In bài này

Công tác xã hội là gì?

Công tác xã hội (CTXH) được xem như là một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ gần thế kỷ nay. CTXH tồn tại và hoạt động khi xuất hiện những vấn đề cần giải quyết như tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng giới, và giúp đỡ những thành phần dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi, người tàn tật, trẻ đường phố, trẻ bị lạm dụng…

Tuy nhiên ở Việt Nam, CTXH thường được nghĩ như là một việc làm từ thiện. Để cho thấy CTXH không phải là công việc đơn giản như công tác từ thiện, cần có cái nhìn đầy đủ ý nghĩa về CTXH. Có khá nhiều định nghĩa khác nhau về CTXH, dưới đây là một số định nghĩa về CTXH. 

Khái niệm CTXH

Khái niệm 1: Theo Hiệp hội Quốc gia NVCTXH (NASW): Công tác xã hội là hoạt động nghề nghiệp giúp đỡ các cá nhân, nhóm hay cộng đồng để nhằm nâng cao hay khôi phục tiềm năng của họ để giúp họ thực hiện chức năng xã hội và tạo ra các điều kiện xã hội phù hợp với các mục tiêu của họ (Zastrow, 1996: 5).

CTXH tồn tại để cung cấp các dịch vụ xã hội mang tính hiệu quả và nhân đạo cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng và xã hội giúp họ tăng năng lực và cải thiện cuộc sống (Zastrow, 1999:..).

Khái niệm 2: Theo Cố Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh (trích từ tài liệu hội thảo 2004): Định nghĩa cổ điển: CTXH nhằm giúp cá nhân và cộng đồng TỰ GIÚP. Nó không phải là một hành động ban bố của từ thiện mà nhằm phát huy sứ mệnh của hệ thống thân chủ (cá nhân, nhóm và cộng đồng) để họ tự giải quyết vấn đề của mình.

Khái niệm 3: Theo Liên đoàn Chuyên nghiệp Xã hội Quốc tế (IFSW) tại Hội nghị Quốc tế Montreal, Canada, vào tháng 7/2000: CTXH chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, tiến trình giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người, sự tăng quyền lực và giải phóng cho con người, nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái và dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội. CTXH can thiệp ở những điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ.

Khái niệm 4: Theo đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ: CTXH góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của thân chủ xã hội, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng, hạnh phúc cho người dân và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

  1. Thân chủ của CTXH

Cũng như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các vấn đề xã hội mới nảy sinh cùng với sự phát triển kinh tế. Những thay đổi về cách thức làm việc đã bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, như sự di chuyển hay thời gian làm việc kéo dài làm cho thời gian để một gia đình ở bên nhau giúp đỡ lẫn nhau, chăm sóc những đứa trẻ bị tàn tật hay những người thân đã già yếu hạn chế. Thêm vào đó, vấn đề nghiện rượu, ma tuý, bạo lực trong gia đình và lạm dụng trẻ em cũng tăng lên. Trẻ em và phụ nữ thường có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi đói nghèo, trực tiếp hoặc là nạn nhân của bạo lực trong gia đình và lạm dụng. Họ cũng là nạn chân của tệ nạn buôn bán người khi gia đình muốn tìm cách thoát ra khỏi đói nghèo. Phụ nữ trẻ lên thành phố bị thất nghiệp có thể bị sa vào con đường mại dâm. Vấn đề “trẻ em lang thang” gắn với việc các em lên thành phố kiếm tiền bằng cách bán hàng trên đường phố hoặc đi xin ăn, nguy cơ mắc vào tệ nạn mại dâm, ma túy bất hợp pháp hay các tệ nạn khác cao.

CTXH hướng tới các thân chủ có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương gồm

Trợ giúp người già, người tàn tật và người nhiễm HIV/AIDS;

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo hành, bị sao nhãng;

Các nhóm người đặc biệt – dễ bị tổn thương (khuyết tật, người lang thang kiếm sống, người nghiện ma tuý, người nhiễm HIV, người già, phụ nữ bị bạo hành)

Các cá nhân, cộng đồng hoặc các gia đình có vấn đề, mâu thuẫn, khủng hoảng;

Học sinh, sinh viên có vấn đề trong các trường học;

Các bệnh nhân và gia đình của người bệnh, kể cả người tâm thần (tai các bệnh viện và phòng khám);

Bất bình đẳng và bình đẳng giới.

CTXH dưới nhiều hình thức đa dạng của nó, nhằm vào vô số các tương tác phức hợp giữa con người và các môi trường của họ. Sứ mạng của nó là tạo năng lực giúp người dân phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ, và ngăn ngừa các trục trặc. CTXH chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi. Do đó, nhân viên CTXH là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ. CTXH là một hệ thống liên kết các giá trị, lý thuyết và thực hành.

CTXH phát triển như là một chuyên ngành khoa học ứng dụng, cung cấp một lượng kiến thức có cơ sở thực tiễn và xây dựng những kỹ năng chuyên môn bao gồm: các giá trị, nguyên tắc, và những kỹ thuật nhằm giúp đỡ những thành phần yếu kém trong xã hội có được các dịch vụ xã hội mong muốn, và các liệu pháp tâm lý cho cá nhân, gia đình, và nhóm có vấn đề, hỗ trợ cộng đồng cải thiện các dịch vụ y tế và xã hội.

Nguồn: SDRC – CFSI
http://congtacxahoi.net/cong-tac-xa-hoi-la-gi/
-
--------------------

 CÁC CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI

   *Nghề công tác xã hội thực hiện 4 chức năng:

- Chức năng phòng ngừa:Với quan điểm tiếp cận phòng hơn chữa, chức năng đầu tiên của CTXH là phòng ngừa, ngăn chặn cá nhân, gia đình và cộng đồng rơi vào tình huống khó khăn chứ không phải để đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn rồi mới giúp đỡ. Chức năng phòng ngừa của CTXH thể thiện qua các hoạt động giáo dục, phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về luật pháp, chính sách xã hội và những vấn đề xã hội. Đơn cử như hoạt động giáo dục cộng đồng về kiến thức Luật phòng, chống bạo lực gia đình hay tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội v.v. Thông qua các hoạt động giáo dục như vậy, CTXH đã giúp ngăn ngừa các vấn đề xã hội có thể xảy ra với cá nhân, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó chức năng phòng ngừa còn thể hiện thông qua các hoạt động xây dựng văn bản, chính sách xã hội góp phần cải thiện và nâng cao đời sống, ngăn chặn gia tăng đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

- Chức năng can thiệp:Chức năng can thiệp (còn được gọi là chức năng chữa trị hay trị liệu) nhằm trợ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết vấn đề khó khăn họ đang phải đối mặt. Với từng vấn đề và với mỗi đối tượng khác nhau, nhân viên công tác xã hội sẽ có phương pháp can thiệp hỗ trợ riêng biệt. Ví dụ với những đối tượng có khó khăn về tâm lý, nhân viên công tác xã hội sẽ cung cấp dịch vụ tham vấn để đối tượng vượt qua khó khăn về tâm lý. Với những vấn đề cần phức tạp, cần nhiều nguồn lực, nhân viên công tác xã hội cần tìm kiếm, điều phối và kết nối các dịch vụ, nguồn lực đến với đối tượng.  Quy trình can thiệp của nhân viên công tác xã hội thường bắt đầu từ việc tiếp cận, đánh giá nhu cầu, xác định vấn đề, khai thác tiềm năng của đối tượng cho việc giải quyết vấn đề, lập kế hoạch giải quyết vấn đề, hỗ trợ đối tượng thực hiện kế hoạch và cuối cùng là đánh giá và kết thúc quá trình giúp đỡ. Phương pháp chủ đạo của CTXH là giúp cho đối tượng được tăng năng lực và tự giải quyết vấn đề của họ.
- Chức năng phục hồi:Chức năng phục hồi của CTXH thể hiện ở việc giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng khôi phục lại chức năng tâm lý, xã hội đã bị suy giảm lấy lại trạng thái cân bằng trong cuộc sống. Thông qua các hoạt động phục hồi, nhân viên công tác xã hội giúp cho đối tượng trở lại cuộc sống bình thường, hoà nhập cộng đồng. Ví dụ như giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng hay giúp trẻ lang thang trở về đoàn tụ với gia đình; giúp người nghiện, người hành nghề mại dâm trở lại cuộc sống bình thường, tái hoà nhập cộng đồng v.v.

- Chức năng phát triển:CTXH thực hiện chức năng phát triển thông qua các hoạt động xây dựng luật pháp, các chính sách, chương trình dịch vụ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng phát triển khả năng của mình đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Chức năng phát triển còn giúp đối tượng tăng năng lực và tăng khả năng ứng phó với các tình huống và  có nguy cơ cao dẫn đến những vấn đề khó khăn cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Ví dụ như xây dựng các luật cho các đối tượng yếu thế hay giải quyết các vấn đề xã hội, các chương trình quốc gia về giảm nghèo, chăm sóc bảo vệ trẻ em, các dịch vụ trực tiếp cung cấp kiến thức giúp phát triển cá nhân như kỹ năng sống, kỹ năng làm cha, mẹ, v.v.

* Nghề công tác xã hội có 9 nhiệm vụ:

  1. Bảo vệ trẻ em: Cán bộ công tác xã hội đánh giá tình hình và môi trường chăm sóc của những trẻ em đang nghi ngờ là bị xâm hại hoặc sao nhãng. Cán bộ xã hội tham gia vào đánh giá, lên kế hoạch can thiệp, thực hiện quản lý trường hợp. Cán bộ công tác xã hội cũng can thiệp với gia đình và cộng đồng như tham vấn, trị liệu gia đình và giáo dục về mặt xã hội để giúp họ hiểu được nhu cầu của con em mình và nâng cao kỹ năng làm cha mẹ và tăng cường khả năng ứng phó, làm việc với các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ và gia đình tiếp cận dịch vụ cần thiết.Và vì sự an toàn của trẻ em là điều quan trọng nhất nên trong một số trường hợp người cán bộ xã hội sẽ thu xếp dịch vụ chăm sóc thay thế cho trẻ (còn gọi là “dịch vụ chăm sóc ngoài gia đình”). Các cán bộ xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và quản lý các dịch vụ chăm sóc thay thế (như chăm sóc bởi họ hàng, chăm sóc đỡ đầu, nhận con nuôi, các hình thức chăm sóc cộng đồng và chăm sóc ở trung tâm). Bảo vệ quyền lợi trẻ em tại các cơ quan tư pháp.
  2. Tư pháp với người chưa thành niên: Trong các hệ thống toà án, cán bộ công tác xã hội có trách nhiệm trong việc cung cấp sự hỗ trợ về tâm lý xã hội cho trẻ em và vị thành niên trước toà án, cho dù với tư cách là nhân chứng, nạn nhân hay bị cáo. Trong các trường hợp cụ thể, họ đi cùng với trẻ em hoặc người chưa thành niên thay cho cha mẹ và người giám hộ. Các cán bộ công tác xã hội cũng góp phần giáo dục và hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em và vị thành niên phạm tội ví dụ phục hồi, hỗ trợ tái hoà nhập sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng. Đồng thời, họ cũng hỗ trợ các bước cụ thể trong việc phục hồi cho các em, ví dụ như tìm việc làm cho các em, hỗ trợ tâm lý xã hội.
  3. Hỗ trợ các gia đình có vấn đề, mâu thuẫn, khủng hoảng:Cán bộ công tác xã hội giúp đỡ các gia đình đánh giá và nâng cao khả năng để giải quyết các vấn đề của gia đình sử dụng các phương pháp như tham vấn gia đình. Một ví dụ về các vấn đề mà cán bộ công tác xã hội phải can thiệp là bạo lực trong gia đình. Cán bộ xã hội can thiệp để đảm bảo từng thành viên của gia đình, và toàn thể gia đình có thể sống cùng nhau một cách an toàn và hoà thuận; giải quyết các bất hoà và xử lý các vấn đề. Cán bộ xã hội cùng làm việc trong những trung tâm, nhà tạm lánh hỗ trợ các phụ nữ bị bạo hành. Các cán bộ xã hội cũng có thể hỗ trợ những gia đình nghèo và thu nhập thấp tiếp cận đến các dịch vụ, thực hiện các quyền về phúc lợi.
  4. Bảo trợ xã hội cho người già:Cán bộ xã hội đánh giá nhu cầu cung cấp dịch vụ xã hội cho người cao tuổi, đặc biệt là người cô đơn để mang lại cho họ những hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc. Đồng thời cán bộ xã hội cũng đóng vai trò là cán bộ quản lý trường hợp để điều phối dịch vụ cần đáp ứng. Cán bộ xã hội cũng tham gia quản lý các loại hình chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội và có thể sẽ cùng hợp tác với các trung tâm này để cung cấp những hỗ trợ tâm lý xã hội cho những người cần loại hình hỗ trợ này.
  5. Bảo trợ xã hội cho người khuyết tật:Cán bộ xã hội đánh giá nhu cầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật. Đồng thời, cũng tham gia đóng vai trò là cán bộ quản lý trường hợp, hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận những dịch vụ phù hợp. Trong trường hợp họ cần thiết, cán bộ xã hội cũng cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho người khuyết tật và gia đình của họ. Cán bộ xã hội cũng tham gia quản lý các loại hình chăm sóc tập trung các cơ sở bảo trợ xã hộ cho người khuyết tật.
  6. Phát triển cộng đồng:Cán bộ công tác xã hội giúp cộng đồng xác định các vấn đề trong cộng đồng của mình và hỗ trợ họ tìm được những nguồn lực cần thiết. Những thiếu hụt nguồn lực này có thể là cơ sở vật chất ví dụ như thiếu địa điểm vui chơi cho trẻ em. Cán bộ công tác xã hội cũng có thể giúp đỡ cộng đồng bày tỏ ý kiến về các vấn đề phát triển và truyền tải những vấn đề này đến các chính quyền và những nhà chính sách có liên quan.                                                                                                  
  7. Công tác xã hội trong trường học:Các vấn đề trong cuộc sống gia đình hoặc trong trường phổ thông, trường cao đẳng, đại học có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh, sinh viên. Cán bộ xã hội hỗ trợ học sinh, tác động đến nhà trường, gia đình và cộng đồng để giúp học sinh, sinh viên đạt được mục tiêu học tập. Cán bộ xã hội trong trường học có sử dụng các phương pháp làm việc với cá nhân, nhóm hoặc tham vấn, trị liệu gia đình, tổ chức cộng đồng, can thiệp khủng hoảng, tư vấn, tuyên truyền, tập huấn, xây dựng chính sách và điều phối chương trình                                                                                                                                                      
  8. Sức khoẻ, một phần của sức khỏe tâm thần (tại các bệnh viện và phòng khám):Cán bộ xã hội hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội cho các bệnh nhân và gia đình trong việc đối mặt với các tác động tiêu cực của bệnh tật. Trong những trường hợp để lại tác động lâu dài, cán bộ công tác xã hội sẽ cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho quá trình hồi phục của bệnh nhân. Họ có thể sẽ đánh giá và hỗ trợ tiếp cận đến những dịch vụ hỗ trợ sẵn có.                                                                                                                                    Nghiên cứu xã hội và hoạch định chính sách xã hội:Các cán bộ công tác xã hội tiến hành nghiên cứu các vấn đề xã hội có tác động đến các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Họ cũng hỗ trợ chính quyền có liên quan xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình an sinh xã hội, ví dụ như đóng vai trò là tham mưu chính sách và cán bộ quản lý chương trình xã hội tại các cơ quan nhà nước

(Theo: congtacxahoiquangninh.vn)