8 quy tắc Diện Chẩn chữa bệnh không dùng huyệt
"Đây là quy trình tác động trong Diện chẩn, đơn giản, dễ thực hiện. Khi ta gặp bất cứ trường hợp nào đó thường đặt câu hỏi phải làm như thế nào? hãy tìm câu trả lời trong bài này";
1. Tác động tại chỗ (Theo nguyên tắc cục bộ)
Đau nhức ở đâu, dùng cây lăn hay cây cào tác động tại chỗ bị bệnh, quy tắc này có thể áp dụng cho nhiều tình trạng khác nhau, ngay cả việc không đau nhức, nhưng nếu muốn da dẻ hồng hào, láng mịn ta cũng có thể dùng cây lăn đồng láng để lăn tại chỗ, giúp máu huyết lưu thông và tình trạng của da sẽ được cải thiện đáng kể.
2. Tác động gần nơi đau nhức (Theo Luật Lân cận)
Vì một lý do nào đó khiến ta không thể tác động ngay tại chỗ thì ta có thể tác động xung quanh, như khi tác động xung quanh một cái u nhọt sẽ làm cho bớt đau.
3. Tác động nơi đối xứng với bộ phận hay chỗ bị đau(Theo Luật Đối xứng)
Vì hai bên cơ thể đều có mối liên quan, tương tác qua lại và có sự ảnh hưởng nhất định nên ta có thể tác động ở nơi đối xứng với bộ phận hay vị trí đang đau sẽ đạt kết quả nhanh chóng. Ví dụ:Đau bắp chân bên phải, ta tác động vào bắp chân bên trái ở vị trí đối xứng với nơi đau.
4. Tác động theo nguyên tắc Trước sau là một
Vì các bộ phận ở vị trí đối nhau (phía trước và phía sau) có liên quan mật thiết nên có ảnh hưởng lẫn nhau. Cho nên tác động nơi này (phía trước) sẽ có ảnh hưởng nơi kia (phía sau) hay ngược lại.
Ví dụ: Bị bướu cổ, ta không thể hơ ngay cổ mà có thể hơ phía sau gáy. Bị đau lưng ta có thể lăn trên bụng v.v…
5. Tác động theo nguyên tắc Giao thoa (tác động chéo)
Đây là một kỹ thuật khá đặc biệt, có thể tác động chéo giữa cánh tay và cẳng chân trong một vài trường hợp.
Ví dụ: Đau cổ tay trái, ta có thể tác động cổ chân bên phải - Đau chân trái thì tác động cổ tay phải
6. Tác động theo nguyên tắc trên dưới cùng bên
Cụ thể là dùng cây lăn (Lăn sừng hay lăn đồng) cây Cào hay cây dò để ấn, day hay gạch từng đường dài trên da của vùng đau tương ứng trên chân để trị cho cánh tay đau cùng bên.
Ví dụ: Đau cổ tay bên phải ta sẽ dùng cây lăn, lăn cổ chân bên phải. Hay có thể dùng cây dò gạch trên da quanh cổ chân bên phải.
Chú ý: Nguyên tắc 1 đến 5 còn áp dụng cho các vị trí phản chiếu trên mặt
7.Tác động theo Luật Đồng ứng (Giữa các bộ phận có hình dạng tương tự nhau)
Dùng các dụng cụ (cây lăn, cây dò, ngải cứu) để lăn, vạch hay hơ ngải cứu trên các bộ phận ngoại vi (bên ngoài như tay, chân…) để tác động đến các bộ phận nội tạng (ở bên trong tim, gan, thận hay các khớp xương).
Ví dụ: Đau nhức cột sống có thể dùng cây lăn để lăn trên ống quyển (lăn ngoài da). Đau họng có thể dùng cây dò ấn vào điểm đau dưới khớp ngón chân cái cho đến lúc hết đau, vì ngón chân cái có hình dạng cái đầu, từ đó suy ra phần dưới ngón chân cái tương ứng với cổ họng. Còn nếu đau trên đỉnh đầu thì ta lại ấn trên đầu ngón tay giữa (đầu ngón nào cũng được, nhưng thường ta nên ấn vào ngón giữa). Có thể nói, mỗi ngón tay đồng ứng với một con người.
8. Tác động theo Luật Phản chiếu
Dùng các dụng cụ tác động (cào, day, ấn, lăn) chủ yếu trên vùng mặt, là nơi phản chiếu của hầu hết các bộ phận nội tạng và ngoại vi của cơ thể. Ta cũng có thể tác động trên vùng lưng, hay ngực bụng, cũng là nơi phản chiếu nhiều bộ phận trong cơ thể.
Ví dụ: Đau lưng dùng cây dò gạch ở mang tai hay sống mũi vì 2 nơi này phản chiếu sống lưng. Ta có thể tham khảo các đồ hình phản chiếu để biết chính xác vị trí của các bộ phận phản chiếu trên mặt.
GS. TSKH. BÙI QUỐC CHÂU
(Trích giáo trình Diện Chẩn căn bản)