In bài này

Tư liệu -16- Làm sao để đạt tứ đắc

 Tạ Minh.

Mạc Tư Khoa, 1992.
 
            Dò tìm sinh huyệt rồi tác động vào sinh huyệt là việc chúng ta đã biết và đã từng làm. Nhưng dò tìm sinh huyệt ở đâu, tác động như thế nào, bao nhiêu lâu để có thể đạt được TỨ ĐẮC (đắc thời, đắc vị, đắc pháp, đắc độ)? Bởi khuôn mặt đã là khó dò, rồi lại còn bàn tay, bàn chân, lưng, bụng, đầu, vành tai!!! Làm sao mà dò cho nổi… phải không các bạn?
            Nay, tôi xin đóng góp một tâm đắc sau một thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm thấy rất tốt. Mong rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp các bạn vững tâm và vững tay hơn trong việc sử dụng DC-ĐKLP.
            Nguyên, đầu năm 1992 tôi sang Matxcơva làm việc theo lời mời của họ và theo đề cử của thầy Châu. Lúc ấy đang là mùa đông, lại là xứ lạnh, hầu hết các trường hợp đều phải dùng ngải cứu để điều trị, hiệu quả tốt. Nhưng có một số trường hợp hơ mặt không có kết quả, thậm chí có lúc lại xấu hơn, mặc dù về chẩn đoán rõ ràng là thực hàn. Tôi rất ngạc nhiên. Trước đó, ở Việt Nam thỉnh thoảng cũng có gặp, nhưng rất ít khi và chưa tìm ra giải pháp tốt. Một phần do áp lực bịnh nhân quá đông không rảnh để nghiên cứu cho ra vấn đề. Mặt khác phương pháp chỉ mới bắt đầu triển khai ra toàn thân, lại không có giường nằm cho bịnh nhân. Cho nên việc áp dụng các hệ thống phản chiếu ngoài bộ mặt chưa được triệt để như hiện nay.
            Ở Matxcơva, đủ điều kiện, nên tôi quyết tâm nghiên cứu hiện tượng này. Tôi phát hiện ra nhiệt độ các vùng cơ thể của trên cùng một bịnh nhân không giống nhau. Từ nhận xét này, tôi chuyên tâm tìm những vùng có nhiệt độ bất hợp lý nhất trên cơ thể bịnh nhân làm nơi chẩn đoán và điều trị. Từ đó hiệu quả điều trị được nâng cao hẳn vì nhanh hơn và chính xác hơn trước. Ngoại trừ các trường hợp sốt cao làm rối loạn sinh lý huyệt như đã trình bày. Hoặc một số trường hợp lạnh toàn thân vì một cơn đau kịch phát.
            Thế là vấn nạn “Làm sao để đạt tứ đắc” đã được giải.
I/-        VẤN ĐỀ ĐẮC VỊ, ĐẮC THỜI?
            Hai yếu tố đầu tiên là ĐẮC THỜI, ĐẮC VỊ sẽ đến cùng lúc khi ta tìm được vùng chẩn trị có sinh huyệt nằm trong đó. Đó là nơi lạnh nhất hay nóng nhất trong cơ thể bịnh nhân trong khi các nơi khác có nhiệt độ bình thường. Thí dụ: Các nơi đều ấm riêng bàn chân lại lạnh thì bàn chân là nơi khám và trị bằng ngải cứu. Các nơi đều mát mà mặt lại nóng thì mặt là nơi dò và trị bệnh bằng que dò.
II/-       VẤN ĐỀ ĐẮC PHÁP?
            Ta cũng biết, hễ bịnh nhân nóng thì giải nhiệt, bịnh nhân lạnh thì làm cho ấm, hễ đau tay thì chữa tay nhưng nếu đau tay do thiếu máu cơ tim thì chữa bệnh cho tim chứ không phải chữa cho tay; nhức đầu thì chữa đầu nhưng nhức đầu do táo bón thì lại chữa vào đại tràng chứ không chữa cho đầu v.v… Đó chính là đắc pháp, chứ không phải chỉ chọn dụng cụ là đã đắc pháp. Dĩ nhiên khi đã định được “pháp” rồi thì việc chọn dụng cụ kỹ thuật thích hợp là việc phải làm để phát huy tối đa sự ĐẮC PHÁP.
III/-     VẤN ĐỀ ĐẮC ĐỘ?
            Bịnh có nặng có nhẹ, có đơn giản có phức tạp. Thể trạng bịnh nhân có khoẻ có yếu, có nhạy cảm có chậm đáp ứng. Mỗi trường hợp, mỗi thời điểm đều chẳng giống nhau. Các kỹ thuật với các mức độ đề ra như hơ nóng 3 lần, day lăn vài phút v.v… dù sao cũng chỉ gợi ý bình quân. Muốn đạt được yếu tố ĐẮC ĐỘ chúng ta phải chú ý thật kỹ các triệu chứng, diễn biến trên thực tế lâm sàng ngay trong lúc đang thao tác điều trị. Đồng thời vẫn tiếp tục khảo sát các diễn biến kế tiếp. Muốn vậy chúng ta cần ghi chép bịnh án đầy đủ. Từ đó chúng ta mới có thể suy ra và phán đoán mức độ tác động thích hợp cho mỗi lần điều trị. Nếu không rất dễ làm quá lố hoặc không đủ.
            Muốn đạt được cao hai yếu tố PHÁP và ĐỘ chúng ta không thể không nghiên cứu sinh lý bệnh lý Đông và Tây y để làm nền tảng trong phán đoán bệnh chứng. Riêng yếu tố ĐẮC ĐỘ thì cần kinh nghiệm riêng có được sau một thời gian thực hành nhiều, điều này khó truyền đạt.
            Tôi vừa trình bày xong phương cách để đạt TỨ ĐẮC. Tuy không có gì bí hiểm nhưng muốn làm được chúng ta cần rèn luyện như mọi vấn đề khác. Mong các bạn thành công.
In bài này

Tư liệu -15- Nguyên tắc điều trị

Lương y Tạ Minh.
 
            Việc gì cũng đều có một số nguyên tắc thể hiện thực hiện, dù không ít ngoại lệ. Muốn thành công, muốn ít gặp biến cố cần biết và tuân thủ các nguyên tắc mà cũng không rời ngoại lệ. Việc khám chữa bệnh cũng vậy. Cần theo một số nguyên tắc cần thiết. Nguyên tắc đầu tiên là nhận biết và xử lý các trường hợp cần đến các kỹ thuật cấp cứu của bệnh viện.
I/-        NHỮNG TRƯỜNG HỢP BỆNH CẤP CỨU
            Những trường hợp sau đây thuộc loại cấp cứu tại bệnh viện:
-                    Đau dữ dội tại một nơi nào đó trong cơ thể thuộc vùng ngực, bụng hay đầu, kèm sốt cao (trên 38°C).
-                    Huyết áp số trên bằng hay cao hơn 170 hoặc huyết áp số dưới bằng hay hơn 110. Trong trường hợp tăng huyết áp.
-                    Huyết áp số trên thấp hơn 90 hoặc huyết áp số dưới thấp hơn 50. Trong trường hợp tuột huyết áp.
Với những trường hợp này ta chỉ tạm thời can thiệp khi xa bệnh viện hay trên đường đưa bệnh nhân đến bệnh viện mà thôi.
II/-       NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ
1)                  Đối với bệnh mới phát hoặc bệnh có triệu chứng dữ dội, nếu không thuộc loại cấp cứu đã nêu trên thì ta nên điều trị vào triệu chứng trước rồi điều chỉnh tổng thể sau (cấp trị Tiêu).
2)                  Đối với bệnh mạn tính hay bệnh có triệu chứng tương đối nhẹ mà bệnh nhân chịu đựng được thì ta nên điều chỉnh tổng trạng trước rồi chữa triệu chứng sau (hoãn trị Bản).
3)                  Điều chỉnh tổng trạng thì theo các yếu tố chẩn đoán của tổng trạng. Điều trị triệu chứng cục bộ nơi có bệnh thì theo các yếu tố chẩn đoán của cục bộ.
Với các nguyên tắc sau:
-                    Hàn (lạnh) thì làm cho ấm: bằng các kỹ thuật hơ, dán cao, xức dầu. Nhiệt (nóng) thì làm cho mát: bằng các kỹ thuật áp lạnh, gõ mai hoa, day vaseline, lăn gai. Hai yếu tố này bao trùm các kỹ thuật tác động cho tất cả các cơ chế điều trị còn lại dưới đây.
-                    Dương hư thì bổ Dương bằng bộ Thăng có làm ấm bằng hơ hay dán cao hay xoa dầu. Âm hư thì bổ âm bằng bộ Bổ Âm huyết day bằng vaseline. Khí hư thì bổ khí bằng bộ Thăng nhưng không gây ấm huyệt. Huyết hư thì bổ huyết bằng bộ Bổ Âm huyết nhưng kỹ thuật thì tùy hư hàn hay hư nhiệt mà chọn kỹ thuật tương ứng.
-                    Viêm thì Tiêu viêm.
-                    Huyết ứ thì khử huyết ứ bằng bộ Tan máu bầm nay là bộ Tiêu viêm khử ứ.
-                    Có đàm thấp thủy thì Trừ đàm thấp thủy.
-                    Nhiễm trùng thì Tiêu viêm bằng day ấn vaseline, hoặc dùng phản chiếu hệ bạch huyết,phối hợp với kháng sinh.
-                    Xuất tiết thì cầm lại (thu liễm) bằng bộ Tan máu bầm (còn có tên là bộ Thu liễm), bộ Bổ trung hay bộ Thăng. Tuy nhiên ở đây cần chẩn đoán tìm nguyên nhân do âm hay dương hư gây xuất tiết. Đây là một vấn đề hơi khó, cần kinh nghiệm biện luận.
-                    Khô thì làm cho tươi nhuận bằng bộ Bổ Âm huyết.
-                    Hưng phấn thì ức chế lại bằng bộ Giáng.
-                    Trầm cảm thì làm hưng phấn lên bằng bộ Thăng.
………………………………….v..v.
III/-     KINH NGHIỆM LÂM SÀNG
            Các triệu chứng thuộc rối loạn cảm giác như đau, nhức, mỏi, tê, nặng nề, yếu… cần phải:
1)                  Phải giảm bằng hay hơn 30% ngay tại chỗ các triệu chứng thì mới đúng. Nếu kém là còn thiếu sót.
2)                  Ngay tại chỗ giảm mà hôm sau tăng lại như cũ là trúng ngọn mà chưa trúng gốc.
3)                  Qua hôm sau tuy có tăng lại nhưng ít hơn ngày hôm trước là trúng cả gốc lẫn ngọn. Cứ thế tiếp tục.
4)                  Đang điều trị hoặc điều trị lần đầu tiên đã có giảm nhưng sau đó vài giờ triệu chứng tăng lên hơn lúc chưa điều trị, thì có thể:
·                      Chẩn đoán và điều trị sai: triệu chứng kéo dài.
·                      Chẩn đoán đúng nhưng điều trị chưa đủ liều lượng: triệu chứng tăng rồi giảm dần.
·                      Bệnh nhân không giữ gìn kiêng cữ về sinh hoạt, ăn uống.
5)                  Triệu chứng đang giảm mà dừng lại không giảm thêm, đó là bệnh chuyển sang giai đoạn mới. Cần thay đổi phương thức điều trị bằng cách chẩn đoán lại và đề ra phương án điều trị mới cho phù hợp. Thường là tốt vì bệnh đã giảm nhẹ, nhưng không có nghĩa là đơn giản hơn và dễ trị hơn giai đoạn trước vì đến đây là vào gần hơn đến phần cốt lõi của bệnh.
IV/-     KẾT LUẬN
            Tuy đã khám kỹ rồi mới có kết luận chẩn đoán nhưng không phải lúc nào cũng có thể trúng 100% ngay trong lần khám đầu tiên với biện pháp lâm sàng (chính vì vậy mà Y học hiện đại phải cố công xây dựng các phương tiện khám cận lâm sàng để hạn chế sai lầm trong chẩn đoán bệnh). Ta chỉ chẩn đoán đúng khi bệnh đơn giản. Với những bệnh phức tạp thì có khi điều trị thử vài lần mới ra vấn đề. Mong các bạn không chủ quan tạo sai sót trong việc chẩn trị. Luôn luôn đặt lại vấn đề khi điều trị thấy không có kết quả như mong muốn.
TP. Hồ Chí Minh, 15 – 07 – 2002
In bài này

Tư liệu -14- Nguyên tắc chung chẩn trị chứng đau nhức

 Lương y Tạ Minh.

             Đau nhức là một triệu chứng rất thường gặp. Với Tây y, đây là một vấn đề khá lớn và phức tạp đến nỗi hiện nay người ta phải lập ra chuyên khoa đau nhức song song với các khoa khác đã có. Nói theo cách thông thường ta có nhiều nguyên nhân gây đau: sự nhiễm lạnh gây co cơ hoặc co mạch, khối u chèn ép, cục máu đông hay mãng xơ vữa mắc kẹt lại, sự thiếu máu cục bộ tại một cân cơ nào đó, một chấn thương. Tất cả những thứ đó đều có thể gây đau.
            Với DC-ĐKLP thì việc giải quyết các chứng đau nhức tương đối tốt. Chủ yếu cần phán đoán bệnh do hàn hay nhiệt, có nguyên nhân cơ năng hoặc biến đổi thực thể. Luôn luôn cần phản chiếu hay đồng ứng nơi bị đau, có khi cần phải dùng đến hệ kinh mạch của Thể châm.
-                    Do hàn hay nhiệt: thường đột ngột, thất thường, đau tăng khi gặp yếu tố thuận, giảm khi gặp yếu tố nghịch. Hiệu quả điều trị rất cao và triệt để. Thỉnh thoảng có những trường hợp quá nặng điều trị không hiệu quả thì nên chuyển bệnh, thường là phải dùng thuốc tây thật mạnh chích thẳng vào nơi đau mới êm!! Gần đây có cây Hoàn ngọc (cây con khỉ) có tính giảm đau khá mạnh, có thể dùng 5 – 7 lá tươi cũng hiệu quả. Điều trị: hàn thì làm ấm, nhiệt thì làm cho mát.
-                    Do viêm nhiễm: đau cố định, kèm sốt. Đau tăng dần theo thời gian. Bộ Tiêu viêm làm chủ lực.
-                    Do tắc mạch: cũng đột ngột nhưng triệu chứng hàn nhiệt không rõ ràng, có điểm đau trên cùng và đau dọc theo đường dưới hoặc ngoài trọng điểm này, có khi kèm theo tê dại yếu sức. Bộ Tiêu viêm khử ứ làm chủ lực.
-                    Do khối u: cố định, khởi đầu khá mơ hồ như chỉ ê ẩm, từ từ đau tăng dần theo thời gian, không sốt. Nhưng cũng có thể đột ngột khi gặp u ác tính. Bộ Tiêu viêm làm chủ, phản chiếu khối u, lọc thấp. Ta điều trị tốt những trường hợp u mềm. Các u thuộc loại xơ cứng thì hiệu quả không cao và có hạn chế. Muốn biết chính xác thuộc loại nào thì phải nhờ cận lâm sàng. Theo tôi trường hợp u xơ nên ưu tiên cho phẫu thuật nếu không có gì đặc biệt. Hiện nay ngành phẫu thuật đã có những tiến bộ vượt bậc cần tận dụng. LƯU Ý: Không phải chúng ta không trị được bệnh này nhưng kết quả hơi thất thường và đây là loại bệnh có nhiều bất trắc, lại khó chẩn đoán bằng lâm sàng. Vì vậy hướng dẫn bệnh nhân theo Tây y để chẩn đoán là điều nên làm. Vì một khối u có thể là lành tính mà cũng có thể là ung thư, chỉ có thể xác định bằng các biện pháp cận lâm sàng.
-                    Do thiếu máu cục bộ: triệu chứng y như do lạnh nhưng nhẹ nhàng, thường xuất hiện vào sáng sớm khi vừa thức giấc, giảm dần trong ngày. Tổng thể thường bị thiếu máu. Điều trị: dùng bộ Bổ Âm huyết và phản chiếu. Trường hợp này có khi do nghẽn mạch nhẹ ở vị trí trên nơi bị đau, cần cảnh giác.
-                    Do chấn thương: điều trị: Bộ Tiêu viêm khử ứ, Tiêu viêm, phản chiếu, lọc thấp.
Trong việc tìm phản chiếu nơi có bệnh, thông thường dùng hệ phản chiếu trên mặt. Chỉ khi trên mặt không có sinh huyệt hoặc có mà không hiệu quả ta mới nên tìm ở các hệ phản chiếu bàn tay, bàn chân, lưng, bụng. Nếu vẫn không như ý, ta vận dụng thuyết Đồng Ứng, Lân cận, Đối xứng…… để tìm sinh huyệt. Nguyên tắc là như thế, nhưng nếu các bạn muốn nhanh thì áp dụng bài viết “Làm sao để đạt tứ đắc” và “Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt DC” của tôi thì việc tìm sinh huyệt phản chiếu nơi có bệnh sẽ nhanh gọn hơn và kỹ thuật tác động sẽ tốt hơn./.
TP. Hồ Chí Minh, 1993
In bài này

Tư liệu -13- Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt Diện Chẩn

 Tạ Minh.

TP. Hồ Chí Minh, 21-12-1993.
 
            Bệnh nếu không thuộc hàn thì thuộc nhiệt hoặc hàn nhiệt lẫn lộn. Trung y đã có cách chẩn đoán hàn nhiệt. Còn DC thì sao? Đây là ưu tư của tôi từ khi học và làm DC. Thời gian đầu gần như tôi phải dựa hoàn toàn vào tứ chẩn của Trung y. Sau đó, qua lâm sàng dựa vào huyệt tính và sinh huyệt, tôi tìm cách xây dựng kỹ thuật chẩn đoán riêng cho DC. Trước, để thỏa mãn sự tìm tòi của mình; sau là để đáp ứng nhu cầu của học viên chưa biết Trung y. May mắn thay tôi đã làm được điều này, có thể chưa được hoàn chỉnh nhưng nó góp phần không nhỏ cho những ai chưa biết hay đã biết Đông y – vì trong lâm sàng có một số trường hợp nhờ nó mà sự định bịnh rõ ràng hơn. Xin thử xem và vui thú với phát hiện này.
            Trước hết, ta cần nhớ các chứng hàn nhiệt vừa có toàn thân vừa có cục bộ và sự tương quan giữa chúng không có quy luật. Có nghĩa là có khi toàn thân là hàn mà cục bộ lại nhiệt, có khi toàn thân nhiệt mà cục bộ lại hàn. Có khi toàn thân lẫn cục bộ đều hàn hay nhiệt. Vì thế, khi chẩn đoán hàn nhiệt ta luôn cần xem xét cả hai khía cạnh toàn thân và cục bộ để hạn chế sai sót.
I/-        CHẨN ĐOÁN HÀN NHIỆT TOÀN THÂN
            Hai dụng cụ chính được sử dụng ở đây là que dò và ngải cứu. Cần thuần thục về kỹ thuật, nếu không ta sẽ bị báo hiệu sai và kết quả chẩn đoán sẽ sai theo.
1)                  Dùng que dò:
-                    đau ở 26 là nhiệt ở biểu.
-                    đau ở 143 là nhiệt ở lý.
-                    đau ở 1 hoặc 43 là hàn nhẹ ở lý. 
-                    đau ở 19 là hàn nhẹ ở biểu.
2)                  Dùng ngải cứu: ngải cứu được dùng khi khám bằng que dò không có sinh huyệt:
-                    nóng ở 1 hoặc 43 là hàn nặng ở lý. Khi 43 nóng là mất khả năng tàng trữ Dương khí. Khi 1 nóng là mất khả năng khai phát Dương khí.
-                    nóng ở 19 là hàn nặng ở biểu.
-                    nóng ở 143 là tinh huyết suy, mất khả năng tàng trữ Âm huyết. Khó trị hơn các trường hợp khác.
-                    nóng ở 26 là mất khả năng hấp thu dương khí.
LƯU Ý: phải dò cả 4 huyệt xong rồi mới kết luận sau khi đã tổng hợp – xem ở phần “Kinh nghiệm lâm sàng”.
            Nếu với cả hai phương tiện mà không thấy sinh huyệt thì có thể kết luận toàn thân bịnh nhân bình hòa, không hàn không nhiệt. Chỉ còn cần khám hàn nhiệt cục bộ mà thôi.
II/-       CHẨN ĐOÁN HÀN NHIỆT CỤC BỘ
            Như đã đề cập, khi một cục bộ có vấn đề (cơ quan bị bịnh), ta vẫn cần khám toàn thân để tìm sự liên hệ nếu có giữa toàn thân và cục bộ. Nếu toàn thân không có gì, ta chỉ cần khám cục bộ để biết bịnh thuộc hàn hay nhiệt.
1)                  Dùng que dò: tìm sinh huyệt dựa theo đồ hình phản chiếu nơi bị bịnh - chủ yếu ở trên mặt. Nếu báo đau là bịnh nhiệt. Nếu là vùng phản chiếu như cả cánh tay, hay phóng chiếu xoang, ta dùng lăn đinh nhỏ lăn vào nơi này, nếu đau là bệnh nhiệt.
2)                  Dùng ngải cứu: khi bịnh chứng rõ ràng mà khám bằng que dò không thấy có huyệt đau là bịnh hàn. Dùng ngải cứu dò sẽ thấy nóng.
3)                  Khi huyệt không báo đau mà cũng không báo nóng là tìm chưa đúng, thay đổi hệ thống phản chiếu.
4)                  Khi huyệt báo nóng lẫn báo đau là hàn nhiệt lẫn lộn, hoặc hàn nhẹ. Cần bình tĩnh xem xét kỹ. 
Tuy vậy, theo kinh nghiệm, dò bịnh hàn nhiệt cục bộ bằng huyệt khá phức tạp vì huyệt chịu chi phối bởi nhiều quy luật - như đối xứng, giao thoa, phản hiện v.v.... cần có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ mới ít sai lầm. Do đó, nên phối hợp với sờ tại chỗ để xét hàn nhiệt - xem bài “Làm sao để đạt tứ đắc”. Đồng thời nên hỏi triệu chứng tăng vào mùa nào trong năm, giờ nào trong ngày để tìm hiểu quy luật rồi suy ra./.
TP. Hồ Chí Minh, 1989
In bài này

Tư liệu -12- Chu kỳ lục khí

 TP. Hồ Chí Minh, 1993.

Lương y Tạ Minh.
 
            Trong cơ thể có 6 khí (chia ra 12 kinh khí) tương ứng với 6 khí trong thiên nhiên: Thái Dương, Thiếu Dương, Dương Minh, Thái Âm, Thiếu Âm, Quyết Âm. Trong một ngày 24 giờ, 6 khí luân chuyển theo từng 4 tiếng đồng hồ nối tiếp nhau. Trong giờ của khí nào, khí đó vượng nhất. Khí đó suy nhất khi thuộc giờ đối của nó (thí dụ: 9g đối với 21g). Áp dụng trong chẩn đoán ta có bệnh tăng hay giảm vào giờ thiên khí vượng hay suy. Suy ra:
-                     Nếu giờ thiên khí vượng mà bệnh tăng là kinh khí hay tạng phủ tương ứng bị thực. Hoặc kinh khí tạng phủ đối xứng của nó bị suy. Thí dụ: bệnh tăng từ 9 giờ đến 13 giờ, sau đó giảm nhẹ là giờ thuộc thiên khí Thái dương. Suy ra kinh khí Thái dương thực hay kinh khí Thái âm suy. Việc còn lại là tìm xem Thủ hay Túc kinh bị bệnh mà xử lý thích hợp.
-                     Nếu giờ thiên khí vượng mà bệnh giảm thì kinh khí hay tạng phủ tương ứng của nó bị suy. Ta chỉ bổ chính nó.
 
            Để hiểu bài này và bài trước bạn cần biết, và hiểu càng tốt, về kinh mạch (thuộc ngành châm cứu – Thể châm). Ở đây tôi chỉ nói sơ lược vì thật ra việc ứng dụng hai bài này cũng không cần sâu sắc như một lương y châm cứu. Mà chỉ cần khái lược như dưới đây.
            Thiên khí (khí của trời đất) có 6 khí như nêu trên, cơ thể cũng có 6 khí tương ưng với 6 khí của trời đất.
            Sáu khí ở cơ thể được phân bố cho 12 kinh chạy trong người. Mười hai kinh lại chia làm 2 phần tay (Thủ) và chân (Túc). Như vậy một khí chia làm 2, một theo tay một theo chân giúp các kinh vận hành. Ta có:
-                    Túc Thái Dương Bàng Quang đồng khí với Thủ Thái Dương Tiểu trường.
-                    Túc Thiếu Dương Đởm đồng khí với Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu.
-                    Túc Dương Minh Vị đồng khí với Thủ Dương Minh Đại tràng.
-                    Túc Thái Âm Tỳ đồng khí với Thủ Thái Âm Phế.
-                    Túc Thiếu Âm Thận đồng khí với Thủ Thiếu Âm Tâm.
-                    Túc Quyết Âm Can đồng khí với Thủ Quyết Âm Tâm Bào.
Tuy đồng khí nhưng giờ chủ đạo của mỗi kinh khác nhau, do đó không thể lầm lẫn. Tuy nhiên ta thấy khi một loại khí trong cơ thể có vấn đề ắt có thể gây trở ngại trực tiếp cho 2 kinh hay tạng phủ đồng khí (có tên khí giống nhau) hoặc có khí đối nhau (xem hình ở trên).
            Thường thấy, nôm na là khi một cơn gió ập đến (tà khí) thì hoặc đau bụng tiêu chảy, hoặc viêm hô hấp. Vì khí Thái Dương ở kinh Bàng Quang bảo vệ bên ngoài cơ thể, không chống được tà khí thì hoặc truyền qua Thái Dương Tiểu Trường, Thái Âm Tỳ làm đau bụng tiêu chảy hoặc truyền qua Thái Âm Phế làm ho (viêm hô hấp). Hay khi ăn uống thức lạnh khí hàn nhiều, ngoài đau bụng ra ta có thể bị ớn lạnh, ho. Đây là hiện tượng bệnh thường gặp nhất trong cuộc sống.
            Có bạn sẽ thắc mắc vậy tại sao có người trúng gió ngã ra rồi…… “đi luôn”, đó là vì bản thể người này vốn đã có bệnh về tim mạch. Cơn gió vô tội, nó không cố ý đánh vào Tâm, tội là ở chổ Tâm (hệ tim mạch) đã có bệnh mà không phòng, không chữa!!!
            Đông và Tây y gặp nhau ở điểm này.