In bài này

Diện Chẩn Bùi Quốc Châu

 Diện Chẩn Bùi Quốc Châu là gì ? 

Diện Chẩn Bùi Quốc Châu là tên gọi rút gọn của phương pháp Diện Chẩn – Điều khiển Liệu Pháp Bùi Quốc Châu (Face diagnosis – Cybernetic Therapy – FACY). Khác với Châm cứu, cần bắt mạch để biết bệnh và châm vào hệ kinh lạc để chữa bệnh. Diện Chẩn là phương pháp chẩn đoán và chữa bệnh qua da trên vùng mặt và toàn thân bằng cách tác động lên những điểm rất nhạy cảm (gọi là Sinh Huyệt) và vùng tương ứng với các bộ phận bị bệnh trên toàn thân được gọi là Đồ Hình Phản Chiếu.  

Diện Chẩn Bùi Quốc Châu 
 Đồ hình Diện Chẩn Bùi Quốc Châu

  Có thể định nghĩa Diện Chẩn là phương pháp chẩn đoán các dấu hiệu về tình trạng sức khỏe của con người  trên khuôn mặt, từ đó có thể phát hiện và tác động trong việc gia tăng sưc khỏe, phòng và điều trị các chứng bệnh.

 Qua nghiên cứu cho thấy khuôn mặt được xem như là điểm thông  tin và kiểm soát toàn bộ các hoạt động của cơ thể, dựa trên sự phản chiếu và đồng ứng với các bộ phận ngoại vi và nội tạng của cơ thể. Mỗi điểm phản xạ trên khuôn mặt sẽ phản ảnh một cơ quan tương ứng. Từ cơ sở này, ta có thể tác động lên các huyệt đạo trên khuôn mặt để tạo sự biến chuyển trên các cơ quan đó.

Hiện nay, Diện Chẩn không chỉ là chẩn đoán trên khuôn mặt, mà dựa trên thuyết Đồng ứng, đã mở rộng việc chẩn đoán và trị liệu ra toàn thân, đặc biệt là trên bàn tay, cánh tay, từ đó có thể tác động trên bàn tay, bàn chân, cánh tay, cổ tay để hỗ trợ việc trị liệu các vấn đề về sức khỏe của toàn thân vì Diện Chẩn là một dạng phản xạ học đa hướng và  đa hệ, nó khác biệt với phản xạ học cổ điển có tính nhất hướng.

Tại sao gọi là Diện Chẩn Điều Khiển Liệu pháp Bùi Quốc Châu ?

Sở dĩ gọi là Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp là vì ta có thể tác động vào các huyệt đạo ở vùng mặt và một số vùng trên cơ thể bằng các kỹ thuật như ấn, day, lăn, xoa, cào... thông qua các công cụ của Diện Chẩn Bùi Quốc Châu và sự tác động đó có khả năng điều khiển để tạo ra những hiệu ứng trên các bộ phận nội tạng và ngoại vi của cơ thể.

 Việc điều khiển gây ra những tác động cũng giống như ta điều khiển cái remote của các loại máy móc ( TV, Máy Lạnh, Quạt máy...) để khởi động hay tắt các hoạt động. Khi ta tác động lên các huyệt đạo cũng chính là việc khởi động cho quá trình điểu chỉnh trên các bộ phận của cơ thể , tạo ra những biến chuyển cho toàn bộ hệ thống sức khỏe của người bệnh.

GS.TSKH Bùi Quốc Châu nhà phát minh phương pháp Diện Chẩn

Đây là một phương pháp phòng và trị bệnh mới của Việt Nam, ra đời vào đầu năm 1980 do nhà nghiên cứu y học dân tộc, GS TSKH Bùi Quốc Châu sáng tạo.

Diện Chẩn Bùi Quốc Châu – Những mốc lịch sử

Thầy Bùi Quốc Châu, sinh ngày 03/4/1942 (giờ Mùi), tại Long Hồ, Vĩnh Long, con ông Bùi Văn Hườn (mất năm 1992) và bà Đỗ Thị Sáu (mất năm 1949).

Thầy bắt đầu học Đông y châm cứu từ năm 1964 với lão danh y Lê Văn Kế, rồi sau đó với lương y Trần Đắc Thưởng, và Khương Duy Đạm (tất cả đều đã mất). Sau giải phóng thầy có học thêm với Bs. Trương Thìn.

Vào năm 1976, thầy làm công tác y tế (chữa bệnh bằng châm cứu, thuốc Nam và dạy Âm Dương khí công) ở Lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố. Từ năm 1977, thầy làm việc ở Trường Cai nghiện Ma túy Bình Triệu – Thủ Đức.

· 26/3/1980 : Thầy tìm ra huyệt số 1 trên mũi bệnh nhân nghiện ma túy tên là Trần Văn Sáu, lúc bấy giờ đang cai nghiện tại Trường Cai nghiện Ma túy Bình Triệu – Thủ Đức.

· 17/01/1981 : Lớp Diện Châm đầu tiên tại trường tiểu học Thống Nhất do Nhà Văn Hóa Thanh Niên tổ chức (lúc bấy giờ do anh Liên Khui Thìn, anh Lưu Văn Tánh và Bs. Cái Phúc Thắng tổ chức), học viên khoảng hơn 40 người, đa số hiện nay còn ở Tp.HCM như: Bs. Võ Bửu Khôi, Hình Ích Viễn, lương y Đào Trọng Văn, Phạm Duy Xuân Quang,…

· 25/2/1981 : Báo Tin Sáng đăng bài “Diện Châm: một bước tiến mới của khoa châm cứu” (bài viết của phóng viên Trương Lộc).

· 16/6/1981 : Thầy Bùi Quốc Châu báo cáo ở Hội Trí thức Thành phố, trong số đó có nhiều bác sĩ đến nghe như Bs. Trần Văn Sen, Bs. Trần Nam Hưng (đã mất), Bs. Trần Hữu Hạnh (đã mất), Bs. Đinh Văn Cản. Sau đó, các bác sĩ này đã ghi tên học lớp Diện Chẩn mở ngày 25/6/1981.

· 25/6/1981 : Mở lớp Diện Châm đầu tiên có trên 100 người học (phải chia làm hai lớp).

· 27/8/1981 : Báo Sài gòn Giải phóng đăng bài “Diện Chẩn – Diện Châm”.

· 04/9/1981 : Thông tấn xã Việt Nam đưa tin “Châm cứu vùng mặt : Một phát minh y học của Việt Nam”. (Tác giả Trần Mai Hạnh).

· 05/9/1981 : Thầy báo cáo ở Ủy ban khoa học và kỹ thuật Tp.HCM (Tiến sĩ kỹ sư Đặng Quan Đức chủ trì).

· 21/9/1981 : Báo Nhân dân đăng bài “Châm cứu vùng mặt : Một phát minh y học của Việt Nam”. (Tác giả Trần Mai Hạnh).

· 29/9/1981 : Lớp Diện Châm (lần 2) có trên 100 người học (trong số đó có Bs. Trần Văn Sen, Bs. Trần Nam Hưng, Bs. Trần Hữu Hạnh, Bs. Đinh Văn Cản) nên cũng phải chia làm hai lớp.

· 02/10/1981 : Lớp Diện Châm tiếp theo có trên 100 người học.

· 01/12/1981 : Thầy báo cáo ở Mặt trận Tổ quốc Tp. Hồ Chí Minh.

· 07/12/1981 : Thầy làm việc ở bệnh viện 30/4 (bệnh viện Bộ Nội vụ) ở khoa Tim, Thận, Khớp do Bs. Huỳnh Hồng Anh làm chủ nhiệm khoa.

· 10/12/1981 : Thầy Bùi Quốc Châu báo cáo ở văn phòng thành ủy lần 1, Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt chủ trì, sau khi nghe tác giả báo cáo, đồng chí đã công nhận Diện Chẩn – Điều Khiển Liệu Pháp (lúc bấy giờ còn gọi là Diện Chẩn – Diện Châm) là một sáng tạo về y học của dân tộc Việt Nam. Sau đó, đồng chí có chỉ đạo cho các ban ngành có liên hệ như Sở Y tế, Sở Thương binh xã hội, Văn phòng Thành ủy, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Tp. ủng hộ và tạo điều kiện để cho thầy nghiên cứu ứng dụng phương pháp này.

· 18/12/1981 : Thầy báo cáo ở văn phòng thành ủy lần 2 do Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh chủ trì, sau khi nghe thầy báo cáo, đồng chí cũng nhất trí ủng hộ.

· 29/12/1981 : Thầy làm việc ở Ban bảo vệ sức khỏe Thành ủy.

· 1981 : Báo Công giáo dân tộc đưa tin về Diện Châm.

· 10/3/1982 : Báo Tuổi trẻ đăng bài “Diện Chẩn – Điều Khiển Liệu Pháp : Một phương pháp chữa bệnh mới của Việt Nam”.

· 24/3/1982 : Thầy làm việc ở bệnh viện Nguyễn Trãi.

· 02/1983 : Thầy mở địa điểm điều trị miễn phí cho nhân dân và cán bộ tại 19 bis Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, Tp.HCM. Mỗi ngày có trên 100 bệnh nhân đến điều trị. Cơ sở này có được sau khi có ý kiến đề xuất của ông Mai Chí Thọ (lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND Tp.HCM). Sau đó, được Thành ủy, Ủy ban duyệt, cấp cho căn nhà số 19 bis Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) Quận 3 để làm cơ sở nghiên cứu và ứng dụng phương pháp Diện Chẩn.

· 1984 : Thầy mở lớp hướng dẫn cho bệnh nhân tự trị các bệnh thông thường ở gia đình (với chủ trương biến bệnh nhân thành thầy thuốc). Số học viên rất đông (trên 500 người).

· 1985 : Thầy tiếp tục mở lớp như trên tại nhà Hữu Nghị. Số học viên gia tăng đến gần 900 người trong đó có nhiều bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, lương y, kỹ sư, kiến trúc sư, giáo viên và các ngành nghề khác.

· 1986 : Thầy mở lớp dạy Diện Chẩn Bùi Quốc Châu tại 19 bis Phạm Ngọc Thạch vào mỗi sáng Chủ Nhật. Mỗi lớp thường có trên 100 người học.

· 1988 : Thầy được chính phủ Cuba mời sang La Habana giảng dạy Diện Chẩn Bùi Quốc Châu cho các giáo sư, bác sĩ Cuba (hơn 50 người) trong thời gian 6 tháng. Các phương tiện truyền thông Cuba đã loan tin hơn 10 lần về hoạt động này.

· 1990 : Thầy được các bác sĩ Liên Xô mời sang Mạc Tư Khoa mở địa điểm điều trị cho các bệnh nhân Liên Xô trong 2 tháng. Trước khi sang đã có 37 ngàn bệnh nhân đăng ký xin được chữa bệnh bằng phương pháp Diện Chẩn (theo báo Lao động Liên Xô). Sau đó, thầy có cử 2 thành viên Diện Chẩn (anh Tạ Minh và chị Quốc Khánh) sang Mạc Tư Khoa trong 9 tháng để chữa bệnh theo hợp đồng đã ký trước đó.

· 1992 : Thầy được Chủ tịch Cayxỏn Phomvihản mời sang để hợp tác với Lào mở địa điểm điều trị bằng phương pháp Diện Chẩn tại Viêng Chăn (thủ đô Lào).

· Giữa năm 1992 : Thầy được Đại học Y học tự nhiên Pháp mời sang Paris 8 tháng để giảng dạy về phương pháp Diện Chẩn Bùi Quốc Châu. Các tạp chí y học pháp, đài phát thanh RFI (Pháp), BBC (Anh), VOA (Mỹ) đều có đưa tin về sự kiện này, coi như đây là một phát minh y học của Việt Nam. Thời gian ở Pháp thầy có sang Thụy Sĩ và Ba Lan để chữa bệnh và giảng dạy.

· 1993 : Thầy trở sang Lào để cử 2 thành viên Diện Chẩn (anh Ngô Minh Hồng và anh Hùng) sang hợp tác với Lào mở địa điểm điều trị tại Viêng Chăn trong 8 tháng.

· Từ 1993 đến nay : Tổ chức mạng lưới Diện Chẩn trong nước, từ Hà Nội đến Cà Mau và mở lớp dạy Âm dương khí công và Diện Chẩn, đồng thời soạn các tài liệu mới về Âm dương khí công, Diện Chẩn, Ẩm thực dưỡng sinh, thể dục tự ý. Thầy mở lớp nâng cao về Diện Chẩn (theo hệ thống tín chỉ) vào mỗi chiều chủ nhật hàng tuần.

Từ khi khám phá phương pháp cho đến năm 1986 thầy chỉ nghiên cứu các huyệt và vùng phản chiếu ở mặt. Từ năm 1986 trở đi thầy nghiên cứu thêm vùng da đầu và sau đó nghiên cứu phát triển các vùng phản chiếu (dưới dạng các đồ hình) ở mặt ra khắp toàn thân (tai, lòng bàn tay, lòng bàn chân, lưng, ngực, bụng). Cho nên Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp hiện nay là phương pháp tác động khắp toàn thân chứ không phải chỉ ở vùng mặt như giai đoạn đầu nữa.

Ngoài ra, kể từ năm 1985 (lúc dạy ở nhà Hữu nghị với gần một ngàn học viên) GS.TSKH Bùi Quốc Châu đã thay kim châm bằng các dụng cụ đặc thù của phương pháp như que dò huyệt, cây lăn, cây cào, búa gõ do chính thầy sáng chế. Thầy đã đề ra chủ trương “Biến bệnh nhân thành thầy thuốc“ hướng dẫn các học viên tự phòng và trị bịnh bằng các dụng cụ kể trên.

Cho đến nay thầy và các cộng sự đã đào tạo trực tiếp và gián tiếp gần 10 ngàn người biết tự phòng và trị bịnh bằng phương pháp này (trong đó có bác sĩ, lương y, kỹ sư, kiến trúc sư, giáo sư, giáo viên, và nhiều thành phần khác trong xã hội với chủ trương : Biến bệnh nhân thành thầy thuốc, biến người bệnh thành người chữa bệnh cho chính mình).

Hiện nay ở khắp cả nước từ Bắc chí Nam đều có những người học và làm Diện Chẩn Bùi Quốc Châu, đã hình thành các câu lạc bộ Diện Chẩn và các chi nhánh Việt Y Đạo để điều trị và hướng dẫn cho bệnh nhân phương pháp này như câu lạc bộ Việt Y Đạo ở Hải Hưng do cô Hồng Thắng chủ trì, câu lạc bộ Diện Chẩn ở Hà Nội do lương y Đồng Xuân Toán, lương y Đạo Ngọc Bảo chủ trì, CLB Diện Chẩn ở Hải Phòng do cô Quốc Khánh chủ trì, CLB Việt Y Đạo ở Nghệ An do Bs. Trần Đình Yên chủ trì, CLB Diện Chẩn ở Huế do lương y Tôn Thất Quỳnh Nam chủ trì, CLB Diện Chẩn ở Sóc Trăng do anh Dương Văn Tươi chủ trì, CLB Diện Chẩn ở Hà Tĩnh do lương y Lê Văn Tín chủ trì.

Trung tâm Việt Y Đạo ngày nay nằm ở số 16 Ký Con, phường 7, quận Phú Nhuận, Tp.HCM, hàng ngày tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân đủ mọi loại bệnh (trừ cấp cứu và có chỉ định giải phẫu). Ở các nơi khác trong cả nước số lượng bệnh nhân theo điều trị bằng phương pháp này cũng rất đông.

Diện Chẩn Việt tổng hợp
(Trích dẫn từ dienchan.com)