In bài này

Thầy Nguyễn Cao Khải và những ca bệnh khó tin (Kỳ 31)

Thực hư khả năng chữa bách bệnh của phương pháp mang tên "Diện Chẩn" - Báo Người Giữ Lửa

LTS: Dáng người chắc nịch, nước da rám, tóc húi cua, giọng nói sang sảng, anh Nguyễn Cao Khải (Quốc Oai, Hà Tây) mang cho người đối diện cảm giác an toàn, tin tưởng. Nhưng, nói rằng anh Khải hành nghề chữa bệnh cứu người, hẳn ít ai tin. Có người mạnh miệng còn phàn nàn rằng anh Khải giống “dân chợ” hơn là “thầy thuốc”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên và chia sẻ của anh Khải, chúng tôi vô cùng bất ngờ về quá trình chữa bệnh bằng Phương pháp Diện Chẩn khá lâu của nhân vật này. NGL xin trân trọng gửi đến bạn đọc câu chuyện về người “thầy thuốc” bất đắc dĩ này.

Bỏ nghề buôn xe máy, quyết tâm theo đuổi Diện Chẩn sau khi chữa cho vợ thành công

“Tôi sinh ra trong một gia đình “căn bản”, bố làm thầy giáo, mẹ làm ruộng. Hai anh trai của tôi đều theo nghề binh. Thế mà tôi lại theo nghề buôn. Tôi buôn xe máy mạnh lắm, có khi xe máy xếp chật cả một nhà. Khi việc buôn bán đang phất như diều, vợ tôi gặp bệnh. Tôi chả thiết gì nữa, chỉ chăm chăm dành thời gian chữa bệnh cho vợ. Cũng may, thời điểm ấy, tôi gặp được Diện Chẩn.

Nói về niềm đam mê đối với y học, tôi thích môn bấm huyệt từ năm 1987. Lúc bấy giờ, tôi đang làm thuê ở trên phố cổ Hà Nội. Gần chỗ tôi trọ có bà tên là Dung, ở khu Khâm Thiên, chuyên chữa bệnh cho người dân và cán bộ bằng phương pháp bấm huyệt. Tôi thấy bà Dung làm mà mê quá, nhưng vì tuổi trẻ, và điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên chưa thể theo học được.

Lúc bấy giờ, tôi chỉ nghĩ đến việc làm ra tiền để nuôi vợ, nuôi con-ai chẳng thế, phải không? Như đã nói, hai anh trai của tôi đều theo nghiệp nhà binh. Anh cả tôi-anh Nguyễn Quang Đạt- là cán bộ trường Sỹ quan pháo binh ở Sơn Tây (Hà Nội). Khi còn công tác, bố tôi cũng là nhà giáo. Vì truyền thống gia đình như vậy, bố mẹ đều hướng tôi làm nghề gì liên quan đến chữ nghĩa, đầu óc. Thế mà tôi lại nhảy đi buôn xe! Tôi nhận ra nhu cầu về xe máy, đặc biệt là xe máy cũ, ở khu vực nông thôn như Quốc Oai rất lớn. Thế là tôi ra Hà Nội, tìm đến những tiệm cầm đồ hay bãi xe thanh lý, để đánh hang về. Có những chuyến tôi mang về cả trăm xe. Trên tiêu chí là kiếm lời vừa phải và mang xe tốt về cho bà con, công việc kinh doanh của tôi phất lên như diều.

Đáng ra tôi sẽ theo nghiệp buôn xe mãi như thế-bố mẹ, anh chị cũng không ưng đâu-nếu không có 1 biến cố xảy ra. Số là, vợ của tôi (tức chị Lê Thị Trọng, 45 tuổi- PV) vốn không được khỏe mạnh lắm. Vợ tôi có bệnh suy nhược cơ thể nên hầu như luôn ở trong tình trạng yếu ớt, mệt mỏi. Dẫu thế, bình thường thì vợ tôi vẫn chăm lo được cho gia đình và còn cấy thêm mấy sào ruộng. Năm 2005, vào một buổi sáng, bỗng dưng vợ tôi kêu mỏi tay, rồi không nhấc tay lên được nữa. Cầm bát, cầm đũa cũng không được. Thậm chí, vợ tôi còn bị đau nhức rất khổ sở. Tôi mời 1 anh bạn là bác sỹ tới, anh này kiểm tra và kết luận rằng vợ tôi bị Viêm khớp, nguyên nhân là do lao động nhiều.

Nghe vậy, tôi hoảng lắm. Tôi định đưa vợ tới bệnh viện ngay. Nhưng, ông anh cả tôi- tức là anh Đạt- nghe tin liền cản lại. Thời bấy giờ, anh ấy đã rất giỏi về môn Diện Chẩn rồi. Anh ấy bảo: “Tại sao ta có phương pháp hay mà không tự giúp mình?”. Anh ấy cho tôi sách vở nói về Diện Chẩn và các Phác đồ Diện Chẩn để tôi nghiên cứu. Đúng là do cái duyên nên tôi học lý thuyết Diện Chẩn rất nhanh. Chỉ trong 1 ngày, tôi đã hiểu thông đại ý về nguyên tắc chữa bệnh của Diện Chẩn. Tôi học các phác đồ, đồng thời mượn anh tôi 1 vài dụng cụ để tiến hành chữa trị cho vợ. Tôi tuân thủ theo các phác đồ mà GS.TSKH Bùi Quốc Châu đã sáng tạo ra, cụ thể là những phác đồ tiêu u viêm, thông tắc nghẽn nghẹt, cân bằng âm dương. Bên cạnh đó, tôi cũng kích thích vào các vùng phản chiếu về tay trên mặt vợ tôi.

Nói thật, thời điểm mới bắt đầu, tôi không dễ dàng tìm được các sinh huyệt theo đồ hình. Tôi cứ rà rà que dò, đến điểm nào mà vợ tôi kêu đau là trúng, tôi nhấn đầu cây dò vào vị trí đó. Về sau này, khi đã đọc kỹ và áp dụng nhiều, tôi mới dần dần hiểu được hai chữ “tùy” và “biến” mà thầy Châu giảng dạy. “Tùy” tức là tùy người hoặc tùy bệnh mà có những cách chữa không giống nhau- có rất nhiều phác đồ, nhưng áp dụng thế nào lại còn phải tùy cơ thể bệnh nhân. “Biến” tức là không câu nệ tiểu tiết, miễn sao chữa được bệnh.

Chữa cho vợ tôi trong vòng hơn 1 tuần theo những kiến thức mới học, tôi vô cùng bất ngờ khi tình trạng của vợ tôi tiến triển tích cực. Cụ thể, tay vợ tôi dần dần nhấc lên được, không đau nhức như trước. Chẳng bao lâu, cô ấy hồi phục lại trạng thái bình thường. Tôi thấy thần diệu quá. Tôi rất vui sướng, vì vợ khỏi bệnh mà không tốn tiền thuốc men gì hết. Nhân tiện tâm trạng tôi vui vẻ, anh Đạt liền khuyên tôi bỏ nghề buôn xe để theo nghề chữa bệnh cứu người. Sẵn có đam mê, tôi nghe lời anh Đạt, dừng việc mua bán xe, chuyên tâm vào việc chữa bệnh (để làm việc này, tôi phải đấu tranh mãi, vì nghề buôn xe đang phát đạt, kiếm lời tốt, trong khi việc chữa bệnh rất bấp bênh. Nhưng các cụ vẫn bảo, “cứu một người phúc đẳng hà sa”, tôi nghĩ chữa bệnh mới là nghề nghiệp mang lại cho bản thân và gia đình phúc đức lâu dài).

Nhưng, cái tiếng “buôn xe” của tôi nặng quá, thời gian đầu mới chuyển sang nghề chữa bệnh theo Phương pháp Diện Chẩn, hầu như chẳng ai tin tưởng để tôi trị. Họ thà đi bệnh viện, thà tốn tiền chứ không cho tôi áp dụng Diện Chẩn. Thời điểm ấy, tôi phải đến từng nhà trong làng để xin được chữa bệnh. Rồi, tôi tận dụng mối quan hệ họ hàng- ví như các ông, các bà, anh em mà ốm, tôi liền tìm đến ngay. Ró ràng, Diện Chẩn chữa bệnh rất hiệu quả. Những loại như sổ mũi, nhức đầu, đau vai gáy- tôi chỉ chữa trong ngày một ngày hai là khỏi. Nhờ đó, bà con trong làng, trong xã dần dần biết đến tôi. Họ tìm đến nhờ tôi chữa bệnh ngày càng đông hơn.

Về phần mình, tôi phải có ý thức tự nâng cao tay nghề. Tôi theo học cô Phạm Minh Châu, là một học viên khóa 101 của thầy Bùi Quốc Châu, để hiểu thông suốt về cơ sở lý luận của Diện Chẩn . Đồng thời, trong quá trình chữa bệnh, tôi rút kinh nghiệm qua từng ca bệnh. Càng đi sâu, càng hiểu kỹ tôi càng thấy rằng Diện Chẩn điểu khiển liệu pháp của thầy Bùi Quốc Châu rất hữu dụng, tuyệt vời. Nhờ phương pháp này, tôi đã chữa khỏi cho nhiều trường hợp mắc bệnh kỳ lạ, đặc biệt…”

Hoài Sơn (Báo Người Giữ Lửa)
DienChanViet.Com