In bài này

Tư liệu -28- Trừ Đàm Thấp Thủy

Tạ Minh.
 
            Đàm, thấp và thủy là ba tác nhân gây bệnh thường có mặt trong nhiều loại bệnh chứng khác nhau. Chúng thường quấy rối cơ thể bịnh nhân và gây trở ngại cho việc trị bịnh chính cho bịnh nhân.
            Bộ huyệt TRỪ ĐÀM THẤP THỦY này được hình thành vào đầu năm 1990. Qua 3 năm thử nghiệm, truyền bá, bộ huyệt này đã tỏ rõ hiệu năng của nó, kể cả với những học viên chưa nhiều kinh nghiệm hoặc chưa được học về Đông y. Tỉnh An Giang và thị xã Long Xuyên là nơi được phổ biến đầu tiên, sau khi tôi đạt được một số kết quả lâm sàng tại TT/DC-ĐKLP 19B Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM, nhân một dịp đi huấn luyện tại đó. Đồng bằng sông Cửu Long vốn nhiều sông nước, việc nhiễm thủy thấp là điều đương nhiên, nhất là với các bà con nông dân, càng phổ biến hơn ở nữ giới (thường tắm đêm ở ao, rạch sông ngòi).
I/-        PHÁC ĐỒ - KỸ THUẬT TÁC ĐỘNG
            Có 3 phác đồ dùng cho 3 mức độ bệnh khác nhau từ nhẹ tới nặng. Lọc thấp là dùng cho trường hợp thấp nhẹ, trừ thấp được dùng cho mức độ thấp trung bình, trục thấp là trường hợp thấp nặng.
  
-                    Lọc thấp: 107, 240, 12, 184, 290, 7, 347.
-                Trừ thấp: 521, 87, 22 B, 235, 127, 347, 236, 85, 29 (222), 53, 7, 63, 64, 287, 19, 39, 1, 290, 240, 26,103.
-                    Trục thấp: tác động trọn ụ cằm; bờ môi dưới; bờ môi trên và cánh mũi (giới hạn bởi pháp lệnh), toàn bộ mũi kéo dài lên vùng huyệt 103-175. Phác đồ này được dùng khi cần trục đàm thấp thủy thật mạnh.
Về mức độ bệnh Thấp Thủy cần điều trị nhiều mới có kinh nghiệm phán đoán. Nếu chưa kinh nghiệm các bạn có thể dùng phác đồ lọc thấp trước, nếu không hiệu quả mới tăng dần theo các phác đồ sau.
Phác đồ Diện Chẩn Tạ Minh Trừ thấp Phác đồ Diện Chẩn Tạ Minh Trục thấp
Phác đồ Diện Chẩn Tạ Minh Trừ thấp Phác đồ Diện Chẩn Tạ Minh Trục thấp 

Chú ý:
-                    Cần chẩn đoán về hàn nhiệt trước khi điều trị.
-                    Rất ít khi phải dùng trọn bộ huyệt nêu trên.
-                    Dò sinh huyệt trước khi tác động.
-                    Sử dụng que dò có dầu cao trước, nếu không có tác dụng mới sử dụng ngải cứu trong những trường hợp bệnh thuộc hàn.
-                    Nếu sử dụng que dò thì day mỗi huyệt chừng 30 cái với vaseline khi bịnh thuộc nhiệt, với dầu cao khi bịnh thuộc hàn.
-                    Dán cao khi bịnh thuộc thấp-thủy nặng (thường thuộc hàn chứng).
-                    Nếu sử dụng ngải cứu thì hơ nóng mỗi huyệt 3 lần rồi xoa dầu cao vào huyệt, khi bịnh thuộc hàn nặng.
-                    Mỗi lần điều trị cần xem xét lại trước khi dùng, đề phòng sự quá liều rất dễ xảy ra.
II/-       KINH NGHIỆM LÂM SÀNG
            Một hay các hiện tượng sau đây sẽ xảy ra khi chẩn đoán đúng và điều trị đúng mức độ:
-                    Bịnh chứng thuyên giảm rõ rệt.
-                    Bịnh nhân có thể đột ngột đi tiêu lỏng, sệt hoặc có đàm nhớt lẫn trong phân. Có thể đau bụng hoặc không, nhưng không quá 5 lần trong một ngày đêm, càng đi tiêu càng thấy người thoải mái chứ không mệt như các trường hợp đi tiêu lỏng khác.
-                    Bịnh nhân có thể khát nước hơn, nên uống ngay nước ấm hay đun sôi để nguội (không nên uống nước ướp lạnh hay nước đá) và uống từ từ chứ không uống nhanhKhi cảm thấy hết khát thì ngưng ngay chứ không uống cho hết nước đã rót ra ly. Tình trạng này có khi do tác động quá liều, do đó cần hỏi kỹ để ngưng kịp thời, tránh tác dụng xấu.
-                    Bịnh nhân có thể thấy choáng váng một lúc rồi tự hết, sau khi điều trị về. Đây là hiện tượng tốt.
-                    Bịnh nhân có thể thấy cơ bắp toàn thân rần rần như có cái gì chạy nhè nhẹ; rõ nhất ở vùng bụng dưới và hai chân. Có thể hai chân bỗng tê rần, mỏi nhừ hoặc yếu sức hoặc đau nhức (trước đây không có hoặc quá nhẹ); nhất là khi bịnh nhân đang có bịnh thuộc vùng bụng dưới thắt lưng hay vùng chân.
-                    Bịnh nhân có thể bỗng bị nổi mụn ngứa (giống như bị dị ứng), cứ yên tâm vì khoảng ba ngày đến hai tuần sau sẽ tự hết tùy nhẹ hay nặng. Đây là sự giải độc.
LƯU Ý: khi bịnh nhân có một trong các hiện tượng sau đây là ta đã chẩn trị sai hoặc tác động quá liều về huyệt hay về kỹ thuật.
-                    Bịnh nhân bỗng cảm thấy chán ăn hơn trước.
-                    Bịnh nhân bị nóng người, khô người, khát nước, uống nước thấy ngon uống thật nhiều mới thấy hết khát, người thấy mệt (không phải mỏi), hồi hộp tim, khó ngủ.
            Nên dùng nước dừa, dưa hấu hoặc thanh long kèm với bộ BỔ ÂM HUYẾT để điền lại huyết dịch cho bịnh nhân.
III/-     TÁC DỤNG
            Loại trừ đàm, thấp và nước ứ đọng trong cơ thể bịnh nhân.
IV/-     CHỦ TRỊ
-                    Giải quyết tất cả các bịnh do đàm ẩm gây ra; dứt điểm hoặc hỗ trợ cho các phương hướng điều trị khác. Tuy nhiên, giữ gìn và phục hồi chính khí của bịnh nhân là việc cần chú ý trước và sau khi dùng nó.
-                    Có thể dùng để điều trị các bịnh thường gặp như: ho đàm, thủy thũng, thấp khớp, trúng nước nặng (khi BỘ THĂNG tỏ ra kém hiệu quả), huyết trắng không có yếu tố nhiễm trùng, béo phì bịnh lý (mập nước), đại tiện phân nhão thường xuyên, ăn kém lâu ngày mà các loại thuốc bổ không có tác dụng (vì đàm thấp ứ đọng cản trở sự hấp thu của cơ thể).
V/-       CHỐNG CHỈ ĐỊNH
            Cũng như các phương án điều trị có tính tấn công khác, không nên dùng bộ huyệt này cho các bịnh nhân suy nhược, suy tim, to tim. Tuy nhiên khi đàm thấp thủy là nguyên nhân gây bịnh thì rõ ràng phải trừ gấp để lập lại sự lưu lợi cho các tuyến sinh lý cơ thể, nếu không sẽ rất khó giải quyết các bịnh chứng liên quan (trường hợp này phải rất cẩn thận khi dùng).
VI/-     CHẾ ĐỘ SINH HOẠT, ĂN UỐNG
            Tránh tái nhiễm thủy ẩm suốt thời gian điều trị và sau khi điều trị xong khoảng ba tháng.
1)                  Về sinh hoạt, kiêng cữ các hoạt động sau đây: tắm ban đêm, tắm nước nóng mà lâu (nên tắm nhanh), uống nước nhanh (nên uống từ tốn), tiếp xúc với nước nhiều, nằm ngủ dưới đất, tiếp xúc với sức nóng nhiều và lâu.
2)                  Về ăn uống: cữ dùng các thứ quá mát hoặc lạnh, các thứ có chất nhớt như đậu bắp, mồng tơi, rau đay, khoai mỡ, sữa đặc, lòng trắng trứng… Các loại cà, măng và các thức chua kể cả các loại mứt làm từ thức chua như mứt me, mứt dâu v.v... Các món này có vẻ nghịch lý với Tây y nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy là phải cữ!!??
VII/-    KẾT LUẬN
-                    Có thể là do ăn uống sai phép dưỡng sinh mà tạo ra bất ngờ. Nhưng thông thường Đàm Thấp Thủy là những sản phẩm được tạo ra khi có một trục trặc sinh lý nào đó. Tuy vậy bịnh nhân không chú ý vì quá trình tạo lập thường chậm chạp từng chút một cho đến khi đủ cường độ thì mới gây tác hại. Vì vậy ít ai cảnh giác mà có khi còn cho là sự tự nhiên của cơ thể! Do đó họ không kể ra khi khai bịnh.
-                    Tuy là một sản phẩm có vẻ bình thường (dưới mắt bịnh nhân) nhưng chính chúng là tác nhân gây bệnh và cản trở việc điều trị bịnh chính. Việc điều bổ chỉnh đốn sinh lý cơ thể cho bịnh nhân là mục tiêu tối hậu, nhưng nếu không trừ chúng đi trước thì có khi cũng khó đạt mục tiêu tốt đẹp này.
-                    Vì là một phương pháp tấn công nên khi dùng bộ huyệt này chúng ta cần theo dõi kỹ lưỡng diễn tiến lâm sàng để linh hoạt điều chỉnh mức độ điều trị cho thích hợp; để tấn công đúng lúc, dừng lại đúng lúc và bồi bổ (bằng bộ BỔ ÂM HUYẾT hoặc BỔ TRUNG) đúng lúc hầu đạt hiệu quả tốt. Muốn thế xin quý vị lưu ý phần I và II của bài này.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 5-1-1994.