Thập chỉ đạo - Kỳ 3 - Thần y bấm huyệt’ nuôi 5 ‘quái thai’ để trị bệnh
Luyện được công năng đặc dị của môn bấm huyệt Thập thủ đạo của vị đạo sĩ người Pakistan ẩn tu ở Ấn Độ, bà Huỳnh Thị Lịch tìm đường về nước.
Không con cái, không người thân, bà Lịch đã vào bệnh viện Từ Dũ để kiếm một đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi dưỡng.
Bà Huỳnh Thị Lịch bấm huyệt trị bệnh |
Vào bệnh viện, thấy có rất nhiều cháu bé dị tật bẩm sinh, mà thời kỳ đó gọi là “quái thai”, bị các bà mẹ bỏ rơi, bà Lịch động lòng thương xót. Bà đã nảy ra ý tưởng sử dụng khả năng bấm huyệt của mình để điều trị cho các bé tật nguyền. Nghĩ là làm, bà liền xin 5 bé ‘quái thai’ về nhà nuôi dưỡng.
Các cán bộ ở bệnh viện hết sức ngạc nhiên với ý tưởng của bà. Nhiều người cho rằng bà bị hoang tưởng. Tuy nhiên, một phụ nữ “rước” hộ 5 em bé “quái thai”, đã giảm được gánh nặng cho bệnh viện, nên họ tạo điều kiện hết sức.
Đưa 5 cháu bé dị tật về nhà, bà Lịch ra sức bấm huyệt trị bệnh. Điều kinh ngạc đã xảy ra, cháu bé điếc thì nghe được, câm thì nói được, khoèo tay, khoèo chân thì đứng dậy lẫm chẫm đi. Cả 5 “quái thai” bị bỏ rơi ngày nào đều trở thành những đứa trẻ bình thường.
Lớn lên, những người con này được bố mẹ nhận lại, rồi lấy vợ, lấy chồng, tứ tán nơi khác. Một người bệnh nặng nhất, tên là Bình, thì ở cùng bà, được bà bấm huyệt cả chục năm ròng. Sau này, chị Bình ở vậy, chăm sóc bà cho đến khi bà về trời.
Sự việc bà Lịch bấm huyệt chữa khỏi cho 5 “quái thai”, bị dị tật bẩm sinh, là sự kiện chấn động thời bấy giờ. Hàng trăm, hàng ngàn người ùn ùn kéo đến diện kiến “thần y bấm huyệt”, những mong được khỏi bệnh.
Việc một người phụ nữ đơn thân bỗng thành “thần y”, nổi như sóng, khiến chính quyền Sài Gòn để ý. Khi đó, họ chỉ tin vào Tây y, nên phương pháp bấm huyệt trị bệnh là thứ thần bí, thậm chí được liệt vào dị đoan.
Chính quyền Sài Gòn đã điều bác sĩ, các nhà khoa học và cả quân đội đến bao vây nhà bà, trực tiếp kiểm tra khả năng trị bệnh của bà. Mục đích của họ là sẽ “lật tẩy trò bịp” của bà Lịch, để khép bà tội lừa đảo, rồi tống giam.
Ông Nguyễn Tam Kha, học trò của bà Lịch, tiếp tục công việc bấm huyệt theo phương pháp Thập thủ đạo |
Thế nhưng, trước mắt các nhà khoa học, hàng chục bệnh nhân đã khỏi bệnh một cách thần kỳ. Có cháu bé sinh ra đã điếc lác, chỉ sau vài phút bấm huyệt, cháu bé đã nghe được tiếng gọi của mẹ, có người mấy chục năm trời câm, bỗng nói tròn vành rõ tiếng.
Không tin vào những bệnh nhân đến nhà, họ đã tự chọn bệnh nhân đưa đến cho bà kiểm nghiệm. Bà xem xét bệnh tình, xác định bệnh nhân nào trị được, thì tiến hành thử nghiệm. Có người ngồi xe lăn, bỗng vịn tay đứng lên lò dò tập đi, người liệt tay thì nhấc lên nhấc xuống. Có người bị mù, sau một lúc bấm huyệt, thì lờ mờ nhìn thấy mọi thứ xung quanh…
Thậm chí, có trường hợp một bệnh nhân bí tiểu, phải đưa đi cấp cứu bằng xe xích lô, bà chỉ bấm vài cái, nước tiểu cứ thể chảy ra, không tài nào hãm lại được.
Mặc dù chính quyền rất ghét bà Lịch, nhưng bà lại được các nhà khoa học ủng hộ. Không chỉ có khả năng trị bệnh thần kỳ, mà bà còn là người không ham danh lợi.
Học phương pháp bấm huyệt của bà Lịch |
Mặc dù có rất đông bệnh nhân, song bà không lấy tiền của ai. Bà đặt một hòm từ thiện ở trong phòng làm việc. Bệnh nhân nào khá giả, tự nguyện bỏ tiền vào hòm. Bà dùng tiền từ thiện để tặng lại bệnh nhân nghèo, hoặc đi làm từ thiện. Bà thường xuyên đi làm từ thiện với nghệ sĩ Phùng Há.
Không tìm được cách khép tội bà Lịch, chính quyền Sài Gòn đành phải để bà tiếp tục trị bệnh. Tuy nhiên, để vớt vát lại danh dự cho mình, họ tuyên truyền bà Lịch là… nhà ảo thuật!
Hồi miền Nam mới giải phóng, bà Lịch vào Bệnh viện 175 điều trị bệnh sỏi mật và sỏi bàng quang. Trong quá trình chờ điều trị, bà đi dạo trong khuôn viên bệnh viện. Bà thấy trong khuôn viên có nhiều bệnh nhân chống nạng tập đi. Mỗi người một hoàn cảnh, người tai biến, người tai nạn, người dị tật bẩm sinh…
Gặp ai, bà cũng gọi lại hỏi han, xem xét tình trạng bệnh tật. Thấy bệnh nhân nào phù hợp với bấm huyệt, bà lập tức điều trị cho họ ngay trên ghế đá trong khuôn viên bệnh viện. Không ít bệnh nhân đã bỏ nạng tập đi, hoặc đang câm bỗng bật nói khiến người nhà tưởng bị ma ám.
Việc người bệnh kéo ra tụ tập kín khuôn viên bệnh viện để bà Huỳnh Thị Lịch bấm huyệt khiến các bác sĩ để ý. Một cô y tá tên là Ngọc, bị bướu cổ khá nặng, đã nhờ bà bấm huyệt. Không ngờ, chỉ vài lần bấm huyệt, mà cái bướu đã xẹp đi.
Quá kinh ngạc với chuyện bấm huyệt trị bệnh, lãnh đạo bệnh viện này đã kết hợp với các chuyên gia của bệnh viện Thống Nhất lập hội thảo “tranh cãi” về khả năng bấm huyệt trị bệnh của bà Huỳnh Thị Lịch.
Sau cuộc hội thảo đó, tuy còn nhiều ý kiến trái chiều, song danh tiếng nữ lương y với cách trị bệnh kỳ lạ khi đó càng nổi danh hơn. Thậm chí, một đồng chí cán bộ lãnh đạo công an tỉnh Tiền Giang đã tìm đến bà nhờ trị bệnh.
Ông này bị teo một ngón tay, đã được bà bấm huyệt khỏi, nên rất cảm phục khả năng chữa bệnh của bà. Ông đã mời bà về Tiền Giang làm việc trong một bệnh viện y học cổ truyền.
Bác sĩ Dư Quang Châu hướng dẫn phương pháp bấm huyệt Thập chỉ đạo (Thập thủ đạo), mà ông gọi là Thập chỉ liên tâm pháp |
Làm việc ở Tiền Giang một thời gian, thì Bộ Nội vụ (Bộ Công an sau này) đã cử cán bộ vào nghiên cứu về tài bấm huyệt của bà Lịch. Bà đã thử tài bấm huyệt cho các cán bộ của Bộ Nội vụ chứng kiến. Mấy cán bộ công an được bà bấm huyệt đã ngủ ly bì, gọi kiểu gì cũng không dậy. Chỉ đến khi bà bấm huyệt cho tỉnh dậy thì mới mở được mắt ra.
Biết khả năng bấm huyệt của bà Lịch là thần kỳ, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo công an Tiền Giang giúp đỡ bà mở trung tâm trị bệnh miễn phí, dạy nghề bấm huyệt. Công an tỉnh còn cử đồng chí công an, là Trung tá Năm Liên phục vụ bà Lịch trong việc trị bệnh. Ngoài ra, còn có đồng chí Hồ Kiêm sưu tầm tài liệu, viết lại các phương pháp trị bệnh của bà.
Ông Tư Nguyện, khi đó là Tổng Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su, bị bệnh Parkinson khá nặng. Được sự giới thiệu của một đồng chí công an, ông đã về Tiền Giang trị bệnh. Bệnh tình tiến triển tốt, ông liền xin bà về Tổng cục Cao su.
Ông Tư Nguyện đã cấp cho bà căn biệt thự rất lớn, vốn là nhà của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, bỏ hoang sau giải phóng, để bà có không gian rộng lớn, trị bệnh cứu người được thuận tiện hơn.
Tại căn biệt thự này, bà Lịch chuyên tâm bấm huyệt cứu người, truyền dạy phương pháp bấm huyệt cho rất nhiều học trò.
Sau này, khi Nhà nước lấy lại căn biệt thự, Hội Phật giáo đã tìm cho bà căn nhà nhỏ ở cư xá Văn Thánh, để bà tiếp tục công việc bấm huyệt trị bệnh miễn phí cho đến khi qua đời.