan tâm trước tiên tới chứng bệnh mà bệnh nhân cảm thấy như động kinh, nhức đầu, câm, điếc, suyễn, bại liệt… Bà không chẩn đoán các hội chứng thần kinh kiểu y học hiện đại, như Tabét, Páckinsơn, liệt rung… Tiếp theo, bà bắt mạch và nhiều khi sau bắt mạch, bà ngẫm nghĩ và nói về bệnh của bệnh nhân nhưng không theo quy tắc của chẩn mạch đông y (phù, trầm, trì, sát ở vị trí Xích, Quan, Thốn…). Bà bắt mạch với hai tác dụng: Một là, căn cứ vào trạng thái của mạch như nhanh chậm, trương lực của mạch, dáng đi của sóng mạch… kết hợp với nhận xét trạng thái bên ngoài của sức khoẻ bệnh nhân như niêm mạc mắt, rêu lưỡi, màu da, vết quầng mắt… Nghĩa là cùng thực hiện vọng, văn, vấn, thiết của đông y ở mức độ nào đó để đánh giá thể trạng bệnh nhân, từ đó quyết định: nếu yếu hoặc bệnh không quen chữa thì không nhận trị, nếu mạch khoẻ, bấm không sợ ngất xỉu, bà sẽ nhận chữa. Hai là, khi bấm huyệt, vừa bấm vừa theo dõi mạch xem tác dụng của bấm có chuyển biến sắc mặt không, từ đó điều chỉnh cường độ và trường độ bấm huyệt.Sự độc đáo trong cách chẩn đoán của bà là nhận xét rất tinh vi tỉ mỉ, có khi đến bất ngờ, về những dị dạng thay đổi vị trí của hệ tĩnh mạch đến độ căng chùng của các gân cơ mà bà gọi chung là ven.
Tây y thường chỉ để ý đếm tần số mạch nhanh chậm hoặc sắc mạch, có đôi khi để ý đến tình trạng của hệ tĩnh mạch. Đông y có dựa vào tĩnh mạch ở ngón tay để chẩn đoán bệnh trẻ con (chỉ văn), nhưng cũng không sử dụng rộng rãi như bà Lịch.Dựa vào vị trí di lệch của ven (so sánh hai bên và so sánh với người lành, nhất là những tĩnh mạch lớn), các hình dạng của tĩnh mạch nhỏ (như hình móc câu, hình giun, hình sóng), tình trạng dẫn tĩnh mạch do ứ đọng máu… để suy ra vùng tổn thương ở chỗ bà không nhìn thấy. Bệnh nhân không cởi quần áo, nhưng nhiều khi bà gọi đúng vị trí nơi tổn thương, tình trạng không cân đối của các nhóm cơ. Tình trạng căng cứng của các gân cơ là những căn cứ để chẩn đoán và theo dõi kết quả của bà ngay sau lúc bấm huyệt hay sau một liệu trình điều trị có kết hợp với tình trạng phát triển của các cơ liệt bị teo, cũng như mức độ phục hồi của chức năng vận động để đánh giá. Khi khám bệnh, bà thường chỉ cho học viên và reo lên: Đấy, đấy, ven nó lên rồi đấy. Hoặc: Hai ven này đè lên nhau, bao giờ nó tách ra thì bệnh khỏi. Tình trạng máu bị ứ lại làm tĩnh mạch phồng lên, co bóp và giật được bà gọi là ven lên và xẹp đi sau khi bấm huyệt làm chuyển động các cơ teo liệt, do đó máu bị dồn đi là dấu hiệu quan trọng để đánh giá kết quả và tiên lượng khả năng chữa khỏi bệnh.

Về phương pháp chữa bệnh Thập Chỉ Đạo, bà Lịch có nhiều nét độc đáo.

Sau khi chẩn đoán bệnh, bà thường có 2 thái độ xử lý: Nếu đó là chứng bệnh đã quen thuộc (cao huyết áp, suyễn, bướu cổ…), bà bấm huyệt ngay theo phác đồ đã thành quy trình nhất định. Nếu là bệnh ít gặp, hơi khó, bà suy nghĩ rồi đi đến kế hoạch phối huyệt để chữa bệnh. Bà chủ yếu dựa vào lý luận dẫn máu, dồn máu xuống, đưa máu lên. Rồi dùng thủ thuật bấm huyệt day, xoa, nắn cho khối cơ di chuyển để dẫn máu xuống chỗ trũng, làm giảm máu chỗ lồi, chỗ sưng cứng. Nét độc đáo ở chỗ bà bấm từ đầu ngón chân, ngón tay cho các cơ di chuyển, co giật nhằm mục đích đẩy máu, không đơn thuần dựa vào day bấm xoa bóp tại chỗ đau. Đây là một điều khó, nhưng có hiệu quả tốt. Đôi khi, bà dùng thước dây đo lại vùng cương tụ máu ở chi khi bấm huyệt dẫn máu thoát đi để xác định lại kích thước.Trước khi bấm huyệt chính thức, nguyên tắc bắt buộc đối với y sinh Thập chỉ đạo là phải khai thông huyệt đạo cho bệnh nhân. Khai thông huyệt đạo nhiều hay ít là do sức khoẻ bệnh nhân. Về thực chất, đó là sự khởi động cho các cơ tê liệt ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, được chuẩn bị để đi vào chịu sự bấm huyệt mạnh hơn, tránh bấm mạnh đột ngột gây nên phản xạ đột biến co cứng cơ, đau đớn bệnh nhân, làm tổn thương thêm các cơ bị liệt. Khai thông huyệt đạo vừa mức và được điều chỉnh bằng bắt mạch để dò biết tình trạng cơ thể có sẵn sàng đáp ứng phản xạ hay không. Bà thường dặn dò: Nếu tăng xông thấp phải đưa lên, nếu tăng xông cao phải đưa xuống cho vừa mới bấm huyệt chính, không thế là bệnh nhân xỉu liền.Khi bấm huyệt, tay y sinh bao giờ cũng ở tư thế khoá huyệt đối với bệnh nhân. Đây là một nét rất độc đáo của môn này. Có 4 loại khoá chính: khoá hổ khẩu ở cổ tay, khoá khô khốc ở cổ chân, khoá cơ bản ở ngón tay, khoá bí huyền ở đầu gối. Khoá có tác dụng thứ nhất là hãm phanh, chỉ cho các cơ co giật vừa phải với thể lực bệnh nhân, tác dụng thứ hai là giúp kích thích phản xạ như thể những ngón tay bấm nốt đàn, còn tay bấm huyệt như tay gẩy dây đàn.
Nét độc đáo của Thập chỉ đạo còn ở tính nguyên tắc về việc sử dụng các huyệt hồi sinh. Có rất nhiều huyệt được gọi là huyệt hồi sinh, chính là những huyệt trợ sức, tăng cường sức chịu đựng và có tác dụng cấp cứu tốt khi có rối loạn huyết động học. Những huyệt hồi sinh bắt nguồn từ những huyệt dưỡng sinh của người thầy Ấn Độ đã dạy bà trước đây. Đôi khi, người bệnh yếu quá, bấm huyệt hồi sinh không đủ, chuyển sang bấm huyệt chính, bà thường sử dụng một thủ pháp độc đáo khác mà gọi là biến điện. Biến điện là một thủ pháp dùng ngón cái bấm hoặc day đi trên một số huyệt vị nhất định trong một thời gian nhất định, với tâm niệm hết sức tập trung – Hãy truyền cho người bệnh sinh lực của mình, hãy cứu họ! Bà gọi là vận nội công. Sau khi làm thế, quả thật mạch đập của bệnh nhân có khá hơn. Y sinh chỉ được phép sử dụng thủ pháp biến điện khi thấy mình thực sự khoẻ mạnh. Chỉ với những động tác bấm rất nhẹ nhàng, như múa, các cơ tê liệt giật rất nhẹ, nhưng bệnh nhân đã ra mồ hôi hoặc nóng bừng, mặt đỏ như vừa qua một vận động quá tải. Sự nhẹ nhàng ấy đòi hỏi y sinh phải điêu luyện về thủ pháp day bấm. Bà kể: Tôi phải học 12 năm cách bấm đó. Cốt bấm trúng huyệt, không dùng sức mạnh làm đau bệnh nhân. Phải bấm đúng như bấm nốt đàn, bấm mạnh mà sai thì vô ích.Không hề giấu nghề, Lương y Huỳnh Thị Lịch luôn mong có những học trò tâm huyết để học hỏi, thừa kế phương pháp Thập chỉ đạo này để trị bệnh cứu người. Bà có 4 yêu cầu chủ yếu đối với các y sinh:1. Thương yêu vô hạn đối với bệnh nhân, đặc biệt là đối với trẻ em và những người tật nguyền, khốn khổ.2. Say sưa tìm tòi trong nghề nghiệp.3. Giữ cho mình một tâm hồn, đạo đức trong sạch, một sức khoẻ tốt, không làm tiền bệnh nhân.4. Chú ý rèn luyện những ngón tay bấm huyệt, không phải bằng sức mạnh ngón tay mà với tất cả nội khí của toàn thân mình…

Một đời gian truân, mồ hôi và nước mắt…

Sinh ra ở vùng Ý Yên, Hà Nam Ninh, cha mẹ chết sớm, năm 12 tuổi, cô bé Trần Thị Kim Thanh đã theo người làng vào làm ở đồn điền cao su Nam Bộ, trong âm hưởng của câu ca buồn thương… Chạy vào đất đỏ làm phu – Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng… Nhưng từ 18 tuổi trở lên mới làm công nhân được. Cô bé bơ vơ không có việc làm, đứng ôm gốc cây cao su mà khóc. Một bà chủ người Tây thấy vậy, đem Thanh về giúp việc nhà, hàng ngày đưa con cái bà chủ đi học. Cô bé đã trải qua tất cả những gì cực nhọc và tủi nhục nhất của một người làm thuê thuở ấy. Đến thì, cô Thanh tóc dài ngày một xinh ra trong sự lóng lánh âm thầm. Cô đi ở với một gia đình ở Củ Chi, có chàng trai Trần Văn Hải, làm ở nhà đèn. Cô em gái của Hải, quý chị Thanh quá, nói với anh trai rằng: Chị hai hiền lành, tử tế, suốt bao nhiêu năm trời không gian dối với ai một lần. Lại đẹp vậy. Anh chịu không để em nói với chị Hai. Chịu chớ sao không? Thế là nên vợ nên chồng. Khi đó cô mới 18 tuổi. Cô Thanh tóc dài còn phải chịu đựng những lời cay nghiệt đầy định kiến thô lậu của đôi người bà con kiểu giặc bên Ngô của nhà chồng, đại loại như: thiếu gì người Nam không lấy mà đi lấy con Bắc Kỳ cọc cạch, Bắc Kỳ ăn cá rô cây. Nhưng rồi chính cô Thanh Bắc Kỳ ấy lại chính là người con dâu hiếu thảo nhất trong gia đình. Phần mộ của ba má chồng giờ này vẫn được cô Thanh tảo tần chăm sóc. Ông Hải trở thành người chiến sĩ quân báo cách mạng, rồi ông hy sinh năm 1948. Lấy chồng thời chiến chinh – Mấy người đi trở lại – Lỡ khi mình không về – Thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê… Khác với bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan, người vợ bé bỏng chiều quê ấy không chết mà gánh chịu thêm biết bao tang tóc. Con gái 13 tuổi bị Tây hãm hiếp chết, khi đang theo bà con đi cắt lúa ma ở Đồng Tháp Mười. Hai đứa con trai nhỏ cùng chết thương tâm trong một dòng kênh, vì phải gục mặt xuống nước, tuyệt đối im lặng khi bọn địch hành quân đến kề bên. Bọn lính khố xanh ập đến, cô chỉ tay đánh lạc hướng. Lần đó, một đoàn quân cách mạng tránh được một cuộc vây ráp hiểm nghèo nhờ sự bình tĩnh, mưu trí của cô Thanh tóc dài. Còn lại một mình với họa vô đơn chí, tưởng chừng người đàn bà bé nhỏ ấy phải gục ngã trước những ngọn roi oan nghiệt của số phận. Nhưng cô đã lại đứng dậy…
Lương y Huỳnh Thị Lịch chữa bệnh bằng Thập Chỉ Đạo
Lương y Huỳnh Thị Lịch chữa bệnh bằng Thập Chỉ Đạo
Đôi mắt sáng, thông minh đã giúp bà tìm cách học lỏm những khi có thể, kể cả với những ông bà chủ hay bạn bè lương y, bác sĩ của họ. Kể cả việc học các huyệt và thế võ Bình Định của một người cha nuôi, hay học nghề y khi làm nữ cứu thương trong chiến khu Đ và khi làm y tá của một bệnh viện Công giáo. 12 năm lưu lạc ở nước ngoài như Pháp, Pakistan, Nhật, Ấn Độ… bà cũng đã học hỏi được biết bao điều. Lớn lên trong một gia đình có 7 đời làm nghề y, cộng với một tấm lòng, năng khiếu trời cho, cha mẹ sinh, bà vẫn không nguôi ý định học hỏi, trưởng thành trong cái nghiệp trị bệnh cứu người. Khó ai có thể nghĩ cô bé Thanh làm con ở ngày ấy lại trở thành bà Sáu Lịch, bà Thầy bấm, bà Lang Hàng Xanh nổi tiếng trong dân gian sau này. Bà đã học hỏi tất cả những gì có thể, thậm chí pha trộn kiến thức, rồi bằng thực tế cứu người, đúc rút dần dần. Bà tâm sự chân thành và khiêm nhường: Tôi đâu có được học. Tôi chỉ là một người giúp việc, hoàn toàn học lỏm. Tôi cũng không ngờ tôi chữa được thành công. Nhiều khi trăn trở suốt đêm không ngủ được vì chữa mãi mà bệnh nhân ấy vẫn không khỏi…

Thập chỉ đạo - Hết lòng dâng hiến…

Suốt mấy mươi năm, hầu như không ngày nào bà được nghỉ. Sau những thời gian phiêu bạt từ Sài Gòn xuống Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Tiền Giang, rồi trở về Tổng cục Cao su, và bây giờ là căn nhà số 4, Lô B1, Cư xá 30-4, đường Đ1, sát chợ Văn Thánh, quận Bình Thạnh, TP.HCM, vòng tay bà vẫn luôn rộng mở đối với các bệnh nhân từ muôn phương. Hàng trăm chiếc nạng, xe lăn để lại nơi điều trị của bà từ xưa đến nay quả là những kỷ vật hùng hồn về cuộc giải thoát tật nguyền từ mười ngón tay dâng hiến của bà. Quan Âm Bồ Tát tảo tần – Nghiêng bàn tay xuống cõi trần thương đau…Nguyên tắc không đòi tiền, đặt giá đối với bệnh nhân, bà vẫn luôn giữ từ trước tới nay. Bệnh nhân khỏi bệnh, cảm kích, tặng tiền hay vật chất thì bà lại tích góp, dành cho hoạt động từ thiện. Bà không có ham muốn vật chất gì cho riêng bà. Khi bà chữa khỏi bệnh cho con của nghệ sĩ cải lương Phùng Há thì nghệ sĩ này lạy bà, rồi trở thành thân thiết. Cách đây chưa lâu, Lương y Huỳnh Thị Lịch cùng Nghệ sĩ Phùng Há đã đi làm công tác từ thiện cho 17 tỉnh, thành phố. Mới đây, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tuyên dương bà như một tấm gương người tốt việc tốt để mọi người học tập. Cuộc tổ chức mừng thọ 87 tuổi của bà ngày 1/6/2003 tại TP.HCM đã quy tụ biết bao bệnh nhân, các chuyên gia đông, tây y, các quan chức… đến chúc mừng bà với lòng tri ân và cảm thông.Hồi còn sống, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, đã viết thư gửi Lương y Huỳnh Thị Lịch với những lời cảm kích:TP.HCM 29/2/1992Cô Sáu Lịch,Đọc bài thơ của Cô rồi, tôi rất phục Cô và thương Cô vì trong lòng Cô còn vương vấn chút khổ đau trần tục, chưa được thanh thoát như Phật Thích Ca trên toà sen.Phục Cô ở chỗ: Có lòng tự hào dân tộc, nhân từ, đạo đức, lo cho nhân dân, lấy chân lý làm vinh, làm lương y với đôi tay thần luyện, với lòng thương bao la không biên giới, cao như Hy mã lạp sơn, như biển đông xanh mát, có đạo Phật từ bi bác ái. Bao nhiêu đức tính ấy đã đủ cho một người tự an ủi mình trong cuộc đời gian khổ để sống hạnh phúc!Thương Cô ở chỗ: Chưa thoát hết trần tục, còn vấn vương chưa được tuyên dương công nhận, chưa thấy rằng nhân dân công nhận là tối cao, tột đỉnh. Nhà nước làm sao thấy hết được sự việc của nhân dân đã làm. Địa vị của nhà nước ban chẳng qua là phù vân của xã hội. Ban hay không ban, mình cứ việc làm tròn nhiệm vụ đối với nhân dân.Tôi vui với bản tình ca
Cứu người khỏi bệnh mới là đẹp caoNhưng tại sao có người kỳ thị thua hờn, lại có người muốn hỏi về đời sống của người lương y thần hiệu? Vì một lẽ rất đơn giản! Vì Cô đã nổi danh chữa bệnh mà quần chúng muốn hiểu rõ đời cô như của đức Phật. Đó là cái khổ của những người đã nổi tiếng! Quần chúng muốn đọc một cuốn sách về đời Cô như một tiểu thuyết dài thật dài mới thoả mãn được nhu cầu tình cảm của quần chúng. Đi Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan… ở mỗi nơi có gì lạ, trong óc suy nghĩ ra sao, học lỏm cách nào? Sự kết tinh trong óc để tạo ra cách bấm huyệt… Làm sao trình bày cho rõ như trong một khối thuỷ tinh trong suốt.Tôi hết lòng thương Cô, phân tích rõ ngọn ngành để cô bước lên đài vinh quang mà quần chúng mong đợi.Rồi phải tập hợp học trò cũ lại, viết lại kỹ thuật khám bệnh tài tình, học trò chưa hiểu rõ, lựa chọn người tiến bộ để đào tạo huấn luyện viên đặc biệt sẽ nối nghiệp Cô… 
Thập chỉ đạo vẫn luôn lan toả dịu dàng và mãnh liệt.
Thập chỉ đạo vẫn luôn lan toả dịu dàng và mãnh liệt.
 Vượt lên trong những thăng trầm, mười ngón tay của người chủ trì phương pháp Thập chỉ đạo vẫn luôn lan toả dịu dàng và mãnh liệt. Sự lan tỏa từ một tâm thế vị tha sâu sắc của một người đàn bà đã hành trình suốt gần một trăm năm của một đời người. Chính Lương y Huỳnh Thị Lịch đã có một bài thơ với tựa đề Mục đích đời tôi: Phụng sự.Thiếu thời gian nan ẩn ức.
Giữa lớp người khổ cực lầm than
Thiếu ăn thiếu mặc cơ hàn
Lại thêm bệnh tật đa mang thảm sầu
Mong gánh vác cơ cầu thiên hạ
Mến thương đời hết dạ ưu tư
Vì chưa sánh được mẫu từ
Lo toan chăm sóc cũng như chị hiền
May học được bí truyền thập chỉ
Biết mạng trời kế chí tổ tiên
Quyết làm cho dữ hoá hiền
Cậy nhờ mười ngón tay tiên cứu người
Chớ coi nhẹ, nụ cười nửa miệng
Không thuốc thang, xem chuyện hoang đường
Mà quên căn bản âm dương
Hoà kinh thuận khí, làm phương quân bình
Tuy không thuốc vẫn tinh y dược
Không nhâm thần, biết được bệnh đau
Biết căn do tự thuở nào
Biết những biến chuyển, khởi đầu, tiếp theo
Mạch chằng chịt đường cheo lối hố
Huyệt nhiều trăm phân bố châu thân
Nắm vững huyệt mạch, ân cần
Coi như xong, một nửa phần trị an
Người trong nước, nước ngoài khắp chỗ
Hiếm chi người, thuốc bổ, thầy chê
Nhất sinh, thập tử, ê chề
Một phen trị liệu đến về tại đây
Có những bệnh tuổi chày hãm lụn
Cuối đường đời xương sụn rã rời
Có người còn trẻ đời tươi
Mang chút bệnh ngặt, kêu trời thấu chăng?
Có đông đủ giai tầng xã hội
Bệnh nghiệp nghề vô khối dị hình
Cũng như có tật bẩm sinh.
Câm, què, bại liệt, thần kinh… thiếu gì
Kể từ thuở xuân thì thiện nguyện
Nguyện giúp đời khang thiện thân tâm
Mãi lo phục vụ âm thầm
Quên mình tuổi tác bao năm qua rồi
Ấy, mục đích đời tôi phụng sự
Làm con người, danh dự thế gian
Đồng sanh trong cõi tuần hoàn
Người tôi đứng giữa muôn ngàn người ta
Còn một khắc, lìa xa cuộc thế
Vẫn quyết tâm tìm kế cứu đời
Quyết tâm nhiệm vụ một người
Vì lợi ích vạn vạn người chung quanh…Những câu thơ như những lời kinh kệ, giản dị thốt lên tự đáy lòng, trong sự lặng im của mười ngón tay tảo tần, dâng hiến. Nghe như có tiếng chuông, vừa ấm nồng vừa mơ hồ của một cõi người…Đỗ Ngọc Quang
Việt Báo (Theo_VietNamNet)