Bí quyết để xứng danh "Cao thủ Diện Chẩn"
TIÊU CHUẨN “3K DIỆN CHẨN” hay CÁC ĐIỀU QUAN TRỌNG TRONG DIỆN CHẨN MÀ HỌC VIÊN CẦN PHẢI LƯU Ý NẾU MUỐN TRỞ THÀNH HỌC VIÊN GIỎI
1/ XÂM là Âm, ẤN là Dương. Cho nên người tạng Âm không nên dùng kỹ thuật "Xâm mứt gừng” mà nên Ấn và Dán vì 2 kỹ thuật này thuộc Dương nên hợp với nhau, đi cùng với nhau được.
Ví dụ: người tạng Âm mà bị u xơ tuyến tiền liệt nên dùng kỹ thuật Ấn & Dán thì hay hơn là kỹ thuật Xâm vì Xâm thuộc Âm. Trái lại, người tạng Dương thì nên dùng kỹ thuật Xâm để làm TAN khối u bướu vì Xâm làm TÁN KHÍ nên có khả năng làm tan khối u hoặc bướu.
Đây là chỗ ít ai để ý nên trị bệnh có lúc được lúc không mà không hiểu tại sao. Lý do là vì quên một điều quan trọng hàng đầu: Là xác định TẠNG hoặc BỆNH thuộc Hàn hay Nhiệt để chọn phương pháp, kỹ thuật hoặc dụng cụ cho phù hợp. Vì nếu không phù hợp, hoặc không ăn khớp với nhau thì kết quả sẽ không cao hoặc không kết quả, có khi còn làm cho bệnh nặng hơn mà không biết tại sao.
2/ Thủ pháp GÕ (bằng búa nhỏ, đầu CAO SU): GÕ và GẠCH bằng đầu Que dò thuộc Dương nên hợp với bệnh có gốc Lạnh (Hàn) mà không hợp với bệnh gốc Nóng (Nhiệt).
3/ Thủ pháp LĂN thì tùy theo LĂN SỪNG (Nhựa) hay LĂN ĐINH (bằng inox). Nếu Lăn nhựa thì thuộc Dương, sẽ làm Ấm, Nóng, có thể dùng để chữa bệnh do Lạnh (Hàn). Ngược lại, Lăn đinh Hoặc Lăn đồng thuộc Âm nên dùng để chữa bệnh do Nóng (Nhiệt).
Về các loại cây Lăn thì cũng nên biết điều cực kỳ quan trọng là:
a/ LĂN CẦU GAI (hình trụ hay hình cầu, bằng Sừng hay Nhựa): làm thăng khí, làm co nhỏ, làm ấm nóng, làm săn da chắc da thịt, làm cứng chắc gan, xương v.v… nên thuộc Dương.
b/ LĂN ĐINH (hình trụ hay hình cầu): làm tán khí, làm mềm nhão thịt, làm mát, làm lỏng khớp v.v… nên thuộc Âm.
4/ Kỹ thuật Dán cao hoặc Hơ nóng bằng Điếu ngải cứu hay Máy sấy tóc hoặc Chườm nóng bằng Khăn nhúng nước nóng hay Túi đựng nước nóng đều thuộc Dương nên dùng để trị bệnh gốc Lạnh, do Lạnh.
Riêng về Điếu Ngải cứu hoặc Ngải cứu Điện hay Bóng đèn, nên lưu ý: HƠ NHANH khác với HƠ LÂU, cụ thể là HƠ theo Sinh huyệt 3 lần cách khoảng khác với HƠ CHẬM cho đến khi huyệt KHÔNG CÒN HÚT NÓNG nữa mới thôi là HƠ an toàn, hơ khác đi thì cho kết quả khác (hoặc Hơ Ấm tức Hơ Nhanh khắp vùng đau, không cần dò sinh huyệt).
5/ Khác với cây Giọt Mưa (cũng có đầu rất nhỏ nhưng không có đầu bi), cây Giọt Sương có đầu bi rất nhỏ (cỡ 1 đến 2 mm, so với đầu que dò là 1,6mm) nên cây Giọt Sương dùng để Ấn vào các điểm sinh huyệt rất nhỏ, kế đó cần giữ lâu cho đến khi bệnh nhân có cảm giác tê tại chỗ rồi có luồng dẫn truyền như dòng điện nhẹ chạy đến nơi đang bị bệnh một lúc rồi dứt. Khi ấy nên nhấc que dò lên và tiếp tục dò sinh huyệt khác, cho đến khi bệnh nhân khỏi hay bớt bệnh. Đôi lúc, sau khi Ấn, bệnh nhân lại có cảm giác nóng phừng trong cơ thể khiến toát mồ hôi. Các lương y gọi hiện tượng ấy là ĐẮC KHÍ. Cách này đem lại hiệu quả rất cao đối với các bệnh nan y, dù mạn tính hay cấp tính.
Ngoài các kỹ thuật nêu trên, khi sử dụng các dụng cụ Diện Chẩn ta phải nhớ các điều sau đây:
6/ Thay đổi về Cường độ (intensity: nặng, nhẹ, mạnh, yếu, sâu, cạn), Dung lượng (quantity: nhiều, ít), Tốc độ (speed: nhanh, chậm), Thời gian (time: lâu, mau), Cách thức (manner), Âm lượng (volume), Tần số (frequency), Chu trình (Cycle: lập lại 3 lần cách quãng), Hướng (direction: tác động của dụng cụ là thẳng góc hay xiên góc đối với huyệt hay vùng đau. Ví dụ: 15 độ, 30 độ, 45 độ, 90 độ…, nói khác đi là thẳng góc hay chéo góc đối với mặt da bằng nhiều độ số khác nhau, cũng như nặng nhẹ khác nhau), Chiều hay Phương tác động (way: chiều dọc, chiều ngang, chiều xoay tròn thuận theo hay nghịch với chiều kim đồng hồ) v.v…, tất cả các yếu tố trên đều làm cho kết quả chữa bệnh thay đổi.
7/ Một điều nữa cũng cực kỳ quan trọng là tính chất của Âm Dương:
a/ Cái gì làm Thăng khí, Co nhỏ lại, trở nên Cứng và Chắc hơn, khi dùng thì người bệnh có cảm giác nhẹ nhàng thì thuộc Dương.
Ví dụ: Hột sen, củ gừng, củ nghệ, củ riềng, củ nén, củ tỏi, đậu phộng, hạt dẻ…
b/ Ngược lại, cái gì làm Giáng khí, Phình to ra, trở nên Mềm, Nhũn, Xốp, Bả (không cứng chắc), khi dùng đến thì người bệnh có cảm giác nặng nề thì thuộc Âm.
Ví dụ: bầu, bí, lê, mướp v.v…
Cho nên chữa bệnh theo Diện Chẩn là không phải dễ khi ta đi sâu, vì nó rất ĐƠN GIẢN nhưng lại TINH TẾ nên những ai không chịu khó để ý những điểm nhỏ như trên sẽ khó đạt được trình độ cao về Diện Chẩn.
Tiêu chuẩn về thủ pháp của một người chữa bệnh giỏi, xứng danh “cao thủ Diện Chẩn”, là phải KHÔNG LÂU, KHÔNG ĐAU, KẾT QUẢ CAO, gọi tắt là tiêu chuẩn “3K DIỆN CHẨN”.
Muốn thực hiện thành công những điều nêu trên, các bạn cần đọc bài này ít nhất 10 lần. Chúc các bạn thành công.
GS. TSKH. BÙI QUỐC CHÂU
(Trích giáo trình Diện Chẩn căn bản)